Du lịch

Cảnh giác với những trò lừa đảo về dịch vụ du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày vừa qua, hình ảnh về một khách sạn có thế “trông ra biển, lưng tựa núi” đẹp như chốn tiên cảnh giữa Vịnh Hạ Long được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút nhiều lượt like, thậm chí cả những bình luận hỏi địa chỉ, giá phòng. Ngay sau đó, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã phải phát đi thông báo khẳng định không tồn tại khách sạn nêu trên, đồng thời khuyến cáo người dân không chia sẻ những thông tin sai lệch, cẩn trọng để tránh bị lừa đảo.
Ảnh minh họa: Khách du lịch cần thận trọng khi lựa chọn những tour giá rẻ. (Ảnh: LÊ MINH)

Ảnh minh họa: Khách du lịch cần thận trọng khi lựa chọn những tour giá rẻ. (Ảnh: LÊ MINH)

Trước đó, vào đầu tháng 5/2023, Công an Thừa Thiên Huế đã phải phối hợp Thanh tra Sở Du lịch tỉnh này truy tìm các đối tượng lừa đảo bán phòng khách sạn giá rẻ cho du khách...

Càng bước vào mùa cao điểm du lịch hè năm nay, các chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo càng nở rộ và tinh vi hơn. Lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, đặc biệt là tâm lý ham giá rẻ, không ít đối tượng đã tung ra những lời rao bán hấp dẫn trên mạng xã hội nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chiêu thức phổ biến nhất là đăng bài viết quảng cáo bán tour du lịch, combo du lịch, phòng khách sạn với giá “siêu hời” cùng nhiều tiện ích đi kèm. Khi đã câu được những người ham rẻ nhưng thiếu thông tin, chúng yêu cầu khách chuyển tiền đặt cọc trước (chuyển khoản bằng thẻ ngân hàng) rồi chiếm đoạt luôn số tiền này.

Để củng cố niềm tin của du khách, các đối tượng không ngại làm giả website hay fanpage của các công ty du lịch uy tín, thậm chí làm giả cả biên lai, hóa đơn thanh toán. Nhiều đối tượng còn sẵn sàng “mua comment” trên fanpage hoặc tạo ra những tương tác, bình luận ảo, trưng ra lịch sử giao dịch để thể hiện đã có nhiều người mua dịch vụ, có đánh giá tích cực để “bẫy” những du khách ham rẻ.

Tinh vi hơn, chúng thành lập cả đường dây phối hợp để trước khi chuyển khoản đặt cọc, nếu khách còn băn khoăn, gọi vào số điện thoại cố định (được các trang web cung cấp) để liên hệ, xác minh thông tin thì luôn có người nghe máy, xác nhận thông tin về công ty, nhân viên... y như thật. Có đối tượng sau khi nhận được tiền cọc còn gửi ngay code vé máy bay, mã đặt phòng... để khách yên tâm mọi việc đã xong xuôi, nhưng kỳ thực đó chỉ là mã giữ chỗ - sẽ tự hủy nếu không được thanh toán...

Trước “ma trận” lừa đảo, chỉ cần thiếu cẩn trọng một chút, du khách rất dễ bị sập “bẫy” du lịch giá rẻ. Thời gian qua, không ít người khi tới sân bay không đăng ký được vé, đến nơi lưu trú không có tên trong hệ thống đặt phòng, liên lạc với người bán thì thuê bao không liên lạc được mới té ngửa rằng mình bị lừa.

Gần đây, xuất hiện cả tình trạng các đối tượng nhận làm dịch vụ visa du lịch nước ngoài cam kết “đậu” 100%. Sau khi nhận được khoản thanh toán một phần chi phí, các đối tượng này chỉ hướng dẫn lấy lệ, để khách tự khai thông tin, tự hoàn thiện hồ sơ, sau đó lấy lý do khách khai bị thiếu nên trượt visa, không trả lại tiền. Cùng với đó là trường hợp đối tượng lừa đảo đánh cắp tài khoản mạng xã hội của người dùng, sử dụng công nghệ tạo ra những hình ảnh, cuộc gọi giả mạo - giống như thật - để “diễn” thông báo tình trạng đang bị mắc kẹt khi du lịch nước ngoài để vay tiền gấp những người trong danh sách bạn bè...

Trong bối cảnh toàn ngành du lịch đang nỗ lực phục hồi, tăng tốc phát triển sau đại dịch Covid-19, việc “bung nở” những hành vi lừa đảo kể trên không chỉ gây nhiễu loạn, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch, mà còn làm sứt mẻ niềm tin, gây ra những hoài nghi cho du khách - ngay cả khi họ tiếp nhận những chương trình kích cầu thực thụ.

Để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này, mới đây, Bộ Công an đưa ra khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch; nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, phòng, vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các ứng dụng du lịch nổi tiếng. Người dân hoàn toàn có quyền đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch.

Bên cạnh đó, người dân cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo. Tên miền của các website giả mạo thường có thêm hoặc thiếu một số ký tự, và hay sử dụng những đuôi lạ, như: “.cc”, “.xyz”, “.tk”… Đối với hoạt động mua bán trên mạng xã hội, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán.

Theo các chuyên gia, để làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch, bên cạnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi lừa đảo, thì điều quan trọng hơn là nâng cao ý thức cảnh giác, sự tỉnh táo của người dân khi chọn mua các dịch vụ du lịch. Hầu hết các hành vi lừa đảo du lịch diễn ra trên môi trường mạng, trong khi các tài khoản mạng xã hội rất dễ lập và xóa bỏ.

Vì vậy, để không bị lừa, khách hàng không nên giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin; tuyệt đối không chuyển tiền vào những tài khoản không phải tài khoản đích danh của công ty; cần đến hẳn trụ sở công ty để xác nhận thay vì chỉ qua mạng xã hội.

Đặc biệt, người dân cần cẩn trọng với những dịch vụ du lịch được chào bán với giá rẻ bất thường, bởi mức giá giảm sâu ở thời điểm này là điều khó khả thi khi chi phí vé máy bay, nhiên liệu, vận hành đều tăng cao. Du khách cũng nên chụp lại màn hình hình ảnh người bán tour qua video call, lưu lại ảnh thẻ căn cước công dân người bán, ảnh các giao dịch đã thực hiện... để làm bằng chứng tố cáo nếu không may trở thành nạn nhân bị lừa đảo.

Có thể bạn quan tâm