Khoa học - Công nghệ

Xe 360

Câu chuyện về "cha đẻ" của "chú ngựa hoang" Mustang huyền thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ford Motor được nhiều người biết đến là một trong ba “cây đại thụ” (Big Three) của ngành công nghiệp ôtô Mỹ và hiện là hãng sản xuất xe lớn thứ năm trên thế giới.

Ngày 8/8 vừa qua đánh dấu việc Ford Mustang- một trong số ít ỏi những thương hiệu xe của Ford có thể tồn tại độc lập- cán mốc 10 triệu xe xuất xưởng tại nhà máy lắp ráp Flat Rock, Michigan.

Nhân sự kiện này, hãy cùng nhìn lại con đường phát triển của Ford Motor -“cha đẻ” của “chú ngựa hoang” Mustang từng làm mưa làm gió tại các thị trường ôtô toàn cầu.


 

Ford Mustang. (Nguồn: Ford)
Ford Mustang. (Nguồn: Ford)



Biểu tượng một thời của ngành ôtô Mỹ

Ford Motor do Henry Ford và các cổ đông thành lập vào ngày 16/6/1903, với số vốn vỏn vẹn là 28.000 USD.

Sau các mẫu xe đầu tiên lần lượt là model A, B, C, F, K, N, R và S, được ra đời từ năm 1903 tới năm 1908, Ford Motor đã tạo ra bước đột phá đáng nhớ khi “trình làng” chiếc Ford model T vào năm 1908, được sản xuất tại nhà máy Piquette.

Sau đó ít lâu, hãng đã chuyển tới nhà máy rộng hơn là Highland Park để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng về dòng xe model T, với doanh số bán lên tới hàng triệu chiếc trong gần 20 năm.

Cuối năm 1919, Ford là nhà cung cấp 50% số xe tại thị trường Mỹ và đến năm 1920, một nửa số ô tô trên nước Mỹ là model T của Ford.

Ford Motor đã hoạt động dựa trên phương thức sản xuất ôtô và phương pháp quản lý nguồn nhân lực quy mô lớn, đặc biệt là những dây chuyền lắp rắp được xây dựng công phu mà tiêu biểu là dây chuyền lắp ráp tự động.

Sự kết hợp các nhà máy hiệu quả cao, nguồn nhân công được trả lương hậu hĩnh và những quy trình sản xuất chi phí thấp của Henry Ford đã được khắp thế giới biết đến như Triết lý kinh tế vào năm 1914.

Ford là công ty đầu tiên ở Mỹ áp dụng chính sách lương tối thiểu và tuần làm việc 40 tiếng trước khi Chính phủ Mỹ cho thi hành luật này.

Trong khi đó, để duy trì được chỗ đứng sau khi trải qua nhiều “sóng gió” những năm đầu thế kỷ 21, Ford Motor đã đi theo chiến lược kinh doanh "One Ford," được khởi xướng bởi Giám đốc điều hành Allan Mullaly vào tháng 9/2006, mục đích của One Ford là giúp hãng mở rộng thị phần và mang lại thành công chung cho Ford trên toàn cầu.

Điểm mấu chốt của One Ford là nó khuyến khích sự tập trung lao động, làm việc tích cực theo nhóm và hướng tất cả nhân viên của hãng tới mục tiêu chung là sự thành công của tập đoàn trên thị trường toàn cầu.

Chiến lược này luôn nêu cao tinh thần làm việc theo nhóm và xây dựng tính đoàn kết tập thể nhằm mang lại sự hài lòng cho các khách hàng, cũng như các đối tác mà Ford nhắm tới.

Ford Motor bán các mẫu xe con và xe thương mại với thương hiệu Ford, trong khi hầu hết các mẫu xe hạng sang được bán với thương hiệu Lincoln.

Ngoài ra, Ford Motor cũng đang sở hữu công ty chế tạo xe thể thao đa dụng (SUV) của Brazil là Troller, nắm giữ 8% cổ phần trong hãng xe Aston Martin của Anh và 49% cổ phần trong tập đoàn sản xuất ôtô Jiangling Motors của Trung Quốc.

Ford cũng thiết lập các liên doanh trên toàn cầu gồm Ford Lio Ho tại Đài Loan (Trung Quốc), Changan Ford tại Trung Quốc, AutoAlliance Thailand tại Thái Lan, Ford Otosan tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ford Sollers tại Nga.

Các công ty trước đây ở Anh của Ford như Jaguar và Land Rover đã được bán cho Tata của Ấn Độ vào tháng 3/2008.

“Chú ngựa hoang” Mustang

Tại Triển lãm ôtô thế giới ở New York năm 1964, Ford Motor giới thiệu chiếc Ford Mustang đầu tiên và mẫu xe này được chào bán từ ngày 17/4/1964. Khi mới ra đời, lãnh đạo của Ford Motor không hề đánh giá cao hay kỳ vọng nhiều vào thương hiệu xe này, mà mục đích chính chỉ để cạnh tranh với xe Corvair của Chevrolet mà thôi.

Tuy nhiên, đã có tới 22.000 chiếc Mustang được đặt hàng trong vòng 24 giờ kể từ khi ra mắt, với giá 2.368 USD/chiếc. Trong vòng một năm sau đã có 417.000 chiếc được bán ra thị trường, đủ để thấy sức hút của dòng xe này.

Ford Mustang là một trong số ít các dòng xe trên thế giới liên tục được sản xuất trong suốt 50 năm qua. Mẫu xe được mệnh danh là "Ngựa hoang" này từng được coi là một trong những biểu tượng văn hóa Mỹ thập niên 1960-1970.

Tới nay, dòng xe này đã trải qua sáu thế hệ phát triển và chiếc xe Mustang thứ 10 triệu đã rời dây chuyền sản xuất vào ngày 8/8 tại nhà máy Flat Rock, Michigan.

Để chào đón mốc kỷ niệm quan trọng này, Ford Motor đã lên kế hoạch cho một loạt hoạt động gợi nhớ lịch sử của "chiếc xe tự do" vốn là biểu trưng cho tình yêu của người Mỹ với những chuyến đi dài.

Doanh số bán ra của Mustang tại thị trường quê hương có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sức hút của dòng xe này đang tiếp tục lan rộng trên thị trường quốc tế.

Trong năm ngoái, Ford bán ra chỉ khoảng 81.000 xe Mustang, chiếm 0,5% thị phần của thị trường ô tô Bắc Mỹ. Kể từ khi Ford bắt đầu xuất khẩu Mustang vào năm 2015, mẫu xe này đã trở thành thương hiệu xe thể thao bán chạy nhất thế giới.

Với xu thế này, giới chuyên gia phân tích thị trường cho rằng chiến lược trong thời gian tới của Ford sẽ là tiếp tục đẩy mạnh tiếp thị dòng xe đầy sức hút của hãng như một biểu tượng của văn hóa Mỹ.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm