Pháp luật

Góc cảnh báo / Chống tin giả

Cảnh giác trước chiêu trò mạo danh Công an yêu cầu chỉnh sửa thông tin CCCD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian gần đây, lợi dụng việc cơ quan chức năng thông báo quy trình đổi, cấp mới thẻ căn cước công dân (CCCD), các đối tượng lừa đảo tự xưng cán bộ Công an gọi điện yêu cầu người dân cập nhật, chỉnh sửa thông tin CCCD để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những mánh khóe lừa đảo

Cách đây ít ngày, chị Trần Thúy, tạm trú tại một chung cư trên địa bàn phường Mai Động, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội nhận được cuộc gọi từ số 0828394690 tự xưng là Cảnh sát khu vực Công an phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng thông báo CCCD của chị bị lỗi trên hệ thống, cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu chị đến cơ quan Công an để khắc phục ngay trong ngày.

“Nhưng tôi thấy có dấu hiệu lừa đảo”, chị Trần Thúy cho biết và phân tích, chị tạm trú ở phường Mai Động thì việc liên quan đến CCCD của chị phải là Cảnh sát khu vực phường này, còn trường hợp phường Vĩnh Tuy gọi hỏi về căn cước công dân là vô lý. Khi chị cảnh giác, hỏi ngược lại đối tượng về lĩnh vực công tác Công an với những thông tin cơ bản như nhiệm vụ cụ thể hiện nay là gì, thuộc tổ nào thì đối tượng bộc lộ sơ hở và dập máy.

Cảnh giác trước chiêu trò mạo danh Công an yêu cầu chỉnh sửa thông tin CCCD ảnh 1

Cảnh giác trước chiêu trò mạo danh Công an yêu cầu chỉnh sửa thông tin CCCD

“Hồi đầu tháng 3 năm nay, tôi nhận được cuộc gọi với chiêu trò tương tự từ số 0842926676. Đối tượng còn đọc vanh vách thông tin cá nhân của tôi và thúc ép tôi phải đến Công an quận Hai Bà Trưng làm ngay. Khi tôi báo bận đi làm không thể về ngay được và yêu cầu đối tượng chụp lại giấy thông báo việc CCCD bị lỗi gửi công dân thì đối tượng từ chối rồi tỏ vẻ sẵn sàng hướng dẫn hỗ trợ online”, chị Trần Thúy kể.

Không bình tĩnh xử lý tình huống như chị Trần Thúy, mới đây, chị Hoàng Thị L., trú tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ tự xưng là cán bộ Công an huyện Quốc Oai thông báo tài khoản định danh mức độ 2 của chị bị trùng với 2 người khác và yêu cầu chị phải trực tiếp ra Công an huyện xử lý trong ngày hôm nay.

Khi chị L báo bận đi làm, không thể về ngay được thì đối tượng hướng dẫn chị đồng bộ "online" thông qua hình thức tải về và cài đặt phần phần mềm có logo VNeID có yêu cầu khuôn mặt, vân tay và số điện thoại. Do thấy giống phần mềm của Bộ Công an nên chị Hoàng Thị L đã tải về và đăng nhập theo hướng dẫn của đối tượng. Sau khi hoàn tất các bước thì điện thoại của chị L bị treo hoàn toàn, một thời gian ngắn sau đó mới vào được.

“Tôi bàng hoàng nhận ra mình có thể đã bị lừa thì toàn bộ số tiền hơn 20 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng đã bị rút mặc dù tôi không hề cung cấp mã OTP cho ai” chị L chia sẻ lại.

Cuối năm 2023, chị Nguyễn Thị T, trú tại thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ tự xưng là cán bộ Công an thị xã Sơn Tây, thông báo chị chưa hoàn thiện đồng bộ dữ liệu dân cư trên hệ thống. Đối tượng này hướng dẫn chị cập nhật lại thông tin mà không cần tới trụ sở cơ quan Công an bằng cách gửi link truy cập qua Zalo để chị T. truy cập. Khi chị làm theo hướng dẫn thì “tá hoả” nhận ra tài khoản ngân hàng của chị bỗng dưng bị trừ tới... 600 triệu đồng. Lúc này, nạn nhân biết mình đã "dính bẫy" lừa đảo công nghệ cao và tới cơ quan Công an trình báo.

Qua các vụ lừa đảo nói trên cũng như hàng loạt vụ lừa đảo người dân ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước qua điện thoại với thủ đoạn, phương thức tương tự cho thấy, đa số các đối tượng rất chuyên nghiệp, có những mánh khóe thao túng tâm lý khiến bị hại tưởng thật. Điều đặc biệt, các đối tượng luôn dọa dẫm, yêu cầu bị hại phải giữ bí mật với người thân, gia đình, ra chỗ ít người để nói chuyện. Mấu chốt của vấn đề là các bị hại đã để cho các đối tượng lừa đảo có thời gian và cơ hội để thao túng tâm lý, đe dọa, dồn bị hại vào bẫy.

Về phía người bị hại, nhiều trường hợp vào thời điểm đó quên hết những thông tin cảnh báo hằng ngày vẫn xem qua tivi, báo, đài. Chỉ đến khi tài khoản không còn đồng nào để chuyển cho các đối tượng, người bị hại mới sững sờ nhận ra mình đã “sập bẫy” kẻ lừa đảo.

Hết sức cảnh giác

Theo Thượng úy Đỗ Danh Vượng (Công an phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội), gần đây, nhiều người dân bị các đối tượng giả danh Cảnh sát khu vực hoặc Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoặc Công an các đơn vị gọi điện thoại yêu cầu cài đặt, hướng dẫn cập nhật, sử dụng ứng dụng VNeID nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại di động và chiếm đoạt tài sản trong ứng dụng ngân hàng điện tử.

Thủ đoạn của các đối tượng là thông báo CCCD của người dân bị lỗi trên hệ thống hoặc cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu người dân đến cơ quan Công an để khắc phục.

“Các đối tượng sẽ thúc ép với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ để yêu cầu người dân tải phần mềm dịch vụ công “giả mạo” theo đường dẫn của đối tượng cung cấp. Sau khi người dân cài đặt ứng dụng giả mạo, sẽ bị các đối tượng chiếm quyền truy cập điện thoại ở mức cao, bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP..., kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” - Thượng úy Đỗ Danh Vượng nhấn mạnh.

Để giúp người dân nâng cao cảnh giác, phòng tránh lừa đảo, Bộ Công an khuyến cáo: Thời gian gần đây, xuất hiện một số thủ đoạn các đối tượng lừa đảo giả danh cơ quan Công an gọi điện cho người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID (ứng dụng giả mạo), kích hoạt tài khoản định danh điện tử; sau khi người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo, đối tượng sẽ yêu cầu cấp quyền truy cập điện thoại, thực hiện lệnh chuyển tiền, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng lợi dụng sự không hiểu biết của một số người dân, gọi điện thoại sau đó gửi đường link qua tin nhắn hoặc các ứng dụng chat trực tuyến (như Zalo, Facebook…), hướng dẫn người dân truy cập đường link để cài đặt phần mềm VNeID giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật.

Sau khi người dân cài đặt ứng dụng giả mạo, ứng dụng giả được cấp quyền truy cập thiết bị ở mức cao (bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP…), các đối tượng kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân sau đó thực hiện lệnh chuyển tiền, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân: Chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS cho điện thoại iPhone) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài trên các trang web, kho ứng dụng không chính thống, từ các đường link lạ.

Không bật chế độ cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại, nguy cơ mất an toàn cho thiết bị. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân cho người khác qua điện thoại. Thường xuyên cập nhật thông tin về các thủ tục hành chính trên hệ thống Cổng thông tin điện tử hoặc Fanpage chính thức của Bộ Công an, Công an các địa phương. Trường hợp nghi vấn phải liên hệ Cảnh sát khu vực/Công an xã trên địa bàn hoặc Cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn.

Bộ Công an đã xây dựng bộ tài liệu Hướng dẫn cài đặt, đăng ký tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID. Cổng thông tin điện tử Bộ Công an chỉ có 2 tên miền truy cập trên mạng Internet là: bocongan.gov.vn và mps.gov.vn.

Tên miền truy cập Cổng thông tin điện tử của đơn vị trực thuộc Bộ trên mạng Internet có dạng: tendonvi.bocongan.gov.vn hoặc tendonvi.mps.gov.vn; trong đó, tendonvi là tên viết tắt hoặc tên đầy đủ của đơn vị bằng tiếng Việt không dấu hoặc tiếng Anh.

Tên miền truy cập Cổng thông tin điện tử của Công an cấp tỉnh trên mạng Internet có dạng: congan.tentinhthanh.gov.vn; trong đó, tentinhthanh là tên của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Có thể bạn quan tâm