Diễn ra từ ngày 6 đến 19-4, hội thi có sự tham gia của 219 giáo viên thuộc 17 phòng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) và 5 trường phổ thông công lập có bậc THCS thuộc Sở GD-ĐT.
Các thầy-cô giáo dự thi 10 môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm: Ngữ văn, Tiếng Anh, Tin học, Toán, Công nghệ, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Giáo dục thể chất và Nghệ thuật.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng giấy khen của Giám đốc Sở GD-ĐT cho các giáo viên đạt giải nhất hội thi. Ảnh: Mộc Trà |
Hội thi gồm 2 phần: trình bày 1 biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang làm việc và thực hành dạy 1 tiết theo kế hoạch giảng dạy. Trong đó, phần thi trình bày biện pháp tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Ở phần thi này, các giáo viên đã đưa ra nhiều giải pháp khả thi, phù hợp với thực tế giảng dạy và hoạt động giáo dục tại các nhà trường; đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đối với phần thi giảng dạy trực tiếp tại lớp, các giáo viên đã có sự chuẩn bị chu đáo trong xây dựng bài giảng, khai thác các thiết bị công nghệ hỗ trợ dạy học giúp bài học sinh động, hấp dẫn, tạo hứng thú cho học sinh. Không ít tiết dạy vận dụng linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại, dạy học tích cực, dạy học thông qua việc tổ chức các hoạt động học cho học sinh, dạy học theo dự án.
Đáng chú ý, tại hội thi năm nay, một số giáo viên đã đăng ký tham gia thi thiết kế bài giảng điện tử (E-learning) thay cho dạy 1 tiết thực hành. Cô Phan Thị Hương-Giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Ia Din, huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Để chuẩn bị cho bài thi soạn giảng E-learning, ngoài chuyên môn, tôi đã tự tìm tòi, nghiên cứu thêm tài liệu và nâng cao kỹ năng dựng video, cắt ghép âm thanh… Tôi rất vui khi phần thi của mình được Ban giám khảo đánh giá cao và trao giải nhất. Đây là động lực để tôi tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giảng dạy”.
Các giáo viên tham gia phần thi thiết kế bài giảng điện tử. Ảnh: M.T |
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công: “Hội thi mang đến cho giáo viên THCS toàn tỉnh cơ hội học tập, trao đổi, nâng cao năng lực giảng dạy cũng như khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng, dạy học. Đây là cơ sở để ngành Giáo dục tỉnh đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên THCS cũng như thực trạng công tác bồi dưỡng, tự học, tự nâng cao năng lực giảng dạy và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở các cơ sở giáo dục phổ thông”.
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công-Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức, Trưởng ban giám khảo hội thi: Các giáo viên dự thi năm nay đều có tinh thần tự học, trau dồi kiến thức chuyên môn; có giải pháp hiệu quả, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dạy học; đồng thời, có nhiều cố gắng từ việc khai thác tốt phương tiện dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng các bài học linh hoạt, sáng tạo đáp ứng được yêu cầu dạy học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Qua hội thi, Ban tổ chức đã công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi năm học 2023-2024 cho 186 giáo viên (175 giáo viên thi giảng dạy trực tiếp và 11 giáo viên thi thiết kế bài giảng điện tử). Giám đốc Sở GD-ĐT cũng tặng giấy khen cho 108 giáo viên đạt thành tích cao tại hội thi, trong đó có 13 giải nhất, 23 giải nhì, 31 giải ba và 41 giải khuyến khích.
Là 1 trong 13 giáo viên đạt giải nhất tại hội thi, cô Nguyễn Thị Diễm-Giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) phấn khởi: “Mặc dù là lần đầu tiên tham dự hội thi cấp tỉnh, lại thực hiện phần thi tiết dạy ở điểm thi không phải đơn vị công tác, song nhìn các em học sinh học tập hào hứng, tôi rất vui.
Qua hội thi, tôi đã tích lũy thêm nhiều kỹ năng, phương pháp giảng dạy và tổ chức lớp học; biết khai thác, sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện dạy học; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, từ đó thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Tương tự, thầy Nguyễn Văn Tỉnh-Giáo viên Trường THCS Ngô Quyền (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) cũng không giấu được niềm vui khi đạt kết quả cao. Bằng việc đưa ra biện pháp tạo hứng thú học tập cho học sinh thông qua hoạt động khởi động nhằm nâng cao chất lượng dạy học phân môn Địa lý (môn Lịch sử và Địa lý lớp 7) tại đơn vị công tác, đồng thời áp dụng biện pháp này trong phần thi thực hành tiết dạy, thầy Tỉnh đã xuất sắc giành giải nhất.
“Trường tôi có hơn 98% học sinh dân tộc thiểu số; mức độ nhận thức và hứng thú học tập của các em còn hạn chế. Vì vậy, từ giữa học kỳ I năm học 2022-2023 đến nay, tôi đã tổ chức các hoạt động khởi động nhằm tạo hứng thú cho học sinh trước khi bắt đầu tiết học mới. Tùy từng nội dung bài học mà tôi chọn triển khai theo nhiều cách khác nhau như: tổ chức trò chơi, kể chuyện, hát, đọc thơ… hoặc đưa ra 1 tình huống để các em cùng bày tỏ quan điểm. Kết quả mang lại rất tích cực, học sinh thoải mái, vui vẻ và bắt nhịp với bài học tốt hơn”-thầy Tỉnh tâm sự.
Ngoài các giải cá nhân, Ban tổ chức hội thi cũng vinh danh 11 tập thể xuất sắc. Trong đó, giải nhất toàn đoàn thuộc về Phòng GD-ĐT TP. Pleiku; Phòng GD-ĐT thị xã An Khê và huyện Đức Cơ đạt giải nhì; Phòng GD-ĐT các huyện Chư Sê, Krông Pa, Ia Grai đồng hạng ba; giải khuyến khích thuộc về Phòng GD-ĐT các huyện Đak Pơ, Chư Păh, Đak Đoa, Kbang và Kông Chro.