Giáo dục

Tin tức

Câu chuyện giáo dục: Đổi mới giảng dạy có khả thi ở lớp 12 ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kể từ đầu năm học 2020 - 2021, Bộ GD-ĐT đã có nhiều thay đổi trong việc chỉ đạo giảng dạy ở các cấp học nên đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong các trường học.

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong giờ học môn tiếng Anh - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong giờ học môn tiếng Anh - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Trước tiên là tinh giản chương trình, chuyển một số bài dạy trong chương trình hiện hành sang phần tự học, đọc thêm; tiếp đến là việc bỏ bớt số đầu điểm kiểm tra. Theo đó, môn có nhiều tiết dạy như môn văn ở THPT chỉ còn 1 cột điểm kiểm tra định kỳ trong học kỳ 1 (theo chương trình hiện hành có đến 3 cột điểm kiểm tra định kỳ). Nhờ đó, giáo viên (GV) tập trung được nhiều công sức cho việc giáo dục phẩm chất, bồi dưỡng đạo đức cho học sinh (HS), có nhiều thời gian để hướng dẫn HS rèn luyện kỹ năng sống, phát huy những năng lực của HS như học tập theo dự án (viết bản tin, phóng sự, thực hiện những cuộc phỏng vấn, viết tiểu phẩm, làm video clip... theo phong cách ngôn ngữ báo chí).

Ngoài ra, HS có nhiều thời gian để thuyết trình về một văn bản xã hội, tự nhiên; thực hiện chuyên đề như sân khấu hóa tác phẩm văn học, tạo thêm nhiều tiết tập làm văn nói (rèn luyện kỹ năng phát biểu trước tập thể - một kỹ năng cần thiết nhưng lại có số tiết rất ít ỏi trong chương trình hiện hành). Qua các tiết đổi mới việc giảng dạy kể trên, GV có thể đánh giá toàn diện HS bên cạnh việc đánh giá kiến thức bằng điểm số qua các bài kiểm tra truyền thống. Chưa kể GV có thể quy thành điểm kiểm tra thường xuyên của HS qua các hoạt động sáng tạo để chuẩn bị cho việc học tập theo chương trình cải cách giáo dục mới.

Tuy nhiên, trên thực tế việc đổi mới giảng dạy khó có thể thực hiện ở lớp 12 bởi đề thi đánh giá nhận thức, hiểu biết cơ bản của HS cấp THPT chủ yếu ở lớp 12.

Do đó HS muốn làm được bài thì ít nhiều phải được sự hướng dẫn của GV. Chạy đua theo sự đổi mới nhưng đề thi lại ra theo hình thức cũ (truyền thống) thì hiếm có GV nào dám đổi mới việc giảng dạy theo hướng phát huy năng lực của HS, chưa kể một thực tế là đa số ban giám hiệu các trường đánh giá năng lực giảng dạy của GV không phải ở sự đổi mới mà ở cái gọi là “hiệu quả giảng dạy” (tỷ lệ tốt nghiệp của HS).

Nhờ những mạnh dạn đổi mới của Bộ GD-ĐT, đa số GV như được “cởi trói”, phát huy được nhiều hoạt động dạy học sáng tạo, phần nào khắc phục được bệnh thành tích, chạy đua theo điểm số. Tuy nhiên, sự đổi mới kể trên chỉ có thể trở nên phổ biến, rộng khắp khi Bộ GD-ĐT đổi mới cách ra đề thi từ nội dung cũng như hình thức.

 

Theo Nguyễn Tấn Thư (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm