Mới đây, một thí sinh đã phản ánh tới Thanh Niên rằng sau khi dự thi IELTS ở IDP đã bị "giam" điểm thi IELTS, tới nay là 7 tuần, và không được thông báo chi tiết nguyên nhân. Đây cũng không là trường hợp duy nhất từng bị các đơn vị đồng tổ chức thi IELTS là Hội đồng Anh và IDP giữ điểm để điều tra, theo nhiều chuyên gia, và từng có thí sinh đã bị giữ lại điểm vĩnh viễn.
Vì sao thí sinh bị "giam" điểm?
Thầy Đinh Quang Tùng, Giám đốc học thuật YSchool, nhận định xác suất xảy ra trường hợp bị "giam" điểm là "rất rất thấp", bởi trong gần 10 năm đứng lớp, nam giáo viên chỉ chứng kiến 2-3 vụ việc tương tự trong số cả ngàn học viên. "Việc bị 'giam' điểm sẽ xảy ra khi hội đồng thi nghi ngờ có bất thường với bài làm. Tăng điểm đáng kể sau 1-2 tháng có thể là lý do, nhưng các đối tác IELTS chưa từng xác nhận điều này", thầy Tùng nói.
Đồng tình, thầy Phan Anh Kiệt, giáo viên ở K Learning Hub (Đồng Nai), nhìn nhận việc bị "giam" điểm IELTS là tình huống hy hữu, và "hầu hết sẽ được trả kết quả về sau 3-5 tháng". "Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào cảm nhận, góc nhìn của hội đồng thi, có thể do tăng 1-1.5 tổng điểm trong thời gian ngắn, hoặc điểm các kỹ năng bị lệch rất cao như nghe đạt 8.0 nhưng viết chỉ 4.5, khiến hội đồng hoài nghi về năng lực", thầy Kiệt chia sẻ.
Tuy nhiên, nam giáo viên cũng cho rằng việc buổi thi này bị "giam" điểm sẽ không ảnh hưởng tới buổi thi tiếp theo, và trong trường hợp cần kết quả IELTS gấp, thí sinh có thể đăng ký thi lại trên máy tính để sớm có chứng chỉ. "Việc 'giam' điểm chỉ phụ thuộc vào buổi thi hôm đó, hoặc đó là trình tự làm việc của hội đồng thi để kiểm tra theo định kỳ", anh Kiệt chia sẻ.
Thạc sĩ Khưu Hoàng Nhật Minh, Giám đốc điều hành Minh Khuu Academy (TP.HCM), nêu một góc nhìn khác. Theo thầy Minh, việc tăng 1-1.5 điểm giữa hai lần thi cách nhau 1-2 tháng hoàn toàn khả thi nếu thí sinh đầu tư ôn luyện nhiều và chuyên sâu, hay quyết định đi học ở trung tâm thay vì chỉ tự học. Điều này cũng có thể đến từ các yếu tố khách quan như vấn đề sức khỏe, tâm lý... khiến phong độ bị ảnh hưởng.
"Vì thế khó kết luận việc tăng điểm tổng nhanh trong 1-2 tháng sẽ dẫn đến việc bị 'giam' bằng", thạc sĩ Minh nhận định.
Theo kinh nghiệm cá nhân, nam giáo viên cho rằng có hai trường hợp IELTS sẽ trả điểm trễ hoặc không trả điểm. Thứ nhất, đó là bởi Hội đồng khảo thí ĐH Cambridge - đơn vị đồng sở hữu kỳ thi IELTS - đang tiến hành kiểm soát chất lượng đợt thi. "Thường hàng loạt bài thi sẽ bị trả điểm trễ một chút và có thông báo qua email", thầy Minh nói, thông tin thêm việc này cũng được đề cập trong quy chế thi từ trước.
Cũng theo anh Minh, nếu hội đồng cho rằng kết quả thi không phản ánh đúng năng lực, thí sinh có nguy cơ bị "giam" điểm vĩnh viễn. "Trong lịch sử rất hiếm xảy ra tình huống này và đây là quyền quyết định của Hội đồng khảo thí ĐH Cambridge, đơn vị chịu trách nhiệm về tính chuyên môn của kỳ thi IELTS. Các đơn vị phân phối kỳ thi sẽ không biết nguyên nhân hội đồng giữ lại điểm", nam giáo viên cho hay.
"Tôi cũng từng nghe về tình huống bị 'giam' điểm vì vi phạm quy chế thi như nhờ người thi hộ hoặc phát hiện bất thường. Có trường hợp bị cấm thi IELTS 3 năm hoặc cấm vĩnh viễn", thạc sĩ Minh chia sẻ. "Khi chuyển sang hình thức thi trên máy tính, tình trạng bị giữ điểm cũng hiếm xảy ra hơn trước rất nhiều".
Những lưu ý để được trả điểm thi IELTS
Thầy Quang Tùng hướng dẫn, nếu bị "giam" điểm, thí sinh có thể gửi khiếu nại đến Hội đồng khảo thí ĐH Cambridge để hối thúc tổ chức này sớm trả lại kết quả thi IELTS của mình. "Trong email báo bị giữ điểm, Cambridge sẽ hướng dẫn một số thông tin như địa chỉ gửi mail, nội dung cần ghi và thời gian khiếu nại. Hầu hết trường hợp tôi biết thì thí sinh đều nhận lại được điểm", nam giáo viên chia sẻ.
Về nội dung trình bày trong thư khiếu nại, thầy Tùng khuyên thí sinh nhấn mạnh để hội đồng thấy được rằng việc dự thi của mình là hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu gì đáng ngờ. Để tăng sức thuyết phục, thí sinh cần gửi thêm một số minh chứng thể hiện được sự ôn luyện của mình trong thời gian trước khi thi, thông tin về nơi theo học... Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần gửi thư khiếu nại càng sớm càng tốt.
"Với trường hợp bị 'giam' điểm nhưng thời gian cần nộp chứng chỉ lại gấp, tôi khuyên các bạn nên đi thi lại luôn để tránh ảnh hưởng đến kế hoạch của bản thân. Việc bị 'giam' điểm đã hy hữu rồi thì việc bị hai lần chắc chắn xác suất còn thấp hơn nên các bạn hoàn toàn có thể yên tâm", nam giáo viên trấn an.
Ngoài ra, trong thư khiếu nại, thí sinh cũng có thể trình bày lý do mình muốn được sớm trả lại kết quả thi, theo thầy Nguyễn Đăng Hồ Bách, giáo viên tại Trung tâm Kiên Luyện (Hà Nội). "Kết quả thi sẽ được trả lại sau khi hội đồng hoàn tất điều tra và thấy bài thi không có dấu hiệu thiếu minh bạch, thường sẽ sau 1-2 tháng hoặc kéo dài tới một năm. Đa số trường hợp tôi thấy thì các bạn vẫn được trả lại điểm thi", nam giáo viên nói.
"Một điều quan trọng là việc bị 'giam' điểm không thường xuyên xảy ra, vì thế các bạn ôn thi bằng thực lực không cần quá lo lắng", anh Bách nói.
Ngay sau khi phản ánh, thí sinh bị hủy bỏ kết quả thi
Vì thế, hội đồng này quyết định hủy bỏ kết quả thi của thí sinh. Và vì lý do bảo mật bài thi, hội đồng thi cũng không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về cuộc điều tra hoặc kết quả của cuộc điều tra, cũng như không đưa ra bằng chứng cụ thể cho thí sinh được biết.
"Em cảm thấy giống như một đứa trẻ bị phạt nhưng không biết lý do nên nếu được, em muốn biết vì sao điểm thi bị hủy bỏ vĩnh viễn. Nếu em vô tình vi phạm quy chế thi, em cũng cần biết để rút kinh nghiệm. Việc này khiến em cảm thấy áp lực và ám ảnh khi nếu sau này phải thi IELTS", G.B, học sinh lớp 12 ở TP.HCM và cũng là thí sinh được nhắc tới trong bài, bộc bạch.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, G.B lần đầu thi IELTS tại Hội đồng Anh vào ngày 14.9, song nam sinh cho rằng hôm đó mình bị sốt cao, đau họng nên đạt điểm chưa như mong đợi. Để cải thiện kết quả để nộp hồ sơ xét học bổng du học, em tiếp tục thi lại tại IDP vào ngày 5.10 nhưng sau đó bất ngờ nhận tin điểm thi bị tạm giữ để điều tra, không giải thích cụ thể lý do tạm giữ mà chỉ dẫn lại hai điều khoản trong quy chế thi.
G.B nói thêm, trong thư tay gửi IDP, em giải thích rằng lần thi trước mình đạt điểm thấp do sức khỏe không tốt và chia sẻ quá trình học tập trong 3 tuần trước thi. Đính kèm thư này là đơn thuốc chứng minh bệnh trạng. Ngoài ra, vì hạn chót nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng du học là 25.10 nên em cũng liên hệ IDP hai lần để trình bày hoàn cảnh, nhưng vô vọng.
Cuối cùng, hồi cuối tháng 11, nam sinh đã thi IELTS lần 3 tại Hội đồng Anh và đến nay đã chi 13.992.000 đồng cho lệ phí thi. B. cũng bỏ kế hoạch du học và chuyển hướng xét tuyển vào một ĐH tư thục trong nước.
Nói với Thanh Niên vào thời điểm đó, đại diện IDP không nêu rõ những trường hợp nào sẽ bị tạm giữ kết quả IELTS, chỉ thông tin điểm thi sẽ được trả lại khi quá trình dự thi của thí sinh chắc chắn không có vấn đề gì. Phía IDP cũng lưu ý rằng các điều khoản và điều kiện của kỳ thi IELTS đều giải thích rằng kết quả thi có thể bị giữ lại. "Đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ tính hợp lệ của kết quả thi cho ba triệu người dự thi IELTS mỗi năm", đại diện IDP nhấn mạnh.
Theo Ngọc Long - Uyên Phương Lê (TNO)