Câu chuyện giáo dục: Từ đồng phục của học sinh đến "tư duy đồng phục"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều người tranh luận rằng, học sinh phải mặc đồng phục, có phù hiệu, bảng tên mới trông ra dáng “học trò”. Những bạn học sinh ở miền Nam trước giải phóng (1975), có ai quên được tà áo dài trắng của nữ sinh tung tăng như đàn bướm mỗi khi tan trường, đẹp lung linh biết bao!

Tôi đồng ý với quan niệm, mỗi đơn vị trường đều muốn có một “thương hiệu” bằng đồng phục riêng nhằm phân biệt học sinh trường này với trường khác. Khi các em mặc đồng phục đi học thì mọi người đều nhận diện được cô-cậu đó là học sinh trường nào. Như vậy cũng có cái hay là bất kỳ ai cũng có thể giám sát được hành vi của các cô-cậu học sinh mỗi khi bước ra đường với bộ đồng phục trên mình. Điều đó có một tác dụng giáo dục ý thức chấp hành nội quy của nhà trường, mỗi khi các em mặc đồng phục ra đường thường ít dám nghịch ngợm hoặc có những hành vi xấu dễ bị mọi người phát hiện.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thực tế hiện nay chuyện đồng phục học sinh đang bị lợi dụng để thu lợi, gây khó khăn cho phụ huynh, bị cả xã hội lên án. Nhiều hiệu trưởng các trường cùng với một số cán bộ quản lý giáo dục cấp trên kết hợp với các đơn vị kinh doanh hình thành nên “nhóm lợi ích” với những quy định sai trái, như bắt học sinh hàng năm phải may mới vài bộ đồng phục, kể cả giày, cặp sách cũng phải cùng loại, cùng màu; bù lại, những người trung gian được hưởng một khoản hoa hồng kha khá tùy theo số lượng học sinh nhiều hay ít. Các em học sinh là loại “khách hàng” đặc biệt không có quyền lựa chọn hàng hóa mình sử dụng mà bị đặt vào tình thế bắt buộc. Vấn đề này đang là hiện tượng đáng buồn, nó không những làm tha hóa đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục mà còn làm giảm sút niềm tin và sự tôn trọng của phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung vào đội ngũ nhà giáo-những người được coi là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Ở đây mới chỉ bàn về trang bị hình thức bên ngoài cho học sinh, nhưng nếu đi sâu về nội dung giáo dục theo kiểu “tư duy đồng phục” thì sẽ tệ hại hơn, thậm chí là phản giáo dục. Nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết-nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh Thiếu niên-Nhi đồng của Quốc hội thì “đồng phục” đang trở thành một “căn bệnh” ngày càng nặng trong xã hội, nhiều khi làm lẫn lộn hết các giá trị thật, ảnh hưởng xấu đến con trẻ. Nếu giáo dục các em trở thành những công cụ bảo sao làm vậy, nói cùng một lời, suy nghĩ như nhau, cảm xúc giống nhau thì sẽ tạo nên một xã hội giả dối. Trong nhà trường, chúng ta thường gặp những bài làm văn của các em na ná như nhau, ngô nghê và vô hồn. Đó là lối giáo dục “đồng phục” bằng cách cho học sinh học theo bài văn mẫu, giết đi sự sáng tạo, bắt các em nói và làm theo một cách máy móc, thô thiển.

Nhiều nước văn minh trên thế giới hết sức tôn trọng sự khác biệt hay “cái tôi” cá nhân của con trẻ. Các em được quyền đòi hỏi cái mình thích và không ai được áp đặt cái riêng của mình vào con trẻ, bắt chúng phải làm giống như vậy. Ở môi trường học đường, các nhà giáo bao giờ cũng khuyến khích sự phản biện của học sinh, coi đó là dấu hiệu của sự tìm tòi, sáng tạo mà mục tiêu giáo dục cần đạt đến. Tôi nghĩ rằng, sự thành-bại của đợt cải cách giáo dục sắp đến sẽ đặt nặng lên vai người thầy giáo. Sự đổi mới nào cũng phải bắt đầu từ việc đổi mới tư duy. Nếu còn kiểu tư duy “đồng phục” trong giáo dục thì đừng bao giờ hô hào cải cách cho nhọc công sức.

Hoàng Linh Việt

Có thể bạn quan tâm