Bệnh nhân thiếu máu não và đột quỵ nhẹ có nguy cơ rất cao bị đột quỵ đặc biệt trong vài ngày đầu sau biến cố.
Đó là thông tin được GS Geoffrey Donnan, GS Thần kinh học tại Đại Học Melbourne, Chủ tịch của hội nghị Thần kinh Thế giới, Cựu chủ tịch của Hội đột quỵ thế giới đưa ra tại hội thảo vệ tinh chuyên đề “Dự phòng sớm và tích cực thứ phát đột quỵ: vai trò thuốc kháng kết tập tiểu cầu và kháng đông” do Sanofi phối hợp với Hội đột quỵ TP.HCM tổ chức. Đây là phiên hội thảo nằm trong khuôn khổ hội nghị đột quỵ TP.HCM 2019 diễn ra trong 2 ngày 12 và 13-10.
Theo GS Geoffrey Donnan, số liệu dịch tễ học toàn cầu của đột quỵ năm 2013, trên thế giới có khoảng 10.300.000 trường hợp đột quỵ mới, trong đó 67% do đột quỵ do thiếu máu não. Đột quỵ là nguyên nhân tử vong chính, cao hơn tử vong tim mạch tại Việt Nam. Bệnh nhân thiếu máu não và đột quỵ nhẹ có nguy cơ rất cao bị đột quỵ đặc biệt trong vài ngày đầu sau biến cố.
GS Geoffrey Donnan báo cáo tại hội thảo. Ảnh: HL
Thống kê có từ 15% đến 30% bệnh nhân đột quỵ có tiền sử thiếu máu não thoáng qua. Do vậy, theo GS Geoffrey A Donnan, khởi đầu điều trị sớm rất quan trọng để phòng ngừa đột quỵ tái phát. Chứng cứ cho thấy liệu pháp kháng tiểu cầu kép gồm Clopidogrel và ASA có thể có hiệu quả trong việc dự phòng thứ phát đột quỵ ở bệnh nhân thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ nhẹ.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch Hội Đột quỵ TP thông tin thêm tại hội thảo, hiện tại, điều kiện nhân lực vật lực điều trị đột quỵ ở Việt Nam chưa đồng bộ, nhận thức dấu hiệu đột quỵ sớm ở người dân còn thấp nên việc điều trị đột quỵ cấp còn hạn chế. Theo ghi nhận ở Trung tâm đột quỵ ở BV Nhân dân 115, số người dân đến điều trị trong giờ vàng chỉ khoảng 20% , trong khi đó ở các nước tiên tiến, tỉ lệ này là 60-70%. Do đó, phòng ngừa đột quỵ cấp rất quan trọng và bền vững, đặc biệt là những đối tượng cao huyết áp, tiểu đường, cao tuổi, hút thuốc lá.
“Hầu hết bệnh nhân trước khi bị đột quỵ đều không có thói quen uống thuốc và kiểm soát phòng ngừa bệnh tốt, khi xảy ra đột quỵ thì mới cuống cuồng lên, đây là nghịch lý. Nếu làm tốt được việc phòng ngừa, gánh nặng do bệnh đột quỵ cho gia đình, xã hội và ngành y tế sẽ giảm đáng kể”, TS Thắng nhìn nhận.
Hoàng Lan (PLO)