Cặp anh em sinh đôi Nguyễn Viết Toàn và Nguyễn Viết Thắng (sinh năm 1995, quê Thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) cùng tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với kết quả xuất sắc khi người là thủ khoa, người á khoa.
Nguyễn Viết Thắng (trái) và Nguyễn Viết Toàn (phải). |
Ngày hôm nay, 29/8, khai giảng năm học mới của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Toàn và Thắng được nhà trường trao cơ hội phát biểu để truyền nhiệt cho các tân sinh viên khóa mới.
Sinh năm 1995, cách đây 5 năm, cặp anh em sinh đôi này từng cùng đỗ vào Trường ĐH Bách khoa với số điểm khá cao. Toàn trúng tuyển đại học với tổng điểm là 24,5, còn Thắng đạt 27 điểm, nhưng vào 2 ngành khác nhau.
Nguyễn Viết Toàn theo học ngành Công nghệ thông tin, chuyên ngành Công nghệ phần mềm, với điểm trung bình tổng kết sau 5 năm là 3.73/4 và trở thành Á khoa tốt nghiệp đầu ra của ngành Công nghệ thông tin K58. Toàn chỉ kém thủ khoa của ngành này 0,08 điểm.
Toàn chia sẻ, em cảm thấy rất vui với kết quả này nhưng không quá bất ngờ bởi trong quá trình học trên lớp cũng lượng được sức học của mỗi người.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có những suất học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên xuất sắc thì cả 10 kỳ học cả Toàn và Thắng đều giành được học bổng toàn phần.
Niềm vui ngày tốt nghiệp như nhân lên gấp bội khi người em song sinh của Toàn là Nguyễn Viết Thắng trở thành Thủ khoa của chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa thuộc ngành Điện với điểm trung bình 3.76/4.
“Một cách trùng hợp cả 2 anh em người là Thủ khoa, người Á khoa thì em cảm thấy hạnh phúc. Em rất vui bởi những nỗ lực phấn đấu sau 5 năm đã cho ra kết quả xứng đáng”, Thắng chia sẻ.
Ngoại hình giống nhau khiến những năm tháng sinh viên của 2 anh em đầy ắp kỷ niệm thú vị. Ảnh: Thanh Hùng |
Toàn chia sẻ, vào được đại học, thậm chí nhiều bạn trúng tuyển với đầu vào rất cao nhưng coi như đã đạt được đích hoặc thái độ hời hợt, xả hơi nhưng với em, đó chưa phải là điểm mình có thể dừng lại và phải tiếp tục cố gắng.
Một điều mà Toàn cho rằng là lợi thế của mình là có “cặp đôi” nên có thể cùng học với nhau, trao đổi với nhau, đặc biệt có động lực từ sự ganh đua tích cực do đó việc học rất hiệu quả.
Việc phân chia thời gian biểu trong ngày, theo Toàn là rất quan trọng. “Môi trường đại học sẽ bị chi phối nhiều yếu tố, do đó cần có kế hoạch từng ngày sẽ học môn gì, mỗi tuần bỏ ra bao nhiêu thời gian cho môn đấy, càng cụ thể càng tốt. Tuy nhiên, hằng ngày 2 anh em cũng không thiếu lịch chạy bộ, chơi thể thao”.
Ở trọ cùng nhau, 2 anh em cũng phân chia nhau từng công việc thay đổi theo từng ngày từ đi chợ, giặt giũ, nấu ăn đến rửa bát,… chứ không cố định.
“Có thể buổi này em nấu, Thắng rửa bát nhưng buổi sau sẽ đổi ngược lại. Tức có sự thay phiên nhau. Mỗi người cần phải có trải nghiệm ở tất cả mọi việc để có sự chia sẻ với nhau”, Toàn kể.
Ngoài ra, theo Toàn khi làm việc thì sự phối hợp nhóm và kỹ năng giao tiếp là rất quan trọng. Do đó, mỗi người cần tìm cho mình một nhóm bạn để có thể hỗ trợ và bổ sung cho nhau về kiến thức.
Còn với Thắng, khi vào việc học rất tập trung nhưng em không học “như một cái máy” liên tục. “Với em giữa những khoảng thời gian học sẽ là những phút thư giãn như lướt Facebook, đọc truyện tranh hoặc nghe nhạc. Đặc biệt không nên học liền tù tì một môn trong một ngày bởi dễ gây nhàm chán”, Thắng chia sẻ.
Ngoài học lý thuyết, Thắng cho rằng tinh thần mày mò là cốt lõi thành công của một kỹ sư, nên em cũng thường xuyên tìm hiểu về những mạch điều khiển,.... “Tất nhiên những thứ cao siêu mình chưa có điều kiện để tiếp xúc thì có thể tìm những cái cơ bản ứng dụng ngay trong môn học của mình. Em từng thiết kế những mạch đếm số bước chân để phục vụ thiết bị đo sức khỏe,…”
Liên tục giành được học bổng của trường, 2 anh em Toàn và Thắng đỡ được cho bố mẹ khoản tiền học phí, ăn ở và sinh hoạt. Thậm chí, Thắng còn góp được tiền mua tủ lạnh và điện thoại cho bố mẹ. “Điều đáng nhớ là 2 anh em đã từng cùng góp tiền từ học bổng mình giành được đưa cả nhà đi một chuyến du lịch Nha Trang – Đà Nẵng”, Thắng nói.
“Hôm Thắng trở thành Thủ khoa được chọn phát biểu trước trường trong lễ tốt nghiệp, bố mẹ em đã bắt xe ra Hà Nội dự và cả 2 đều đã khóc. Em ngồi cùng cũng xúc động, nhưng em biết, đó là những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc”, Toàn kể khi nói về bố mẹ bán hàng phở nuôi anh em ăn học.
Cả 2 đều được doanh nghiệp tuyển dụng khi còn đang trên ghế nhà trường |
Với ngoại hình giống hệt nhau, quãng thời gian sinh viên học tập tại trường của 2 anh em cũng có vô vàn kỷ niệm đáng nhớ. “Cũng vào đúng ngày khai giảng của năm học thứ 2, em được nhận danh hiệu Sinh viên xuất sắc năm nhất nên phải nghỉ học nên đã phải nhờ Thắng đi học hộ, điểm danh buổi học ấy và may mắn không bị thầy giáo phát hiện”, Toàn hóm hỉnh.
Thắng chia sẻ, thực ra em nhận lời vì vốn nguyên nhân nghỉ học không phải là việc xấu mà có lý do chính đáng nhưng “không cần xin nghỉ cho phức tạp”.
“Tuy nhiên, hôm đó đến ngồi học, qua trò chuyện một lúc, các bạn của anh Toàn thấy “sai sai” bởi em chẳng biết một chuyện gì trên lớp của anh ấy cả”, Thắng kể.
Sự nhầm lẫn người này người kia là chuyện thường xuyên, tuy nhiên cả 2 chia sẻ rất may chưa bao giờ đưa 1 trong 2 vào tình huống khó xử.
“Nhầm lẫn đáng kể nhất chỉ là đi trên đường các bạn chào nhưng không phản ứng vì thực chất các bạn gọi tên người kia mà không biết. Có khi các bạn đi qua gặp em bảo là Toàn ơi nay đi học gì đấy, em cũng giả bộ trả lời là đi học Giải tích, Xác suất thống kê, các bạn bỗng tỏ ra ngơ ngác ngay”, Thắng cười.
Toàn cho hay, tuy vậy, với các bạn tiếp xúc thường xuyên hàng ngày thì sẽ nhận ra và phân biệt được ai là Toàn, ai là Thắng.
Với kết quả học tập xuất sắc, hiện cả Toàn và Thắng đều được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đến tận trường tuyển dụng từ trước khi tốt nghiệp chính thức với mức lương hấp dẫn. Toàn theo hướng Dữ liệu lớn (Big Data), Thắng thì làm ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Viettel. Hiện cả hai đều đã bắt đầu những ngày làm việc đầu tiên trong thời gian thử việc.
Cả hai cho hay, có việc làm và tiền lương tốt là một phần động lực nhưng chưa phải là vấn đề quan trọng hàng đầu với những người trẻ mới ra trường như các em. “Quan trọng là môi trường làm việc có thể giúp bản thân phát huy, phát triển được hết năng lực hay không. Đó là điều chúng em cần nhất ở công việc”, cả hai đồng thuận.
Thanh Hùng (Vietnamnet)