(GLO)- Tình trạng qua sông phải chờ đò của nhân dân, cán bộ, giáo viên, học sinh của huyện Krông Pa mỗi khi qua bến đò Ia Rmok đã trở thành nỗi ám ảnh bấy lâu nay. Đã có hai cây cầu gỗ được người dân bắc qua sông Ba, tuy nhiên sau mỗi trận lũ, nước sông Ba lên cao, những cây cầu này lại bị cuốn trôi. Thế nhưng, khi nước rút, những người dân Ia Rmok, Phú Cần đã cùng nhau tiếp tục bắc lên những cây cầu mới, đảm bảo cho việc qua sông được thuận tiện hơn thay cho những con đò, đặc biệt là trong những ngày du Xuân đón Tết.
Cầu bắc qua sông Ba. Ảnh: Đức Mạo |
Đã là lần thứ 3, những hộ dân này phải bắc lại cầu, các chủ đò và một số hộ dân tại bến sông này đã cùng góp công sức mua gỗ keo, bạch đàn để làm 2 cây cầu có chiều dài khoảng 300 mét, chiều rộng 2,3 mét, khoảng cách giữa các cột trụ là 1,8 mét. Được biết, cây cầu mới này được xây dựng lên bởi 6 hộ dân trước đây là những chủ đò ngang, với trị giá xây dựng khoảng 200 triệu đồng, trong đó hơn 2.300 tấm ván, mỗi tấm 50 ngàn đồng, cây bạch đàn làm trụ hết gần 20 triệu đồng, trên 10 triệu đồng tiền công, và tiền nguyên-vật liệu khác. Sau nhiều ngày thực hiện, 2 cây cầu mới đã hoàn thành để phục vụ việc đi lại cho người dân. Mức thu phí mỗi lần qua cầu đối với xe máy dao động 5-10 ngàn đồng ngang bằng hoặc thấp hơn giá đi đò hàng ngày.
Sự xuất hiện của những cây cầu tạm bằng gỗ để cho bà con đi lại thay cho đi đò là một sự sáng tạo, đồng lòng vượt khó của người dân bắt nguồn từ nhu cầu thực tế mà không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Anh Ksor Mrớt (xã Ia Rmok), một trong số hộ dân làm cầu nói: Sáu hộ dân chúng tôi góp được hơn 200 triệu đồng để bắc cầu phục vụ cho bà con đi lại, mỗi ngày chúng tôi chỉ thu được từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, trong khi đó nếu nước lớn cầu trôi thì không thu hồi được vốn. Chúng tôi bắc cầu mong muốn phục vụ bà con đi lại thuận lợi hơn nhất là lúc đau ốm, đêm hôm.
Thay vì phải chờ 30 phút đến 1 giờ như đi đò trước đây, nay người dân không phải mất thời gian chờ đò nữa. Vì vậy việc đi lại giờ đây rất thuận tiện, nhất là vận chuyển hàng hóa, nông sản. Không những thế đi cầu còn đảm bảo an toàn hơn đi đò rất nhiều. Sau 2 cây cầu này, trên địa bàn huyện Krông Pa đã hình thành thêm 2 cây cầu nữa ở xã Chư Gu và xã Ia Rsai cũng từ sức dân. Ông Ksor Ơng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok nói: Việc nhân dân làm cái cầu này bà con đi lại rất thuận lợi, Đảng ủy, UBND xã rất hoan nghênh việc làm mang tính tự giác của nhân dân, có cầu việc đi lại của nhân dân rất an toàn và thuận lợi.
Với những người hàng ngày phải qua sông công tác, học tập như các cán bộ, thầy-cô giáo và các em học sinh thì dòng sông Ba là một trong những cản trở gây khó khăn cho họ trong việc đi lại. Việc lưu thông qua đò không mấy an toàn lại mất nhiều thời gian. Họ phải đi thật sớm để cho kịp giờ làm việc, học tập vì phải mất thêm thời gian chờ đợi để được qua đò. Cây cầu gỗ trong thời điểm này đã phần nào giúp cho họ bớt đi nỗi vất vả trong việc qua sông, đặc biệt là trong dịp Tết đến Xuân về. Thầy Đinh Nho Khai-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền, xã Ia Rmok nói: Từ khi có cây cầu này việc qua lại của nhân dân và giáo viên rất thuận lợi, an toàn, đảm bảo thời gian công việc. Trước kia đi đò không an toàn mà lại mất rất nhiều thời gian.
Tuy cây cầu gỗ qua dòng sông Ba chỉ sử dụng tạm thời trong mùa khô và những lúc nước sông Ba không lên cao, nhưng sự chung sức của một số người dân xã Ia Rmok và Phú Cần đã xây dựng nên những cây cầu tạm phù hợp với tình hình thực tế đã giúp cho việc lưu thông của người dân qua sông Ba trong thời điểm này giảm bớt được phần nào khó khăn, tiết kiệm được tiền của. Việc người dân không ỷ lại vào Nhà nước, tự góp tiền làm cầu để khắc phục tình trạng ách tắc trong giao thông là một việc làm đáng được khen ngợi và nhân rộng.
Đức Mạo