Ông Đặng Tất Thắng cho biết Bamboo Airways cất cánh được 3 năm thì gặp 2 năm Covid-19. Cao điểm, mỗi ngày Bamboo Airways thu về 2,5-3 triệu USD nhưng khi Covid-19 xảy ra, doanh thu trở về 0.
Lãnh đạo Bamboo Airways, Vietravel đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn cũng như tổn thất trong 2 năm phải đối mặt dịch bệnh Covid-19, tại Diễn đàn Kinh doanh, do Forbes Việt Nam tổ chức chiều 9/12.
Bamboo Airways mất 3 triệu USD mỗi ngày
Ông Đặng Tất Thắng - Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết hàng không và du lịch chính là hai mảng bị ảnh hưởng trực diện ngay lập tức khi Covid-19 xảy ra.
Ông Đặng Tất Thắng cho hay Bamboo Airways cất cánh được 3 năm thì hết 2 năm là Covid-19. Ông tiết lộ cao điểm, Bamboo Airways thu về 2,5-3 triệu USD mỗi ngày nhưng khi Covid-19 xảy ra, doanh thu giảm về 0, trong khi các chi phí khủng khiếp của ngành hàng không thì vẫn giữ nguyên.
Cao điểm, mỗi ngày Bamboo Airways thu về 2,5-3 triệu USD nhưng khi Covid-19 xảy ra, doanh thu trở về 0. Ảnh: Bamboo. |
Khi nguồn thu sụt giảm, công ty xác định nguồn lực về tài chính cũng như con người là yếu tố quan trọng nhất để trở lại sau dịch, nếu mất đi thì không thể phục hồi nhanh.
Bamboo Airways nhanh chóng siết chi phí, tìm mọi cách khai thác thêm khoản thu. Bộ phận thương mại của công ty phải tìm thêm nguồn thu mới khi không chở khách, đó là chuyển sang bay chuyên chở hàng hóa.
Ông Đặng Tất Thắng cho hay hiện Bamboo Airways vẫn duy trì các chuyến bay chở hàng cho Samsung Việt Nam sang Hàn Quốc cũng như ở chiều ngược lại, để tăng nguồn thu.
Về nhân sự, phi công, tiếp viên hàng không gần như ở nhà. Hãng linh động trả lương theo giờ bay nhưng cũng có những bộ phận như thương mại phải làm việc cật lực hơn nên sẽ được giữ nguyên lương. Tùy tình hình, hãng sẽ tự cân đối để đảm bảo nguồn lực vẫn sẵn sàng các lệnh nới lỏng và mở cửa được đưa ra.
Ông cũng nói, khi nhìn sang Mỹ và các nước châu Âu đầu năm 2020, Bamboo đã dự đoán một làn sóng dịch sẽ xảy ra nên đã nhanh chóng tạm dừng kế hoạch mở các đường quốc tế, thay vào đó tập trung thị trường nội địa.
"Hàng không sẽ như đồ thị hình chữ V sau khi đi xuống thì nhu cầu lại rất mạnh", ông Thắng đánh giá.
Do đó, doanh nghiệp đã chuẩn bị tất cả mọi thứ, như cuối năm nay là chính thức bay thẳng sang Mỹ và sắp tới là mở đường bay sang Đức.
Vietravel mất 1,5 tỷ đồng mỗi ngày
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, chia sẻ trước khi Covid-19 xảy ra, Vietravel có 1 triệu khách, hơn 100 chi nhánh, văn phòng trong nước và quốc tế.
Nhưng khi Covid-19 xảy ra thì tất cả trở về con số không, doanh thu từ mức 1,5 triệu USD mỗi ngày đều quay về vạch xuất phát.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết Vietravel đang ở giai đoạn khởi động ngành du lịch. Ảnh: BTC. |
Ông Kỳ gọi đó là thời kỳ chưa từng trải qua và chưa có kinh nghiệm. Ngay cả dịch SARS năm 2002 hay khủng hoảng kinh tế 2008 cũng không thể sánh sức ảnh hưởng của Covid-19.
Dù vậy, Chủ tịch Vietravel cho hay doanh nghiệp cũng phải tổ chức lại, chuyển sang trạng thái ngủ đông tích cực chứ không ngủ luôn, tập trung vào những điều cơ bản nhất của hệ thống, giải quyết vấn đề marketing hướng tới tương lai cũng như sẵn sàng trở lại. Hiện Vietravel đang trong giai đoạn tái khởi động.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, chỉ khi nào hoạt động giao thông vận tải, dịch vụ hỗ trợ thực sự hoạt động trở lại bình thường thì ngành du lịch mới mong sớm được phục hồi.
"Nếu không mở cửa, không mở giao thông vận tải để giao thương như hiện nay sẽ gây rất nhiều hệ luỵ, chi phí giá thành tăng, hồi phục chậm hơn các nước", ông Kỳ đánh giá.
Theo Hồng Phúc (Dân Việt)