Kinh tế

Doanh nghiệp

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần quyết liệt, thực chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã có một thời kỳ, số lượng điều kiện kinh doanh ở Việt Nam “mọc như nấm sau mưa”. Cho tới khi rà soát tất cả các bộ, ngành, con số điều kiện kinh doanh mới lộ ra khiến cả nước giật mình. Mà đó mới là số lượng, chưa tính đến “chất lượng” của những điều kiện kinh doanh.
Chính “chất lượng… hành doanh nghiệp”, chính “độ khó” của rất nhiều điều kiện kinh doanh mới thực sự khiến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp phải… toát mồ hôi. Dĩ nhiên, số lượng khổng lồ các điều kiện kinh doanh không hẳn nhằm ngăn chặn kinh doanh mà mục đích của nó là khiến doanh nghiệp phải qua nhiều tầng, nhiều cửa, phải “biết điều” nếu muốn “được việc”.
Ước tính việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm gần 18 triệu ngày công và hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ước tính việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm gần 18 triệu ngày công và hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm (nguồn internet)
Dĩ nhiên, kinh doanh thì phải có điều kiện. Nhưng như thế không có nghĩa là bày ra “thiên la địa võng” cốt “làm khó” doanh nghiệp, bắt doanh nghiệp phải “biết điều”. Mà ngược lại, đặt điều kiện kinh doanh ở mức hợp lý chính là để bảo vệ cho doanh nghiệp kinh doanh đúng hướng, tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, nó còn khiến doanh nghiệp luôn cảm thấy được pháp luật bảo vệ nếu không làm gì sai trái.
Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không dễ thực hiện, mà theo một quan chức chính phủ thì nhiều khi chỉ là “gom 2 thành 1 hoặc cắt cái nọ mọc cái kia”. Nhưng không thể không cắt giảm và phải cắt giảm một cách thực chất chứ không hình thức, không nửa vời, không lấy số lượng để báo cáo thành tích.
Chỉ sau hơn 2 năm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và có những hình thức chế tài thích hợp nếu các bộ, ngành không tuân thủ việc này thì tới nay đã có hơn 3.300 trong tổng số 6.200 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa. Ước tính việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm gần 18 triệu ngày công và hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm. Đây là con số không hề nhỏ. Nó cho thấy, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đem lại lợi ích lớn như thế nào đối với nền kinh tế quốc gia, chứ không chỉ là lợi ích cho doanh nghiệp.
Nhưng khi lợi ích quốc gia tăng thì nó lại mâu thuẫn với “lợi ích nhóm” hay lợi ích cá nhân của một số “công bộc” trong guồng máy nhà nước. Nên câu chuyện cắt giảm điều kiện kinh doanh coi vậy mà lại là “chuyện dài nhiều tập”. Nó đòi hỏi Chính phủ không những cần quyết liệt mà phải kiên trì, đi sâu đi sát vào thực chất của công việc này, chứ không chỉ dựa vào báo cáo. Vì người ta cũng có nhiều “chiêu” khi nhập “2 vào 1” để giảm đầu việc nhưng thực chất vẫn giữ nguyên những điều kiện làm khó doanh nghiệp.
“Không khó thì nó không ló tiền ra”-một chuyên gia kinh tế đã nói vui như vậy. Vui nhưng mà đúng. Vì thế, cắt giảm điều kiện kinh doanh là việc dễ tính nhưng khó làm. Nếu Chính phủ không kiên trì, liên tục yêu cầu và kiểm tra việc cắt giảm thì chuyện “cắt đầu này mọc đầu khác” là điều không khó hiểu.
Đầu năm, nói chuyện “cắt giảm” thì e không vui, nhất là cắt lương hay giảm thưởng. Nhưng với cắt giảm điều kiện kinh doanh thì đó lại là tin vui, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả nền kinh tế quốc gia. 
THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm