Kinh tế

Nông nghiệp

Cây tiêu "ngắc ngoải", mạnh dạn bỏ, trồng cây ăn quả nhiều tiền hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong những năm gần đây, các vườn canh tác hồ tiêu của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục bị chết đồng loạt do nhiễm dịch bệnh. Từ sự hỗ trợ của Hội ND địa phương, nhiều hộ nông dân đã chủ động chuyển đổi sang những mô hình mới, trong đó có trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao...
Nông dân không nản chí
Tại huyện Chư Pưh, gia đình anh Trần Văn Thăng (ở thôn Lương Hà, xã Ia Blứ) cũng từng chịu thiệt hại nặng nề khi vườn hồ tiêu đang xanh tốt bỗng nhiễm dịch bệnh rồi chết hàng loạt.
Không nản chí, anh quyết định đầu tư trồng các loại nấm. Nhờ chịu khó tìm tòi về kỹ thuật trồng nấm trên mạng Internet và các lớp tập huấn do huyện tổ chức, anh còn tích cực đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các trang trại nấm đã thành công. Đến nay, trại nấm của gia đình anh đã mở rộng diện tích lên trên 700m2, trồng khoảng 110.000 bịch nấm các loại gồm: Nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm mèo, nấm rơm.
 
Ông Nguyễn Văn Duy xã Ia Tô, huyện Ia Grai (Gia Lai) đã có thu nhập cao nhờ chuyển sang trồng cây ăn quả, trong đó có chôm chôm. Ảnh: Trần Hiền

Lãnh đạo Hội Nông dân các cấp tỉnh Gia Lai cho biết, sẽ quan tâm, duy trì và tiếp tục nhân rộng những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, mang lại hiệu quả kinh tế cao để tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các hội viên, nông dân trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị tại các địa phương.

Không chỉ có lợi nhuận từ việc thu hoạch và bán nấm thương phẩm, anh còn nhân giống và sản xuất phôi nấm để bán cho các hộ dân trên địa bàn. Bình quân thu nhập của gia đình anh sau khi đã trừ hết chi phí còn trên 300 triệu đồng/năm. Mô hình còn giúp giải quyết việc làm cho 3- 5 lao động tại chỗ với thu nhập ổn định.
Sau những năm liên tiếp gặp thất bại trong việc canh tác độc canh cây hồ tiêu, anh Kiều Quang Vinh (ở thôn Hra, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) quyết định đầu tư toàn bộ số vốn của gia đình để mua 4ha đất trồng rau màu, cây ăn quả.
Trong đó, anh quy hoạch diện tích 3,4ha để trồng các loại cây ăn quả đang được thị trường ưa chuộng như: Xoài, mít Thái, bưởi năm roi, quýt đường, cam sành. Ngoài ra, anh trồng thêm một số loại rau màu ngắn ngày như: Bầu, bí, cải, ớt, dưa chuột… vừa giúp nhanh có nguồn thu, đồng thời còn chủ động về nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho cây ăn quả.
Sau một thời gian chăm sóc, nhận thấy rau màu có đầu ra ổn định, cây ăn quả phù hợp với các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương nên anh mua thêm 6ha đất để mở rộng diện tích canh tác. Hiện nay, trên tổng số 10ha đất, anh bố trí 1ha để trồng rau màu; 9ha còn lại tập trung cho các loại cây ăn quả.
Hiện mô hình tổng hợp của gia đình anh được duy trì với hơn 1.000 cây mít Thái, 500 cây xoài Đài Loan, 500 cây bưởi da xanh, hơn 500 cây quýt đường và cam sành cùng với vườn rau cho thu hoạch đều hàng trăm tấn/năm. Ước tính bình quân tổng lợi nhuận gia đình anh thu về đạt gần 500 triệu đồng/năm.
Áp dụng công nghệ tiên tiến
Với diện tích 5ha đất trồng cà phê, hồ tiêu, ông Nguyễn Văn Lập (ở làng Hrak, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) mạnh dạn đầu tư trồng xen canh 450 cây sầu riêng. Để giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, ông cũng đầu tư lắp đặt công nghệ tưới tiết kiệm cho từng loại cây trồng; mặt khác, tích cực tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật trồng, chăm sóc từng loại cây để áp dụng vào thực tiễn.
Ông Lập dự tính cứ trồng cả 3 loại cây cùng một lúc để nếu như có xảy ra trường hợp rủi ro đối với loại cây này thì vẫn có thể lấy thu hoạch của cây khác bù lại nhằm giảm tổn thất. Đến nay, các loại cây trồng đều phát triển tốt, tạo nguồn thu ổn định. Khoảng 3 năm trở lại đây, khi cây hồ tiêu và cà phê ngày càng mất giá thì cây sầu riêng đã mang lại lợi nhuận 3 tỷ đồng cho gia đình ông.
Cũng thành công với mô hình trồng xen canh cây sầu riêng trong vườn hồ tiêu, hộ gia đình ông Vũ Văn Lâm (ở thôn 2, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) hiện đã trở thành điểm tham quan, học tập của nhiều bà con nông dân trong vùng.
Mô hình được ông quy hoạch với 300 cây sầu riêng trồng xen canh trên diện tích 2ha hồ tiêu. Để đảm bảo đủ lượng nước tưới cho mô hình, ông Lâm đã tìm hiểu và đầu tư khoảng 100 triệu đồng để lắp đặt béc tưới nước tự động trong vườn. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật canh tác và chăm sóc các loại cây trồng, doanh thu từ mô hình tổng hợp của gia đình ông đạt 1,2 tỷ đồng/năm.
Trên địa bàn thị xã An Khê những năm gần đây cũng đang nở rộ các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp gia tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Xuân Phương (ở thôn Thượng An 3, xã Song An) nhờ mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển mô hình tổng hợp cho thấy tính hiệu quả khi mang lại lợi nhuận kinh tế ngày càng cao. Hiện vườn cây ăn quả tổng hợp quy hoạch trên diện tích 4,1ha gồm: 1ha trồng cây mắc ca, 200 cây mít, 200 cây chanh không hạt, 200 cây ổi, 200 cây mận tím và xen canh 500 cây chuối.
Bên cạnh đó, ông còn thả nuôi 500 con gà và 1.000 con vịt. Đáng chú ý, toàn bộ số gà, vịt đều được ông đầu tư nuôi để lấy trứng theo tiêu chuẩn VietGAP và được Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh kiểm định. Nhờ đó, toàn bộ số lượng trứng gà, vịt đều được thu mua và đưa vào bán trong các siêu thị ở TP.Pleiku và một số tỉnh lân cận như: Bình Định, Kon Tum, Đăk Lăk. Hiện tổng doanh thu từ mô hình đạt khoảng 500 triệu đồng/năm.
Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tăng cường sự phối hợp các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng trên địa bàn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân; phổ biến các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tranh thủ tối đa các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.
Mạnh Hải (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm