Nỗ lực giữ chương trình song ngữ tiếng Việt ở Úc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhiều phụ huynh gốc Việt đang nỗ lực kêu gọi duy trì chương trình song ngữ Anh - Việt tại Trường tiểu học Footscray ở TP. Melbourne (bang Victoria, Úc).

 Học sinh Trườ̀ng tiểu học Footscray kêu gọi “cứu chương trình song ngữ tiếng Việt” - Ảnh: FPS
Học sinh Trườ̀ng tiểu học Footscray kêu gọi “cứu chương trình song ngữ tiếng Việt” - Ảnh: FPS



Tờ The Guardian đưa tin Ban giám hiệu Trường tiểu học Footscray Primary School (FPS) ở vùng ngoại ô Footscray của TP.Melbourne (bang Victoria, Úc) mới đây thông báo sẽ thay chương trình song ngữ Anh - Việt bằng Anh - Ý từ năm 2021. Nhà trường cũng cam kết tiếng Việt vẫn sẽ tiếp tục nằm trong chương trình giảng dạy dù thời lượng ít hơn. Ban giám hiệu nhà trường dẫn lý do một phần là thiếu giáo viên dạy tiếng Việt và nói rằng chương trình tiếng Ý sẽ dễ dàng hơn cho học sinh.

Trường FPS giải thích thêm rằng chỉ có 16 giáo viên dạy tiếng Việt đủ tiêu chuẩn ở bang Victoria trong năm 2018, so với 337 giáo viên dạy tiếng Ý. Tuy nhiên, những người vận động cho chương trình song ngữ Anh - Việt nói rằng trên thực tế, số giáo viên giảng dạy tiếng Việt tiềm năng cao hơn. Được biết, ngoài khoản ngân sách thường lệ được cấp cho chương trình song ngữ Anh - Việt, Trường FPS đã nhận thêm khoản tiền không nhỏ trong những năm gần đây để tuyển dụng các giáo viên có bằng cấp chuyên môn cho chương trình này, theo Đài SBS.

Phụ huynh bất bình

Động thái trên của Ban giám hiệu FPS gây bất bình cho nhiều phụ huynh gốc Việt có con theo học tại trường. Các phụ huynh nói rằng họ chưa bao giờ được hỏi ý kiến về vấn đề trên, tuy nhiên nhà trường bác bỏ điều này. Trong khi đó, Sở Giáo dục Victoria cho biết quyết định thay đổi chương trình song ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Ý vào năm 2021 là kết quả của quá trình tham vấn cộng đồng, sau khi gặp khó khăn trong việc tuyển giáo viên tiếng Việt đủ tiêu chuẩn, theo tờ The Guardian.

Các phụ huynh gốc Việt cũng cho rằng lý do không tuyển được giáo viên dạy tiếng Việt là không hợp lý. “Lý do thực sự là nhà trường không muốn chương trình tiếng Việt”, tờ The Guardian dẫn lời ông Tony Bui, đại diện nhóm hơn 30 phụ huynh có con đang học tại Trường FPS hoặc có con nhỏ có thể ghi danh học tại trường này trong những năm tới.

Ông Tony Bui, người có hai con trai 6 tuổi và 9 tuổi theo học tại FPS, cho biết thêm: “Khi tôi hỏi thăm các phụ huynh khác, họ cũng rất ngạc nhiên. Khi tôi giải thích cho các con tôi điều gì sẽ xảy ra với lớp học của chúng trong năm tới, chúng rất buồn”.

Nỗ lực vận động kiến nghị

Chương trình song ngữ tiếng Việt được cho là bắt đầu tại Trường tiểu học Footscray từ năm 1985. Những người ủng hộ nói rằng chương trình song ngữ tiếng Việt của Footscray là chương trình duy nhất như vậy ở Úc. Vùng ngoại ô Footscray ngày càng phát triển với đa sắc tộc, song cứ khoảng 10 cư dân thì vẫn có 1 người gốc Việt. Chương trình song ngữ tiếng Việt này cũng mang lại nhiều danh tiếng cho FPS về việc dạy song ngữ, được phụ huynh nhiều sắc tộc của trường đánh giá cao vì giúp học sinh tại Footscray hiểu được văn hóa và ngôn ngữ Việt, theo Đài SBS.

Theo nhiều phụ huynh gốc Việt, chương trình song ngữ tiếng Việt trong vài năm gần đây bắt đầu ít được chú trọng tại FPS. Ít nhất 8 giáo viên đã nghỉ việc kể từ năm 2016, mà một số nguyên nhân là do sự hỗ trợ của Ban giám hiệu FPS ngày càng giảm, cũng như giờ học tiếng Việt bị cắt bớt. “Nhiều giáo viên dạy tiếng Việt bị coi là không đủ giỏi để làm giáo viên. Đó là lý do khiến nhiều giáo viên nghỉ việc. Họ không được coi trọng”, theo tờ The Guardian dẫn lời Chau Cong, người rời Trường FPS vào năm 2018 sau 15 năm điều hành chương trình song ngữ tiếng Việt.

Trong nỗ lực duy trì chương trình song ngữ tiếng Việt tại FPS, nhóm các phụ huynh trên đã mở chiến dịch vận động lấy chữ ký để kiến nghị nhà trường không thay đổi chương trình. Thư kiến nghị gửi ông James Merlino, Phó thủ hiến bang Victoria kiêm người đứng đầu Sở Giáo dục Victoria, đến nay nhận được hơn 16.000 chữ ký. Chương trình song ngữ tiếng Việt tại FPS cũng từng bị dọa thay thế vào năm 2016, song trước sự phản đối quyết liệt từ các phụ huynh gốc Việt cũng như sự can thiệp từ ông Merlino, nhà trường đã phải hủy bỏ quyết định thay thế chương trình vào năm 2018. Do đó lần này, cộng đồng gốc Việt hy vọng Phó thủ hiến Merlino sẽ tiếp tục ủng hộ chương trình song ngữ tiếng Việt như trước đây.

Theo DANH TOẠI (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm