Sống trẻ - Sống đẹp

"Canh sóng" trên đỉnh Hàm Rồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để thông tin thời sự hay những chương trình mang hơi thở cuộc sống của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh đến với khán-thính giả, ngoài công sức của những phóng viên, biên tập viên còn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ kỹ thuật làm nhiệm vụ trên đỉnh núi Hàm Rồng (xã Chư Hdrông, TP. Pleiku).
Trạm phát sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh nằm trên đỉnh núi Hàm Rồng-nơi được xem là “nóc nhà” của Phố núi Pleiku. Để lên được đỉnh núi, chiếc xe máy của tôi phải ì ạch chạy qua con dốc ngoằn ngoèo giữa bạt ngàn thông. Hai bên đường, những khóm hoa dã quỳ trái mùa khoe sắc vàng rực giữa màu xanh của núi rừng. Lên đến Trạm, cơn gió cao nguyên lồng lộng, bản hòa ca của những chú chim cùng cảnh sắc trải rộng trước mắt làm mê đắm lòng người. Dẫn chúng tôi tham quan Trạm là anh Nguyễn Văn Thành-Phó Trưởng phòng kỹ thuật phụ trách Trạm phát sóng Hàm Rồng, người gắn bó 12 năm ở đây-cho biết: “Thời gian gần đây, khu vực núi Hàm Rồng là địa điểm check in thu hút giới trẻ. Tuy nhiên, du khách chỉ được chụp ở lưng chừng núi, trạm phát sóng là khu vực cấm, không được đến gần nếu chưa được sự cho phép”.
 Từ trái sang: Ông Nguyễn Hồng Tòng và anh Nguyễn Văn Thành đang kiểm tra tín hiệu đường truyền. Ảnh: T.B
Từ trái sang: Ông Nguyễn Hồng Tòng và anh Nguyễn Văn Thành đang kiểm tra tín hiệu đường truyền. Ảnh: T.B
Anh Thành chia sẻ thêm: Trước năm 2005, Trạm phát sóng nằm cạnh Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh. Tuy nhiên, do phạm vi phát sóng ở tầm thấp với bán kính chỉ 40-50 km nên những địa bàn xa khó tiếp được sóng. Năm 2006, Trạm được dời lên trên đỉnh Hàm Rồng, cách trung tâm thành phố gần 15 km. Nhờ vị trí cao mà sóng khá mạnh, phát được xa hơn, phủ sóng trên địa bàn rộng với bán kính 80-100 km. Hiện tại, mỗi ngày, Trạm phát và tiếp sóng các chương trình của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh trên 2 hệ thống analog và truyền hình số mặt đất; các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam; chương trình phát thanh FM trên 2 tần số 93,7 MHz và 102 MHz. Do Trạm phát sóng gánh trọng trách đưa thông tin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người xem, người nghe đài, nên ngoài nhân viên kỹ thuật còn có các chiến sĩ Công an Phòng Cảnh sát Cơ động và Bảo vệ mục tiêu (Công an tỉnh) đóng chốt. 
Tổ kỹ thuật Trạm phát sóng Hàm Rồng hiện có 8 người, được chia làm 4 ca, mỗi ca trực 1 ngày. Người lớn tuổi nhất là ông Nguyễn Hồng Tòng (SN 1960), gắn bó với Trạm phát sóng đã 38 năm. Ông Tòng chia sẻ: 15 năm trở về trước, cơ sở vật chất chưa hiện đại, máy móc dễ bị hư hỏng nên người trực rất vất vả. Nhưng nay hệ thống phát sóng được cải tiến nên thuận lợi hơn, máy móc ít hỏng hóc. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải trực 24/24 giờ để theo dõi thường xuyên tín hiệu sóng phát ra, kiểm tra từng máy móc, thiết bị, phát hiện sự cố để kịp thời xử lý, tránh dừng sóng... để đưa hình ảnh, âm thanh chất lượng nhất đến với khán-thính giả”-ông Tòng cho biết. 
Hiện các nhân viên kỹ thuật tại đây vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Trạm phát sóng Hàm Rồng nằm trên đỉnh núi cao 1.028 m so với mực nước biển, nhiệt độ ban ngày và ban đêm thường chênh lệch 10-15 độ C khiến những người có cơ địa yếu thường bị cảm lạnh hay trúng gió. Mùa mưa đường lên núi trơn trượt khó đi; sương mù nhiều khiến hệ thống máy móc dễ bị ẩm, hỏng hóc. Vì thế, vào mùa này, phòng trực luôn được đóng kín. “Nỗi sợ lớn nhất của những người ở Trạm chính là sét. Hồi mới lên đây, đứng trong nhà thấy sét đánh là sợ muốn đứng tim. Gió ở đây cũng thổi mạnh, có khi tạo ra những âm thanh rùng rợn. Nhưng ở lâu thì quen, tất cả những thành viên của Trạm đều quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”-anh Thành chia sẻ.
Trao đổi với P.V, ông Hà Văn Hóa, Phó Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, cho biết: “Trạm phát sóng Hàm Rồng có vai trò vô cùng quan trọng đối với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh. Tất cả các chương trình truyền hình, phát thanh muốn đến được với người xem đều phụ thuộc vào trạm này. Dù ở khá xa trung tâm, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng anh em kỹ thuật đều cố gắng vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Chúng tôi rời Trạm khi ánh nắng cuối ngày đã tắt. Trên đường về trung tâm TP. Pleiku, ngoái nhìn lại đỉnh Hàm Rồng vẫn thấy ngọn đèn trên đỉnh tháp phát sóng nhấp nháy giữa trời. Nơi ấy, những nhân viên kỹ thuật vẫn thầm lặng làm việc phía sau màn hình, tự hào vì đã góp phần đưa những thông tin cần thiết đến với khán-thính giả gần xa. 
 THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm