Văn hóa

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Điều đó minh chứng rằng, ngày nay, đối với cộng đồng dân tộc thiểu số trong tỉnh Gia Lai, truyền thống “cha truyền con nối” được các làng, xã phát huy, nhân rộng và ngày càng có thêm những tài năng “nhí”.

hinh-anh-em-husy-say-sua-dien-tau-ben-cay-dan-trung-tai-ngay-hoi-van-hoa-cac-dan-toc-tinh-gia-lai-de-lai-an-tuong-dep-trong-long-khan-gia.jpg
Em Husy say sưa diễn tấu bên cây đàn t’rưng. Ảnh: V.T.T

Dáng người khá nhỏ bé bên chiếc đàn t’rưng, Husy tay cầm 2 chiếc dùi gõ lên giàn ống nứa phát ra giai điệu trong trẻo mà vô cùng khỏe khoắn. Với gương mặt hiền khô nhưng sáng ngời, Husy nhịp nhàng, đung đưa theo từng giai điệu đưa người nghe cùng hòa mình vào những thanh âm của nhạc cụ truyền thống, gắn bó mật thiết với cộng đồng.

Tiết mục độc tấu t’rưng của Husy cùng sự hỗ trợ của người dì đã đạt giải C trong nội dung văn nghệ cổ động tại liên hoan khiến em rất vui và phấn khởi.

Chị Tan (45 tuổi, dì ruột của em Husy) kể: “Husy thể hiện năng khiếu chơi nhạc cụ truyền thống rất sớm. Từ nhỏ, Husy đã có thể ngân nga theo giai điệu khi được nghe người lớn đánh đàn, biểu diễn cồng chiêng… Năm 8 tuổi, Husy đã biết đánh đàn t’rưng cùng với khả năng cảm âm khá tốt. Khi huyện hay tỉnh có chương trình, sự kiện gì, cháu thường được lựa chọn cùng tôi tham gia trình diễn và để lại nhiều ấn tượng cho người xem”.

Nói về niềm đam mê của mình với âm nhạc truyền thống, Husy chia sẻ: Từ nhỏ, em đã được bà, mẹ hát cho nghe những bài dân ca, được xem dân làng biểu diễn cồng chiêng, nghe tiếng đàn t’rưng, klông pút. Tuy nhiên, em thích nhất là được nghe đàn t’rưng, đàn klông pút và muốn học. Hiện nay, em có thể chơi thành thục 2 loại nhạc cụ này. Việc luyện tập và biểu diễn đàn t’rưng vẫn được em duy trì khá đều mỗi khi có thời gian rỗi.

Husy chia sẻ thêm, em đã nhiều lần theo ông, theo cha tham dự các sự kiện, lễ hội của làng, xã và rất hứng thú khi được nhìn thấy, được chạm vào các loại nhạc cụ rất thân thuộc, gần gũi ấy. Khi những thanh âm từ tre nứa phát ra, em thấy rất vui rồi dần yêu thích giai điệu lúc sâu lắng, khi lại rộn ràng lúc nào không hay. Bản thân em cảm thấy rất vui và tự hào khi tiếng đàn của mình được ngân lên trong các lễ hội, sự kiện.

Từ năm 9 tuổi, Husy đã tham gia đội văn nghệ truyền thống của làng Bok Ayơl. Cha của Husy cũng là thành viên của đội khi có thể vừa chơi thuần thục, vừa chế tác được nhiều loại nhạc cụ với nguồn nguyên liệu sẵn có trong làng.

husy-doc-tau-trung-buon-lang-am-no-tai-lien-hoan-tuyen-truyen-luu-dong-tinh-gia-lai-da-mang-nhung-thanh-am-reo-rac-tu-tre-nua-vang-xa-khoi-buon-lang.jpg
Em Husy độc tấu t'rưng "Buôn làng ấm no" tại Liên hoan Tuyên truyền lưu động tỉnh Gia Lai, đã mang những thanh âm réo rắt từ tre nứa vang xa khỏi buôn làng. Ảnh: V.T.T

Ông Nguyễn Hữu Hồng-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Mang Yang-cho biết: “Husy sinh ra và lớn lên trong một gia đình 3 thế hệ có truyền thống nghệ thuật. Cả ông, cha, mẹ và dì đều là những người chơi thành thục nhiều loại nhạc cụ từ đàn t’rưng, klông pút, đàn goong, đánh cồng chiêng, xoang… Không những vậy, các thành viên trong gia đình Husy còn có thể chế tác các loại nhạc cụ để sử dụng và bán cho khách có nhu cầu mua về sưu tầm, trưng bày như một món quà lưu niệm ý nghĩa và đẹp mắt”.

Cũng theo ông Hồng, gia đình chính là nền tảng hun đúc tình yêu âm nhạc truyền thống trong em Husy và tình yêu đó được nuôi dưỡng, lớn lên theo năm tháng. Đến nay, Husy đã tự tin hơn nhiều khi tham gia các lễ hội hay sự kiện văn hóa, du lịch. Tiếng đàn của Husy mỗi khi tấu lên được mọi người hết lời khen ngợi, yêu thích.

“Tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ II-2023, Husy được đánh giá là hạt nhân nhỏ tuổi xuất sắc nhất khi trình diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống. Bên cây đàn t’rưng, những ngón tay thành thục gõ trên phím đàn phát ra âm thanh réo rắt, dìu dặt đặc trưng được Ban tổ chức cùng khán giả tán thưởng và đánh giá cao. Đó cũng là động lực để em ngày càng phát huy được sở trường và năng lực của bản thân”-ông Hồng thông tin thêm.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, Husy tâm sự: “Học để chơi được nhạc cụ không khó, nhưng để cho hay và có hồn, mang cả tình cảm, tâm tư vào tiếng đàn mới là điều khó. Vì vậy mà em chơi đàn với sự yêu thích và niềm say mê. Em sẽ theo cha tập làm quen và chế tác các loại nhạc cụ từ đơn giản trước để sau này có thể hướng dẫn lại cho các bạn, các em ở làng có cùng đam mê như em”.

Có thể bạn quan tâm