Điểm đến Gia Lai

Cây mắc ca bén đất Hải Yang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm gần đây, giá cà phê, hồ tiêu, cao su xuống thấp đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều nông dân. Để cải thiện thu nhập, một số hộ ở xã Hải Yang (huyện Đak Đoa) đã chủ động trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê, hồ tiêu. Đến nay, nhiều vườn mắc ca đã cho thu hoạch với hiệu quả cao hơn so với cây trồng khác.

 

Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ giống, kỹ thuật cho xã Hải Yang để xây dựng mô hình trồng cây mắc ca xen trong vườn cà phê già cỗi. Sau một thời gian triển khai, thấy hiệu quả, nhiều hộ đã tự mua giống mắc ca về trồng. Ông Phạm Văn Vụ (thôn 3) cho biết: “Năm 2013, tôi mua 300 cây mắc ca về trồng xen vào 2 ha cà phê của gia đình. Năm 2016, cây mắc ca bắt đầu cho thu bói. Từ năm 2017 đến nay, sản lượng thu hoạch đều đặn tăng dần, cá biệt có những cây phát triển tốt cho thu hoạch 2 lần/năm”. Cũng theo ông Vụ, riêng trong năm 2019, gia đình ông thu được 1 tấn quả mắc ca, bán với giá bình quân 115 ngàn đồng/kg, lợi nhuận đạt hơn 100 triệu đồng. Đặc biệt, chất lượng hạt mắc ca ở đây được tư thương đánh giá cao hơn các vùng khác nên không lo đầu ra.

Vườn mắc ca trồng xen canh nhà ông Vụ. Ảnh: Nguyễn Diệp
Vườn mắc ca trồng xen canh nhà ông Vụ. Ảnh: Nguyễn Diệp



Theo tính toán của ông Vụ, năm nay, gia đình dự kiến thu được 1,5 tấn quả mắc ca. Với giá bán hiện tại là 110 ngàn đồng/kg thì gia đình ông sẽ bỏ túi trên 160 triệu đồng. So với cây cà phê hiện nay, trồng cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế cao trong khi chi phí đầu tư lại thấp hơn. Chỉ cần giá mắc ca đạt trên 80 ngàn đồng/kg là người trồng có thu nhập ổn định.

Tương tự, ông Ngô Mạnh Trường (thôn 1) cho biết: Năm 2012 và 2013, khi giá mủ cao su xuống thấp, gia đình ông phá 4 ha để chuyển sang trồng thuần cây mắc ca. Thời điểm vừa xuống giống thì lại nghe ngành chức năng khuyến cáo không nên phát triển diện tích mắc ca khiến gia đình không chuyên tâm đầu tư chăm sóc. Do vậy, năm 2016, khi mắc ca bắt đầu cho thu hoạch, năng suất đạt thấp. Vài năm trở lại đây, thấy giá mắc ca ổn định ở mức cao, tiêu thụ dễ dàng, gia đình ông tập trung đầu tư chăm sóc. Năm nay, nếu giá mắc ca vẫn giữ ở mức 110 ngàn đồng/kg thì gia đình ông thu được hơn 400 triệu đồng.

 Vườn mắc ca của gia đình ông Ngô Mạnh Trường đang được đầu tư theo hướng thâm canh. Ảnh: N.D
Vườn mắc ca của gia đình ông Ngô Mạnh Trường đang được đầu tư theo hướng thâm canh. Ảnh: N.D

Ông Đỗ Trung Tín-công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Hải Yang-cho hay: Toàn xã hiện có khoảng 20 ha mắc ca, chủ yếu xen canh trong vườn cà phê và hồ tiêu chết. Trong đó, 4 hộ trồng từ năm 2013 với diện tích 6 ha đã được thu hoạch với năng suất đạt trên 1 tấn/ha và bán với giá ổn định 110-120 ngàn đồng/kg. Diện tích còn lại trồng từ năm 2017 đến nay. Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn xã đã có cơ sở thu mua và chế biến ra sản phẩm tinh dầu mắc ca và các loại sản phẩm khác cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… Đây là tiền đề để xã xây dựng Nông hội trồng mắc ca trong thời gian tới”-ông Tín cho biết.

Trao đổi với P.V, ông Diệp Đại Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa-thông tin: “Trên cơ sở đề xuất của địa phương, từ nguồn vốn khoa học-công nghệ, trong năm nay, Trung tâm sẽ hỗ trợ cây giống mắc ca cho người dân để trồng xen khoảng 5 ha. Qua đó, xã Hải Yang sẽ hình thành vùng nguyên liệu ổn định, tạo đà để xây dựng mắc ca thành sản phẩm đặc trưng của địa phương”.

 NGUYỄN DIỆP

 

Có thể bạn quan tâm