Gia Lai nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo để đáp ứng thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%. Hiện nay, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu quan trọng này. 

Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao

Ông Nguyễn Tấn Thành-Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) thông tin: Tỉnh ta có nguồn lao động chiếm khoảng 59,74% dân số. Tuy nhiên, mới chỉ có 55% lao động qua đào tạo. Tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo chiếm khoảng 69,6% lao động đang làm việc. Đáng chú ý, trong 4 năm gần đây, tỷ lệ lao động ở nông thôn thiếu việc làm có xu hướng tăng (từ 0,39% năm 2016 lên 1,61% năm 2019).

Trong khi đó, toàn tỉnh có hơn 7.000 doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới bình quân hàng năm tăng 18% kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động qua đào tạo tăng. Tuy nguồn lao động dồi dào nhưng phần lớn là lao động giản đơn, thiếu kỹ năng nghề khiến nhiều doanh nghiệp thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu lao động lành nghề, còn địa phương thì hạn chế cung ứng nguồn nhân lực.

 Một lớp đào tạo nghề may cho lao động người dân tộc thiểu số tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa. Ảnh: Đức Thụy
Một lớp đào tạo nghề may cho lao động dân tộc thiểu số tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa. Ảnh: Đức Thụy


Bà Nguyễn Thị Mai-Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang (TP. Pleiku)-cho biết: Doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng đồ gỗ. Hàng năm, doanh nghiệp thường thiếu lao động có tay nghề. Sau khi tuyển đủ nguồn lao động, đơn vị buộc phải tổ chức đào tạo lại và hướng dẫn kỹ năng nghề. Với vị trí việc làm giản đơn như chà nhám, phay gỗ... thì chỉ mất khoảng 15 ngày đào tạo; còn vị trí đòi hỏi kỹ thuật cao như: lắp ráp, đánh bóng, phun màu... thì ít nhất là 3 tháng.

“Để có nguồn lao động phục vụ nhu cầu sản xuất, doanh nghiệp phải vất vả tuyển dụng và đào tạo lại chứ thị trường lao động trong tỉnh không đáp ứng được”-bà Mai bày tỏ.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa-cho biết: Huyện có nguồn lao động trẻ dồi dào, trong đó, có đến 85% là người dân tộc thiểu số. Qua rà soát, lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số thiếu việc làm nhiều hơn so với trước đây. Nguyên nhân là do thiếu tư liệu sản xuất, tay nghề thấp, nông sản mất mùa mất giá, thiên tai và dịch bệnh. Mặt khác, khi thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp, nguồn lao động đáp ứng rất hạn chế.

Ngoài ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp còn do những nguyên nhân khác như: tiến độ thực hiện xã hội hóa dạy nghề còn chậm, cơ sở dạy nghề ngoài công lập còn ít; một số địa phương chưa chủ động triển khai tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; hình thức tuyên truyền chưa phong phú, chưa phát huy lực lượng hội viên thuộc các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội trong tuyên truyền.

Giải pháp nào?

Để thực hiện chỉ tiêu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 55% (năm 2020) lên 65% (năm 2025), bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể và địa phương triển khai công tác đào tạo nghề gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo cơ hội cho người lao động có việc làm. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh, huyện và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

 Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang (TP. Pleiku) thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Ảnh: Đinh Yến
Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang (TP. Pleiku) thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Ảnh: Đinh Yến


“Đặc biệt, Sở chỉ đạo các cơ sở đào tạo tập trung nghiên cứu thị trường lao động để lựa chọn nghề đào tạo phù hợp; xây dựng các phương án hoạt động hiệu quả để nâng cao năng lực tuyển sinh đạt kế hoạch được giao. Đồng thời, Sở tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp và các sở, ngành liên quan triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp nhằm nâng cao chỉ số đào tạo lao động. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Phát huy vai trò tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của Nhà nước, giám sát của xã hội. Đề xuất cấp thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định (đặc thù), khuyến khích phát triển thị trường nông nghiệp, nông thôn, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ cho sản xuất đời sống dân sinh”-bà Rcom Sa Duyên đề xuất.

Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cần nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm đảm bảo năng lực dự báo nhu cầu lao động làm cơ sở đào tạo gắn với thị trường lao động trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Sở sẽ rà soát chức năng dạy nghề tại 16 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên trong tỉnh để đào tạo có địa chỉ, giải quyết việc làm thực sự bền vững.

 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm