Đô thị

Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đầy ổ gà sau mưa: Làm dối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo chuyên gia, do thi công làm dối kết hợp với mưa nhiều nên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi tiếp tục xuất hiện hàng loạt ổ gà.
Sau những trận mưa lớn kéo dài ở miền Trung, tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư lên đến hơn 34.500 tỷ đồng tiếp tục xuất hiện nhiều ổ gà.
Bàn về nguyên nhân khiến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi tái xuất hiện tình trạng ổ gà, một lãnh đạo của Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho hay, muốn đánh giá, nhận xét về chất lượng tuyến đường phải đi kiểm tra, nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, thời gian qua, khi phát hiện điểm nào hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi đều trực tiếp liên lạc với VEC đề nghị họ kiểm tra, sửa chữa, đảm bảo đi lại cho người dân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thông tin, trước tình trạng của tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Cục Quản lý đường bộ III (thuộc Tổng Cục Đường bộ) đã chỉ đạo VEC sửa chữa các vị trí hư hỏng, đồng thời Tổng cục Đường bộ cũng đã thành lập tổ đi kiểm tra những vị trí này.
Trong thông cáo báo chí ngày 12/12, VEC cho biết, đơn vị này đã vá tạm thời những vị trí ổ gà, sau khi thời tiết thuận lợi sẽ bóc dỡ lớp bê tông nhựa cũ để thảm lớp mới.
 
Mặt đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi sau những trận mưa lớn vừa qua. Ảnh: CAND
Trả lời trên báo Người lao động về nguyên nhân tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi tiếp tục hư hỏng, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC, lý giải: "Thứ nhất là do chất lượng bám dính nhựa cục bộ ở một số vị trí không tốt, dẫn đến bong bật nhỏ ở mặt đường, sau đó do xe chạy qua. Hư hỏng lại diễn ra trong mùa mưa nên bề mặt đường những vị trí bị hư cứ thế phá rộng dần ra và thành "ổ gà"".
Bên cạnh đó, chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC cho biết việc xuất hiện các ổ gà trên tuyến cao tốc này một phần là do yếu tố công nghệ. Đó là do lớp nhựa tạo nhám sử dụng VTO - vật liệu lần đầu tiên được sử dụng trên đường cao tốc ở khu vực miền Trung. Ở các tuyến cao tốc khác như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Long Thành - Dầu Giây, VEC cũng sử dụng vật liệu VTO.
"Trong quá trình khai thác, các tuyến đường này cũng xuất hiện một số vị trí mặt đường bị bong tróc vì bản chất của bê-tông nhựa là như vậy, luôn có những khuyết tật", ông Tuấn Anh giải thích.
Tuy nhiên, về bản chất, theo ông Tuấn Anh, nguồn gốc đá cung cấp ở khu vực miền Trung có độ thấm nhựa chưa đạt yêu cầu. "Do đó, trong tiêu chuẩn thi công phải đưa thêm phụ gia để tăng độ dính lên", Chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC đề xuất.
Trước giải thích của lãnh đạo VEC, KTS Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng cho biết, không chỉ có Đà Nẵng, Quảng Ngãi làm đường cao tốc mà cả nước Việt Nam và các nước trên thế giới đều làm.
"Lớp bê tông nhựa có tuổi thọ từ 10-12 năm, chỉ có thi công làm dối và tỷ lệ phối hợp giữa các thành phần không đúng nên đường hỏng là tất nhiên. Bởi làm dối lại thêm mưa nhiều nên đường càng mau hỏng.
Miền Trung là khu vực mưa nhiều, đáng lẽ phải sử dụng biện pháp kỹ thuật để làm đường cho phù hợp với tình hình khí hậu của miền Trung. Vì thế, theo tôi, đây rõ ràng là lỗi kỹ thuật", Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng nói.
Cũng theo KTS Trần Dân, việc trám lại các vị trí ổ gà chỉ là biện pháp khắc phục tạm thời để người dân "đi tạm", còn về lâu dài phải bóc hết lớp bê tông cũ lên để làm lại.
Tuy nhiên, trước khi làm như vậy phải tổ chức đánh giá, hội thảo để lắng nghe ý kiến các chuyên gia kỹ thuật cầu đường và tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài, đặc biệt là những nước có mưa nhiều. Có như vậy mới tìm ra biện pháp giải quyết đúng đắn, ông nhấn mạnh.
Minh Thái (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm