Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã khiến các hoạt động kinh doanh trực tiếp gần như bị đóng băng, ngưng trệ. Trước tình đó, một số doanh nghiệp (DN), hộ cá thể, cá nhân... đã linh động, chuyển đổi sang mô hình kinh doanh online để thích ứng kịp thời các thay đổi trong thói quen tiêu dùng giữa mùa dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc mua bán online tạo sơ hở để một số đối tượng đã lợi dụng lừa đảo người tiêu dùng (NTD)...
Chị N.N.T (ngụ tại chung cư Belleza, phường Phú Mỹ, quận 7) cho biết, chị lên mạng tìm kiếm các địa chỉ bán khẩu trang y tế. Sau khi so sánh giá cả, đặc điểm từng loại khẩu trang cụ thể, chị T. đặt mua 5 hộp khẩu trang y tế (khẩu trang 4 lớp, 50 cái/hộp) có tác dụng chống vi khuẩn, chống tia cực tím, chống bụi, với giá 250.000 đồng/hộp.
Sau khi đặt hàng, người bán yêu cầu chị T. phải chuyển khoản 80% mới giao hàng. Nghĩ đây là mặt hàng hiếm, sợ chậm trễ sẽ không còn cơ hội mua được hàng, hơn nữa “shop” online có số điện thoại, địa chỉ cụ thể và đặc biệt là rất nhiều khách mua hàng trước đó đã phản hồi lại rất tốt, nên chị T. không ngần ngại chuyển ngay 1 triệu đồng vào tài khoản của người bán.
Chờ đến ngày thứ 5 kể từ khi đặt hàng, chị nhận được cuộc gọi của shipper xuống sảnh chung cư để nhận hàng. Chị T. mở gói hàng ra thì bên trong là một đống giấy báo, giấy vệ sinh, không có hộp khẩu trang nào. Chị gọi lại số điện thoại người bán thì không liên lạc được, địa chỉ “shop” hàng cũng là địa chỉ “ma”.
Anh shipper tội nghiệp cũng đứng ôm gói hàng thất thần: “Họ kêu tôi chờ ở đầu hẻm trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân, rồi mang hàng ra bảo giao cho địa chỉ, số điện thoại này rồi lấy tiền luôn. Bây giờ coi như tôi mất trắng cuốc vận chuyển này”. Chị T.T.K.N (ngụ phường Tân Phú, quận 7) cũng bị dính chiêu lừa đảo khi đặt mua hàng trên mạng, nhưng phương thức tinh vi hơn.
Theo chia sẻ của chị N., khi thấy Facebook chạy quảng cáo mẫu giày rất đẹp có giá 600.000 đồng, chị N. để lại số điện thoại và địa chỉ để giao hàng. Theo tư vấn của nhân viên bán hàng thì chị N. sẽ nhận được hàng từ 4-5 ngày kể từ khi đặt hàng.
Tuy nhiên, mới đến ngày thứ 3 thì đã có người đến giao hàng cho chị tận nhà. Sau khi thanh toán tiền, nhận hàng, đến khi mở gói hàng ra xem thì chị N. tá hỏa vì đôi giày chị đặt có màu vàng đồng, hở mũi, cao 5 phân, trong khi sản phẩm chị đang cầm trên tay là đôi dép nhựa màu đỏ tươi, còn được đôn thêm một mớ giấy lộn.
Quá bức xúc, chị N. điện lại người bán thì người bán khẳng định, hàng của shop giao cho chị N. đang trên đường vận chuyển, 2 ngày nữa mới tới tay chị N. Theo lời của người bán, như vậy là thông tin đặt hàng của chị N. thể hiện trên trang bán hàng đã bị đối tượng khác ăn cắp, sau đó nhanh chân giao hàng dỏm cho chị N. “Tôi quen mua hàng trên mạng, phần lớn là xem hàng xong mới thanh toán tiền. Nhưng lần này tôi chủ quan vì shop này tôi đã từng mua vài lần nên tin tưởng không mở ra kiểm tra”, chị N. bộc bạch.
Ngoài những chiêu lừa như trên, NTD khi mua hàng online cũng đã gặp không ít sự cố như: Hàng thật khi giao không đúng chất lượng, mẫu mã, chất liệu như hàng quảng cáo; mua phải hàng giả, hàng trôi nổi, hàng lậu...
Điển hình, ngày 18-3, Tổ công tác 368 về thương mại điện tử (TMĐT) của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đồng loạt kiểm tra tại 4 điểm kinh doanh mỹ phẩm thuộc hệ thống Ansan Cosmetics tại quận 10, quận 6, quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh.
Tại thời điểm kiểm tra, các điểm kinh doanh này bán rất nhiều loại mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Phần lớn, các loại sản phẩm này thông tin thể hiện trên bao bì có xuất xứ Pháp, Nhật Bản,... thuộc nhiều thương hiệu nổi tiếng nhưng không có hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ... Cơ quan chức năng xác định, các cửa hàng thuộc hệ thống Ansan Cosmetics có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời, hệ thống này cũng có hàng loạt vi phạm về TMĐT. Ngoài bán hàng Facebook, website TMĐT, các sản phẩm của hệ thống ansancosmetics.com cũng được bán hàng qua sàn giao dịch TMĐT Shopee. So với hàng chính hãng, các sản phẩm của hệ thống Ansan Cosmetics có giá bán rẻ hơn rất nhiều. Tổng số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm đã bị cơ quan chức năng thu giữ là 7.678 đơn vị sản phẩm, trị giá gần 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) thành viên Tổ 368, nhận định: Việc thiết lập và ngừng hoạt động các website, fanpage hiện nay còn đơn giản, nên các đối tượng xấu chỉ sử dụng trong thời gian ngắn để bán hàng giả, ẩn đi nhiều thông tin quan trọng.
Thậm chí, các thương hiệu lớn dù biết cũng không phản ánh với cơ quan chức năng, bởi họ không muốn công khai cách phân biệt hàng thật - hàng giả, vì sợ kẻ xấu lợi dụng để sản xuất hàng giả chính xác hơn. Vì vậy, lực lượng chức năng không có căn cứ để phát hiện và kiểm tra. Còn phía NTD, một bộ phận không tìm hiểu kỹ thông tin, hoặc biết là hàng giả nhưng vẫn tiêu thụ vì phù hợp túi tiền.
Vì vậy, để công tác đấu tranh với đối tượng xấu cần sự phối hợp của nhiều đơn vị chức năng, đồng thời cũng phải đảm bảo bí mật, bất ngờ. Đặc biệt, Tổ 368 sẽ là đầu mối tiếp nhận thông tin cũng như tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT vốn đang diễn ra rất phức tạp.
Thúy Hà (CANDO)