Điểm đến Gia Lai

Chả cá thác lác Ayun Hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Gần chục năm nay, nhiều hộ dân ở thôn Thanh Thượng A (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai) đã gắn bó với nghề làm chả cá thác lác. Nguyên liệu dồi dào ở hồ thủy lợi Ayun Hạ, vị ngon ngọt mang lại khiến chả cá thác lác Ayun Hạ được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ rộng khắp, trở thành đặc sản của địa phương.
Thôn Thanh Thượng A nằm dưới chân đèo Chư Sê, là cửa ngõ đi vào lòng hồ Ayun Hạ. Nhận thấy nguồn cá thác lác dồi dào nên nhiều hộ dân đã chế biến thành chả cá. Bà Đinh Thị Kỳ-chủ cơ sở chả cá thác lác Cô Sáu là người đã gắn bó với nghề lâu nhất ở vùng này. Bà Kỳ cho biết: “Cá thác lác có thịt trắng, ngọt nhưng nhiều xương nên khó ăn. Thấy những người Bình Định lên làm nghề chài lưới ở hồ Ayun Hạ chế biến thành chả cá nên tôi học theo và gắn bó với nghề này được 8 năm, khách hàng sử dụng đều rất thích và khen ngon. Hồ Ayun Hạ có nhiều loại cá nhưng chỉ có cá thác lác làm chả là ngon nhất”.
 Bà Nguyễn Thị Cẩm Lệ (bìa phải) đã gắn bó với nghề làm chả cá thác lác được 5 năm. Ảnh: P.L
Bà Nguyễn Thị Cẩm Lệ (bìa phải) đã gắn bó với nghề làm chả cá thác lác được 5 năm. Ảnh: P.L
Theo bà Kỳ, muốn chả ngon thì cá phải tươi, thịt có màu trắng, cơ thịt săn chắc. Tuyệt đối không dùng cá ươn vì sẽ mất đi vị thơm ngon. Các công đoạn làm chả cá từ khâu sơ chế đến thành phẩm phải thật tỉ mỉ. Cá thác lác sau khi đánh bắt sẽ được rửa sạch, ướp lạnh khoảng 5 giờ đồng hồ để thịt cá dễ lóc.  Dùng dao lóc thịt cá theo chiều sống lưng để tách phần xương, sau đó, dùng thìa nạo lấy thịt, bỏ phần da. Gia vị để làm chả cá gồm ớt quả, hành tím, tỏi, tiêu, bột ngọt, muối. Trộn đều thịt cá và gia vị rồi cho vào cối giã bằng tay. Thường thì 500 g thịt cá một lần giã. Chả cá thác lác càng giã nhuyễn thì gia vị càng ngấm, càng dẻo và ngon. Khi giã xong thì cho vào túi ni lông rồi bảo quản lạnh, như vậy sẽ giữ được lâu hơn.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Lệ-chủ cơ sở chả cá thác lác Cẩm Lệ-cũng là người đã gắn bó với nghề làm chả cá được 5 năm. Theo bà Lệ, cá thác lác ở hồ Ayun Hạ nhiều nhất vào khoảng tháng 1 và tháng 2 Âm lịch. Sau một ngày đánh bắt, cá được chở ra tận nhà cho các chủ làm chả cá. Trung bình 1 kg cá tươi làm được khoảng 500 g chả cá. Hiện tại, giá bán tại cơ sở là 240.000 đồng/kg.
Chính vì sự cẩn thận, tỉ mỉ trong cách lựa chọn, chế biến và bảo quản nên chả cá thác lác Ayun Hạ được rất nhiều người biết đến. Trung bình mỗi ngày, bà Lệ bán được 30 kg chả cá, nhiều khi không đủ cung cấp cho khách hàng. Chả cá thác lác ở Ayun Hạ cũng được nhiều khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội biết đến và đặt hàng. Anh Bùi Văn Sơn-một khách hàng thường xuyên của đặc sản chả cá Cẩm Lệ-nhận xét: “Chả cá có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon như: chả cá thác lác chiên, canh khổ qua nhồi chả cá thác lác. Da cá thác lác sau khi đánh vảy, phơi khô làm gỏi ăn cũng rất hấp dẫn. Gia đình tôi thường mua chả cá để làm quà cho người thân ở quê”.
Trên địa bàn xã Ayun Hạ hiện có 5 cơ sở chuyên làm chả cá thác lác. Ông Trịnh Thuyết-Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ-cho biết: “Đặc sản chả cá thác lác ở Ayun Hạ được nhiều người biết đến. Chính vì thế, UBND xã đang chuẩn bị hồ sơ để xin cấp thương hiệu đặc sản chả cá thác lác Ayun Hạ. Để bổ sung nguồn nguyên liệu, việc thả cá ở hồ Ayun Hạ cũng được địa phương thực hiện thường xuyên. Cùng với các địa điểm du lịch thú vị cho du khách ở hồ thủy lợi Ayun Hạ, Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia Plei Ơi, đặc sản chả cá thác lác sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển”.
Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm