(GLO)- Ngoài việc giúp cập nhật kiến thức, tin tức, kết nối bạn bè, gia đình, cộng đồng thì mạng xã hội còn rất nhiều tiện ích khác như hỗ trợ cài đặt phần mềm thông minh, giải quyết thủ tục hành chính, thương mại điện tử... Nhưng mặt trái của nó cũng gây rất nhiều phiền toái mà những kẻ giấu mặt thường lợi dụng để lừa đảo hoặc tuyên truyền chống phá Nhà nước.
Cảnh giác với thông tin trên mạng xã hội (ảnh nguồn internet) |
Thời gian gần đây có rất nhiều người dân tại Gia Lai bị lừa đảo trên mạng. Bằng những thủ đoạn không mới như: giả danh nhà mạng báo tin trúng thưởng, gửi qua tin nhắn qua Zalo, Facebook... các đối tượng hướng dẫn “con mồi” muốn nhận thưởng thì phải nộp tiền để làm hồ sơ, nộp thuế. Có đối tượng giả danh điều tra viên, kiểm sát viên thông báo gia đình có liên quan đến vụ án hình sự và yêu cầu nộp tiền vào tài khoản để phục vụ điều tra, nếu muốn được an toàn.
Để săn các “con mồi”, kẻ lừa đảo thường sử dụng chứng minh nhân dân giả để làm thẻ ATM hoặc mua lại thẻ của sinh viên, học sinh, sử dụng sim điện thoại rác, tài khoản Facebook ảo để liên lạc. Số tiền lừa đảo sau khi được chuyển vào tài khoản sẽ bị rút sạch tức khắc, nếu trình báo Công an thì cũng rất khó khăn trong quá trình điều tra, giống kiểu “tìm kim đáy biển”.
Một trong những loại thông tin nhằm tuyên truyền chống phá trên mạng xã hội là cắt xén nội dung dự thảo về một chính sách, cắt ghép hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước để bôi xấu hoặc suy diễn theo hướng tiêu cực.
Để không bị lừa mất tài sản và nghe theo những lời tuyên truyền chống phá Nhà nước, thiết nghĩ mọi người nên cảnh giác, không nên tin những thông báo trúng thưởng gửi qua Zalo, Facebook hoặc mua bán hàng online; chỉ khi có thông tin chính xác mới chuyển tiền.
Không nên đưa nhiều hình ảnh và thông tin cá nhân, nhất là tài khoản, tên tuổi, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ cư trú của mình lên mạng xã hội. Khi sử dụng tài khoản ngân hàng, nhất là các ngân hàng có giao dịch chuyển tiền quốc tế thì cần cẩn thận bảo mật dữ liệu tài khoản.
Các thông tin về chính sách, pháp luật nên tìm hiểu ở các trang mạng chính thống, không nên suy diễn và tin theo những kẻ xuyên tạc, cắt ghép.
Quốc hội đã ban hành Luật An toàn thông tin mạng và Luật Tiếp cận thông tin. Thiết nghĩ, những kẻ cố tình lợi dụng hoặc lạm dụng mạng xã hội để có hành vi lừa đảo hoặc tuyên truyền chống phá sẽ bị trừng trị. Tuy nhiên, trước khi chờ pháp luật xử lý thì mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức để biết nguồn thông tin nào chính xác, nguồn thông tin nào sai trái nhằm tự bảo vệ mình.
Luật gia Nguyễn Quang Quý