TN - Đất & Người

"Cây đại thụ" của làng Chư Bố II

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ lâu, già Rah Lan Buk đã được người dân làng Chư Bố II (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) xem như “cây đại thụ”. Bởi lẽ, ông không chỉ là tấm gương làm kinh tế giỏi mà còn là điểm tựa tinh thần của dân làng.

 Gìa Buk (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với người dân trong làng. Ảnh: H.T
Già Buk (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với người dân trong làng. Ảnh: H.T

Ngôi nhà của già Buk không rộng lắm nhưng khá khang trang so với 289 nóc nhà còn lại ở làng Chư Bố II. Trong ngôi nhà khang trang ấy chất đầy những bao hồ tiêu chờ ngày bán. Trên tường treo nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. ở tuổi 75, già Buk đã mãn nguyện với những gì mình gây dựng được. Song khi nhắc đến thành quả này, đôi mắt già vẫn đong đầy tâm sự. Gìa Buk nói: “Ngày trước, khi còn sống với bố mẹ, vì nhà nghèo nên quanh năm phải ăn rau rừng, củ rừng qua ngày. Lớn lên, lấy vợ rồi mình cũng lam lũ lắm nhưng vì không có kỹ thuật canh tác nên hiệu quả kinh tế không cao, cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám miết. Nhiều lúc con cái đau ốm không có tiền mua thuốc đành phải kiếm lá rừng về chữa bệnh”…

Không cam chịu đói nghèo, già Buk quyết định đi làm thuê ở các địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Sau đó, già trở về làng lên kế hoạch sản xuất. Cùng với 2 sào đất cằn của gia đình, già khai hoang thêm đất rẫy trồng bắp, đậu, sau đó là đắp đập dẫn nước trồng lúa. Đồng thời, già vay vốn ngân hàng đầu tư trồng hồ tiêu, nuôi bò để tăng thu nhập. Từ nguồn vốn vay được ban đầu là 8 triệu đồng vào năm 2000, cùng với sự cần cù chịu khó lao động và học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, 17 năm qua, già Buk đã gầy dựng được một cơ ngơi đáng nể: 1 ha lúa nước 2 vụ, 2 ha bắp, 1 ha cà phê, 300 trụ tiêu kinh doanh và 14 con bò. Hàng năm, trừ chi phí, gia đình già thu trên 300 triệu đồng. Từ nguồn thu trên, gia đình đã xây được một ngôi nhà khang trang và mua sắm nhiều vật dụng, phương tiện có giá trị như tủ lạnh, ti vi, xe máy, xe công nông phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Cùng với đó, già Buk còn vận động bà con trong làng khai hoang đất rẫy trồng xen canh các loại cây ngắn ngày, dài ngày và chăn nuôi để tăng thu nhập. Già Buk còn dành thời gian tham gia giải quyết các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân; giúp đỡ, cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỡ và tích cực tuyên truyền để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không bị mắc mưu kẻ xấu, không vi phạm pháp luật. Đến nay, làng không có người nào vượt biên và người dân trong làng đã có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới như hiến gần 100 m2 đất vườn, tham gia 200 ngày công làm đường giao thông. Đồng thời, bà con cũng tập trung phát triển diện tích đất canh tác lên 321,5 ha, trong đó, lúa nước 2 vụ 54 ha, hồ tiêu 45 ha, bắp 80 ha, mì 20 ha… Tổng đàn gia súc, gia cầm của làng cũng tăng lên 1.465 con, trong đó, bò 410 con, heo  339 con, dê 360 con.

Nói về già Buk, ông Tăng Thanh Nhi-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Phang nhận xét: “Ông Rah Lan Buk là già làng tiêu biểu của xã Ia Phang. Nhờ có ông mà chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được truyền đạt đến người dân kịp thời, hiệu quả. Ông còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế và là người có công vận động bà con tích cực lao động, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

 Hồng Thương-Lê Trang

Có thể bạn quan tâm