Pháp luật

Góc cảnh báo / Chống tin giả

Cảnh giác với tội phạm lừa đảo qua không gian mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua không gian mạng có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Ngày 14-4-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can gồm: Vũ Đức Hậu (SN 1991, trú tại tỉnh Phú Thọ), Phạm Văn Hà (SN 1975), Đồng Xuân Phong (SN 1988) và Nguyễn Thị Hậu (SN 1981, cùng trú tại Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến sàn tiền ảo “RVG-Ngân hàng số Vương quốc Anh”.

Theo nội dung vụ việc, nắm được nhu cầu chơi tiền ảo của nhiều người, các đối tượng đã lập website RVGToken.io và ứng dụng RVGToken đưa lên không gian mạng để người tham gia tin tưởng đây là dự án có thật tại Vương quốc Anh. Để tạo vỏ bọc, nhóm này tỏ ra là những người giàu có, đi ô tô hạng sang, sở hữu nhiều bất động sản… và thường xuyên lên các trang mạng xã hội hướng dẫn, kêu gọi đầu tư vào sàn tiền ảo “RVG-Ngân hàng số Vương quốc Anh”. Với những người chơi mới tham gia đầu tư, nhóm đối tượng này chi trả lãi suất cao và đúng hạn để tạo lòng tin. Tuy nhiên, khi người chơi đầu tư số tiền lớn, các đối tượng cho đánh sập máy chủ để chiếm đoạt tiền. Bằng thủ đoạn trên, nhóm đối tượng đã lừa đảo ở nhiều địa phương trên cả nước. Riêng tại Gia Lai, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã làm rõ 8 trường hợp bị lừa đảo với số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 21-3, Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 tiến hành kiểm tra và bắt quả tang Đỗ Quốc Bảo (SN 1995, trú tại tỉnh Quảng Nam) đang đậu xe tại đường Nguyễn Tất Thành (TP. Pleiku) để vận hành thiết bị giả mạo trạm BTS để phát tán tin nhắn rác nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại cơ quan điều tra, Bảo khai nhận: Từ ngày 14-3-2023, đối tượng trực tiếp sử dụng thiết bị giả mạo trạm BTS để phát tán tin nhắn rác có nội dung khiêu dâm kèm đường link các trang web để dẫn dụ người dùng tại địa bàn TP. Pleiku truy cập. Khi ai đó tải các ứng dụng có nội dung đồi trụy thì chúng xâm nhập chiếm dụng mật khẩu để chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Đỗ Quốc Bảo và các thiết bị phát tán tin nhắn rác bị Công an tỉnh tạm giữ. Ảnh: Lê Anh

Ngoài các thủ đoạn lừa đảo trên, Công an tỉnh cảnh báo phương thức lừa đảo mới là lợi dụng công nghệ “Deepfake” để thực hiện các cuộc gọi video với hình ảnh, khuôn mặt giả mạo để lừa đảo nạn nhân. Thủ đoạn của các đối tượng là lên các trang Facebook, Zalo cá nhân để sao chép chân dung nhằm tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè hoặc người của cơ quan chức năng để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến như: vay mượn tiền, yêu cầu nộp phạt, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân sau đó thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài khoản ngân hàng…

Bên cạnh đó, đối tượng thường xuyên sử dụng các thủ đoạn như: làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín để đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng internet và mạng xã hội. Sau đó, các đối tượng đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc 30-50% giá trị tour để chiếm đoạt. Thủ đoạn giả danh người của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân gọi điện qua giao thức VoIP để hăm dọa bị hại có liên quan vụ án điều tra và yêu cầu chuyển tiền; đăng tuyển cộng tác viên bán hàng trên mạng xã hội, yêu cầu chuyển tiền tạm ứng, mua hàng; giả danh thầy cô gọi điện cho phụ huynh thông báo con bị tai nạn phải cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền; giả mạo trang thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp đánh cắp dữ liệu thông tin của khách hàng để lừa đảo; chiếm quyền điều khiển mạng xã hội sau đó lừa đảo vay mượn tiền của bạn bè, người thân…

Từ đầu năm đến nay, Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã nhận được 109 tin báo của các nạn nhân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền thiệt hại hơn 37 tỷ đồng.

Trao đổi với P.V, Thượng tá Đào Trung Hiếu-chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an-cho biết: Hiện nay, ở Việt Nam có hơn 72 triệu tài khoản mạng xã hội cùng hơn 100 triệu thuê bao điện thoại di động. Số lượng người dùng lớn khiến môi trường mạng internet, mạng viễn thông trở thành mảnh đất màu mỡ cho các loại tội phạm lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

“Trên thực tế, tội phạm có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ ai, không có ngoại lệ. Qua thực tiễn công tác điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, chúng tôi thấy nạn nhân thường có lỗi như: chủ quan, thiếu hiểu biết, thiếu ý thức cảnh giác. Mặc dù cơ quan chức năng hay chuyên gia thường xuyên cảnh báo nhưng nhiều người vẫn thờ ơ để tội phạm có cơ hội hoạt động. Một nguyên nhân khác là nhiều người không có các kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn. Cụ thể, họ rất dễ dãi chấp nhận kết bạn trên mạng xã hội, không có tư duy phản biện và dễ dàng làm theo những yêu cầu của người lạ trên mạng xã hội”-Thượng tá Hiếu nhận định.

Cũng theo Thượng tá Hiếu, nhiều người do hám lợi và thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng xấu dẫn dụ và sập bẫy. Họ chỉ nhìn thấy cơ hội mà không thấy được rủi ro, nguy cơ, cạm bẫy phía sau những lời đường mật nên việc bị lừa là dễ hiểu. Chính vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật tình hình tội phạm và các vấn đề thời sự; nghiên cứu các cảnh báo từ cơ quan chức năng được gửi đến công chúng thông qua báo chí, truyền thông. Đồng thời, mỗi người cần nâng cao hiểu biết về tính hai mặt, những lợi ích cũng như rủi ro đến từ mạng xã hội để trở thành người sử dụng mạng xã hội an toàn.

Có thể bạn quan tâm