(GLO) Bộ Giao thông-Vận tải đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo các nghị quyết của Chính phủ triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng trình Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 208/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về việc rà soát, hoàn thiện dự thảo các nghị quyết của Chính phủ triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.
Lãnh đạo tỉnh Đak Lak khảo sát, kiểm tra các địa bàn dự kiến tuyến cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đi qua. Ảnh nguồn TNO |
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông-Vận tải và các cơ quan liên quan tập trung tối đa để đẩy nhanh tiến độ, trước mắt là trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc chương trình; ban hành các nghị quyết của Chính phủ triển khai các nghị quyết của Quốc hội...
Đồng thời, Bộ Giao thông-Vận tải khẩn trương hoàn thiện dự thảo các nghị quyết của Chính phủ triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng trình Chính phủ.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 58/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Phạm vi đầu tư khoảng 117,5 km, gồm 32,7 km qua địa phận tỉnh Khánh Hòa và 84,8 km qua địa phận tỉnh Đak Lak. Dự án chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 21.935 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột dự kiến sẽ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải. Đồng thời, dự án sẽ tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
PHẠM NGỌC (tổng hợp)