Pháp luật

Cảnh giác với “tín dụng đen”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- "Tín dụng đen” như bóng ma bủa vây đời sống người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động này tạo nên những bất an trong cộng đồng, kìm hãm sự phát triển, đẩy những gia đình vốn đã khó khăn càng lâm vào cảnh túng quẫn, đường cùng.

Đáng nói, “tín dụng đen” núp bóng dưới nhiều hình thức khiến người dân không nhận ra mình đã “sập bẫy”. Đôi khi chỉ là việc mua nợ hàng hóa, vật tư nông nghiệp cho đến việc vay tiền không thế chấp, lãi suất 3-5%/tháng, thậm chí 10%, 20% và 30%/tháng nhưng một khi đã vướng vào thì không cách nào thoát ra được. Khi con nợ không có khả năng trả nợ gốc, các đối tượng cho vay nóng ép viết giấy nợ, tính lãi rất cao, sau đó ép phải chuyển nhượng nhà cửa, tài sản để trừ nợ hoặc khủng bố tinh thần, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản để buộc phải trả nợ, nhất là liên quan các nhóm đối tượng hình sự cho vay lãi nặng theo hình thức “tín dụng đen”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai vừa tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về ngăn chặn tình trạng vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, thông tin rộng rãi về các chính sách tín dụng; đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội giúp nâng cao đời sống, góp phần hạn chế việc vay tiền lãi suất cao.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 33 chi nhánh ngân hàng với 149 điểm giao dịch. Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã triển khai hoạt động hiệu quả 220/220 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn; phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ nghèo, đối tượng chính sách mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách đủ điều kiện, có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Triển khai 15 chương trình tín dụng giúp người dân đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát, lập danh sách, phân loại các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, cầm đồ có biểu hiện hoạt động cho vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao và các nhóm đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng theo hình thức “tín dụng đen” để có biện pháp đấu tranh phù hợp. Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổ chức gần 2.500 buổi tuyên truyền nâng cao cảnh giác của người dân đối với hoạt động cho vay, bán nợ hàng hóa lãi suất cao, tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật đến cơ quan chức năng với khoảng 212.000 lượt người tham dự; phối hợp xây dựng, đăng tải, phát 150 bản tin tuyên truyền; phát 29.600 tờ rơi tuyên truyền, tranh thủ 424 chức sắc, người có uy tín, già làng, trưởng thôn phối hợp tuyên truyền trong giáo dân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội đã xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ nhằm tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhất là người dân tộc thiểu số nhận thức rõ các hệ lụy và không tham gia “tín dụng đen”.

Dù vậy, hình thức này vẫn len lỏi, bám sâu trong đời sống của người dân bởi có cầu ắt có cung. Theo thống kê của Công an tỉnh, năm 2018, tại Gia Lai có đến 859 đầu mối cho vay tiền lãi suất cao với trên 9.000 người vay, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Còn theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, tội phạm cho vay lãi nặng theo hình thức “tín dụng đen” có xu hướng gia tăng, diễn biến ngầm trong đời sống. Đặc biệt, nhiều đối tượng có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Bắc vào địa bàn hoạt động.

Cụ thể, cơ quan chức năng đã phát hiện 11 vụ/13 đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, có trường hợp lãi suất lên đến 445,7%/năm. 7/13 đối tượng có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa vào địa bàn hoạt động.

Cùng với nỗ lực triệt phá, trấn áp tội phạm, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan, đoàn thể thì người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, thận trọng trước những phương thức, thủ đoạn cho vay của các đối tượng, tránh biến mình thành nạn nhân của nạn cho vay lãi nặng. Khi có nhu cầu vay vốn, người dân cần tìm đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng để tìm hiểu và được hướng dẫn phù hợp với mục đích và khả năng tài chính. Đồng thời, người dân cũng nên mạnh dạn tố giác các hành vi cho vay lãi nặng nhằm bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Có thể bạn quan tâm