Giáo dục

Tin tức

Câu chuyện giáo dục: Đau với 'con nhà người ta'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều đón con tan trường, bé khoe bạn được chọn đi thi viết chữ đẹp, tôi vô tình buột miệng hỏi: 'Thế con không được chọn à?'. Tôi cũng buông câu khuyên nhủ: 'Con cố gắng rèn chữ cho bằng bạn nghe!', rồi dắt con rời trường.

Phụ huynh đừng nên so sánh với
Phụ huynh đừng nên so sánh với "con nhà người ta" - Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch


Tối đến, tôi lướt mạng và bắt gặp hình ảnh những cô bé, cậu bé bằng tuổi con đang loay hoay rửa chén, quét nhà, gấp quần áo được bố mẹ bọn trẻ chụp lại và tải lên nhóm chung. Tôi đưa cho con gái xem và một lần nữa tặc lưỡi: “Con xem các bạn giỏi chưa kìa! Chừng ấy tuổi đã biết phụ giúp bố mẹ bao nhiêu là việc, chẳng bù cho con, mẹ phải hối thúc bên hông mới làm”.

Bé con im lặng nhìn hình ảnh trên màn hình di động, cắn nhẹ môi ngần ngừ rồi xoay qua nhìn mặt tôi hỏi: “Mẹ có thể đừng so sánh con nữa được không? Mỗi lần bị mẹ so sánh với bạn này bạn kia, con thấy buồn lắm luôn...”. Tôi giật mình, im lặng.

Câu nói của con tối ấy cứ xoắn lấy tâm trí tôi suốt mấy hôm. “Con nhà người ta” - cụm từ mang tính so sánh từng khiến bao đứa trẻ gánh trên vai áp lực phải “học giỏi”, “đậu trường chuyên lớp chọn”, “giàu kỹ năng sống”, “biết yêu thương” và vô số thành tích khác rồi buồn bã, u uất, mất hết cả tuổi thơ.

Kỳ vọng của một người mẹ muốn con giỏi giang trong tôi đã vô tình khiến con buồn mỗi khi buông câu so sánh “con nhà người ta” ư?

Một người bạn thân của tôi kể câu chuyện như một minh chứng cho việc đừng so sánh con nhà người ta. Bạn bảo bạn chính là nạn nhân của cái kiểu so sánh ấy.

Học hành chẳng may sa sút, bạn bị đe nẹt rằng chẳng bằng mấy đứa trẻ suốt ngày đi chăn trâu vẫn học giỏi. Làm việc nhà vụng về, bạn bị chê bai chẳng được tích sự gì. Thi đại học điểm thấp, bạn bảo những ngày kinh hoàng phải nghe lời mắng vốn của bố mẹ cứ nối dài.

Đau đớn, buồn bã, thất vọng với chính bản thân mình là những cảm xúc tiêu cực mà bạn phải gặm nhấm suốt những ngày thơ ấu đến khi trưởng thành. Và bạn tự hứa với lòng sẽ không bao giờ lặp lại “vết xe đổ” lên cuộc đời con cái mình.

Bạn khuyên tôi hãy bình tĩnh lắng nghe nỗi lòng của con, kiên nhẫn ghi nhận thành tích của con và động viên con phấn đấu một cách khéo léo hơn…

Theo TRANG HIẾU (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm