Ảnh đẹp

Cảnh siêu thực quanh cánh đồng muối lớn nhất thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo các nhà khoa học, những yếu tố địa chất hình thành cánh đồng muối lớn nhất thế giới ảnh hưởng đến phần lớn vùng đất phía tây ở Bolivia, tạo nên điểm đến đầy màu sắc.
 

 



Trải dài khoảng 10.500 km2 trên độ cao 3.656 m ở cao nguyên Andean (Bolivia), Salar de Uyuni là cánh đồng muối lớn nhất thế giới. Nơi đây là điểm du lịch nổi tiếng nhất của Bolivia. Mỗi năm, điểm đến thu hút hàng trăm nghìn du khách khám phá cảnh quan đơn sắc có một không hai. Ảnh: Shutterstock.

 

 




Thời điểm đẹp nhất để tham quan Salar de Uyuni là ngay sau mùa mưa (từ tháng 12 đến tháng 3). Trong thời gian này, mặt hồ có một lớp nước mỏng, tạo thành tấm gương lớn, phản chiếu vạn vật và mây trời. Ảnh: Juan Martinez.


 

 




Dạo bước trên cánh đồng muối lớn nhất thế giới, thỉnh thoảng du khách bắt gặp những ngọn núi lửa nằm rải rác, tạo thành các chấm đen nổi bật giữa khung cảnh trắng xóa. Nổi tiếng nhất trong số đó là ngọn núi được mệnh danh "ngôi nhà của người Inca". Nếu để ý, du khách có thể thấy dấu tích của san hô và vỏ sò xung quanh. Cách đây khoảng 20.000-40.000 năm, toàn bộ khu vực này là một hồ nước mặn khổng lồ. Ảnh: Juan Martinez.

 

 



Incahousi là vùng đất nằm giữa Salar de Uyuni nổi bật với hệ sinh thái xương rồng khổng lồ. Những cây trưởng thành có thể cao hơn 10 m và tuổi thọ khoảng 300 năm. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của loài thực vật này tương đối chậm. Mỗi năm, xương rồng khổng lồ chỉ có thể cao thêm 1-2 cm. Ảnh: Juan Martinez.

 

 





Theo các chuyên gia tại cơ quan Bảo vệ Khu vực Quốc gia của Bolivia (SERNAP), các yếu tố địa chất cần thiết để tạo nên Salar de Uyuni ảnh hưởng đến phần lớn vùng đất phía tây nam của quốc gia này. Cách cánh đồng muối chưa đầy 300 km về phía nam, khu bảo tồn động vật quốc gia Eduardo Avaroa sở hữu những vùng địa nhiệt đầy màu sắc như lưu vực Sol de Manana (hay còn gọi là Mặt trời Buổi sáng). Ảnh: Juan Martinez.


 

 




Sở dĩ nơi đây có tên gọi như vậy bởi các hoạt động địa nhiệt trong khu vực diễn ra rõ nét nhất lúc bình minh. Những vụ phun trào có thể đạt độ cao 100 m. Ảnh: Juan Martinez.


 

 




Cũng nằm trong khu bảo tồn và cách Sol de Manana khoảng 45 km, Laguna Colorada (hay còn gọi là đầm Đỏ) là hồ nước mặn nổi tiếng với sắc đỏ rực rỡ. Màu của hồ xuất phát từ tảo dunaliella salina và các trầm tích của sinh vật phù du. Ảnh: Juan Martinez.


 

 




Laguna Colorada còn là môi trường hoàn hảo cho loài hồng hạc làm tổ. Ngoài bãi bùn lầy ngăn kẻ săn mồi, vùng nước cung cấp lượng lớn thức ăn cho loài sinh vật này. Trong số 6 loài hồng hạc trên thế giới, các nhà khoa học phát hiện 3 loài ở đầm Đỏ, gồm một loài được cho là đã tuyệt chủng. Ảnh: Juan Martinez.


 

 




Sự cân bằng hoàn hảo giữa các yếu tố tự nhiên và màu sắc khiến Laguna Colorado đẹp tựa tranh vẽ. Lớp borax trắng nổi bật giữa màu vàng xanh của rêu và đỏ rực của hồ nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quan ngại môi trường tại đây có thể thay đổi sau khi nhà máy địa nhiệt cách Laguna Colorada khoảng 40 km được xây dựng. Ảnh: Juan Martinez.

 

 




Laguna Colorada không phải hồ nước có sắc màu đặc biệt duy nhất trong khu vực. Tại góc phía tây nam của khu bảo tồn, Laguna Verde (hay còn gọi là đầm Xanh) và Laguna Blanca (đầm Bạc) cách nhau chỉ vài bước chân. Trong khi màu của Laguna Verde bắt nguồn từ hàm lượng asen và đồng trong nước, Laguna Blanca có màu trắng đục do borax. Ảnh: Juan Martinez.

 

 



Mauro Berna, hướng dẫn viên du lịch, thông tin màu sắc của hồ nước còn phụ thuộc vào các yếu tố như nhiệt độ, gió và thời gian trong ngày. Khi dạo bước quanh các hồ vào một buổi sáng băng giá, lớp sương mỏng và bụi borax lượn lờ gần mặt nước khiến nơi đây tựa một hành tinh xa lạ. Ảnh: Juan Martinez.

    Kim Ngân (zing)
Theo BBC

Có thể bạn quan tâm