Phụ huynh chính là những người có thể giúp con xây dựng hệ miễn dịch tâm hồn thật vững chãi, biết nói không với cái xấu, tránh xa những điều dung tục, nhảm nhí...
Những ngày qua, dư luận sôi sục với những ồn ào từ clip thiếu lành mạnh của YouTuber Thơ Nguyễn. Hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan, "xin vía" cho trẻ em của YouTuber này vấp phải sự chỉ trích dữ dội, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc. Thế nhưng, kênh YouTube của Thơ Nguyễn chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn kênh YouTube có thể tác hại tiêu cực đến trẻ em. Vấn đề đặt ra là "lá chắn" nào có thể bảo vệ trẻ khỏi sự "nhiễm độc" trên xa lộ thông tin muôn hình vạn trạng?
Trẻ em là "mồi ngon" trên mạng xã hội
Nền tảng chuyên chia sẻ video YouTube hiện là mạng xã hội có số lượng người dùng hàng đầu trên thế giới. Nền tảng trị giá hơn 140 tỉ USD này đã ảnh hưởng sâu rộng đến người dùng khắp nơi khi hỗ trợ 80 ngôn ngữ và có mặt chính thức tại 91 quốc gia. Thống kê cho thấy dựa trên tổng thời lượng xem thì cả 5 thị trường lớn nhất thế giới của YouTube đều nằm ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Hơn một nửa dân số Việt Nam có đăng ký tài khoản YouTube.
Dù điều khoản của YouTube ghi rõ: Một người có thể bắt đầu dùng ứng dụng YouTube và các tính năng khác sau khi bước sang tuổi 13 (hoặc độ tuổi áp dụng ở quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu, mà ở Việt Nam quy định là 15), song không khó để nhận ra rất nhiều người dùng của YouTube hiện nay là các cô cậu bé tuổi mầm non, mẫu giáo.
Có hàng ngàn kênh YouTube dành cho trẻ em, trong đó không ít kênh có nội dung độc hại, nhảm nhí. (Ảnh chụp màn hình, chỉ có tính minh họa) |
Một cảnh tượng ngày càng phổ biến trong nhiều ngôi nhà Việt là các cô cậu bé ngồi dán mắt vào chiếc điện thoại thông minh hay smart TV, say sưa xem hết clip này đến clip khác. Có cha mẹ lý giải: Phải mở YouTube, con mới chịu ăn cơm hoặc ngồi yên, không chạy nhảy, nghịch phá... YouTube đặc biệt được ưa chuộng hơn cả bởi những hiệu ứng nghe nhìn và không đòi hỏi trẻ phải biết đọc chữ như đa số mạng xã hội khác.
Các kênh YouTube nhắm đến đối tượng trẻ em thật sự là cỗ máy kiếm tiền siêu lợi nhuận. Đơn cử, Thơ Nguyễn lập kênh từ năm 2016, nay đã cán mốc 5 triệu lượt đăng ký, có thể cạnh tranh với cả những kênh có bề dày hoạt động như Phố Vừng, ChuChu TV hay cả Disney. Trong tốp 10 kênh YouTube Việt Nam được xem nhiều nhất, có 5 kênh dành cho trẻ em - theo thống kê của SocialBlade. Những kênh như Thơ Nguyễn, Babybus, Bibi TV… có trên 3 tỉ lượt xem.
Thế giới ảo, tác động thật
Dù YouTube có chính sách hạn chế các nội dung bạo lực, gợi dục, gây sốc, phân biệt chủng tộc… nhưng với tốc độ đăng tải khủng khiếp là 720.000 giờ video mỗi ngày, rất khó bảo đảm tính lành mạnh tuyệt đối cho mọi sản phẩm. Đó là chưa kể những yếu tố phản cảm, nhảm nhí thường được núp bóng trong các đề tài vui nhộn, hài hước, rất dễ cuốn hút trẻ em. Ngay cả khi cha mẹ lựa chọn các kênh mà mình tin là có nội dung tử tế song chỉ vài phút quay lưng, chế độ chạy tự động của YouTube hoàn toàn có thể đề xuất những video phản cảm. Đáng nói hơn nữa, nền tảng này còn cho phép xem mà không cần đăng ký tài khoản với các video thông thường.
Nhiều video chứa nội dung độc hại trên mạng ảo đã gây ra hậu quả đau lòng thật sự. Điển hình như một bé gái ở TP HCM tử vong vì làm theo hướng dẫn trò thắt cổ trên YouTube vào tháng 10-2020. Tại TP Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức từng tiếp nhận một thiếu niên bị đa chấn thương do tự chế thuốc nổ theo clip hướng dẫn trên YouTube. Nhiều bạn nhỏ được cha mẹ đưa đến các trung tâm tham vấn sau thời gian dài đắm chìm trong mạng xã hội với nhiều rối loạn tâm thần nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ...
Bảo vệ và giúp con biết tự vệ
Để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Bà Phạm Thị Thúy đưa ra một số lưu ý: Thứ nhất, phụ huynh hãy để các thiết bị công nghệ ở nơi dễ quan sát, tránh cho trẻ sử dụng riêng mà không có sự giám sát của người lớn nếu không thật sự cần thiết. Cha mẹ cần kiểm soát thời gian xem, nội dung xem và số lần xem của trẻ.
Thứ hai, có sự cân nhắc và thận trọng khi giao thiết bị công nghệ cho trẻ, hướng dẫn rõ ràng, định hướng vào các nội dung an toàn, quy định cụ thể thời gian xem, những nội dung được phép và không được phép xem.
Thứ ba, cài đặt những công cụ tin học như các phần mềm hay ứng dụng Family Link để nắm bắt được những gì trẻ đang quan tâm theo dõi. Đặc biệt, phụ huynh phải làm gương cho con. Bởi lẽ, hình ảnh người lớn mải miết cầm điện thoại lướt mạng xã hội, smart TV và xem những nội dung vô bổ, hời hợt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng và thói quen dùng mạng xã hội của con.
YouTube không phải dành cho trẻ em nên không thể phó thác hoàn toàn việc trông con, học tập, vui chơi, giải trí của con cho nền tảng này. Thay vì giao cho con điện thoại hay máy tính bảng để rảnh tay làm việc, cha mẹ hãy hướng trẻ đến các môi trường giáo dục lành mạnh, bổ ích, rèn luyện thể chất, thẩm mỹ, năng khiếu. Bởi lẽ, thời thơ ấu của con sẽ trôi qua rất nhanh, xin đừng để ký ức ngày bé của con chỉ là những đoạn clip vô bổ và nỗi đơn độc đối diện chiếc màn hình sáng đèn. Chính phụ huynh là người có thể giúp con xây dựng hệ miễn dịch tâm hồn thật vững chãi, biết nói không với cái xấu, tránh xa những điều dung tục, nhảm nhí để được sống đúng với lứa tuổi hồn nhiên. Đó là trách nhiệm, mục tiêu và cũng là thiên chức trong "nghề" làm cha mẹ - lá chắn tối quan trọng của đời con trẻ.
Đừng quên dành thời gian cho con Trong cuốn sách "Nghề" làm cha mẹ", tác giả khẳng định: "Đây là "công việc dài nhất của một đời người, một công việc mà bạn không thể xin nghỉ việc, không thể mua bảo hiểm, không thể từ chối, càng không thể bị sa thải. Chúng gắn chặt vào bạn, nhiều khó khăn, đầy thử thách, nhiều vinh dự, đầy hạnh phúc". Các phụ huynh cần không ngừng trang bị kiến thức và kỹ năng cho việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Tình yêu thương và hiểu biết của cha mẹ sẽ là tiền đề cho sự phát triển khỏe mạnh, hạnh phúc của con. Dù cuộc sống bộn bề đến đâu, cũng đừng quên dành thời gian tìm hiểu sở thích, thói quen, những thứ con thường tiếp xúc để có sự định hướng, hỗ trợ kịp thời. |
Cái xấu dễ bắt chước, khó sửa Mấy ngày qua, dư luận và mạng xã hội bàn tán nhiều xung quanh clip "Xin vía búp bê để học giỏi" của YouTuber Thơ Nguyễn. Tôi cho rằng điều đáng mừng là sau 2 clip có ảnh hưởng đến các cháu thiếu nhi, Thơ Nguyễn đã đăng một clip có chiều hướng tích cực với kết luận không thể dựa vào Kumanthong mà bản thân phải nỗ lực mới học giỏi. Tôi nghĩ tác giả đã nhận ra cái sai của mình và có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa clip thứ hai và thứ ba có khoảng thời gian nhất định, nên việc gieo vào trí não của hàng triệu trẻ em, vốn yêu mến Thơ Nguyễn, theo chiều hướng tiêu cực là có thật. Vậy nên, phụ huynh cần dành thời gian cho con, không nên để các cháu chơi điện thoại thông minh, iPad, laptop vì độ tuổi các cháu chưa cần thiết phải nghiên cứu nhiều. Trao cho con các thiết bị này vô tình sẽ "giết chết" tương lai của con vì bắt chước điều xấu rất dễ nhưng sửa đổi thói xấu có khi mất cả một đời người. Nói về Kumanthong, vấn đề này xuất phát từ niềm tin mê tín trong dân gian Thái Lan chứ không phải là Phật giáo. Có thể khẳng định tin vào Kumanthong mang lại bình an, hạnh phúc là mê tín dị đoan. Khi người ta mô phỏng những thứ không đúng sự thật vào trong sản phẩm thì mục đích chính là để mua bán. Những người tham gia công nghệ mê tín dị đoan này sẽ hưởng lợi ích về kinh tế. Vì vậy, bên cạnh nghiêm cấm nội dung mê tín dị đoan, Luật An ninh mạng, Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo cần bổ sung những điều khoản chế tài về truyền bá mê tín trên không gian mạng để góp phần làm ổn định trật tự an ninh trên mạng; nếu không sẽ có nhiều người biến chất tạo ra thông tin ảo, sai lệch gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với các YouTuber, những nội dung về mê tín sẽ kích thích lượng view nhiều nên đã có người bất chấp để kiếm tiền. Thế nhưng, đồng tiền hưởng được từ nội dung sai lệch có xứng đáng hay không? Có thể qua mặt luật pháp nhưng không ai có thể qua được luật nhân quả. Những gì chúng ta làm hôm nay chưa trổ quả thì đến một lúc nào đó sẽ nhận được hậu quả tương xứng. Vì vậy, cần suy ngẫm trước khi hành động. Thượng tọa Thích Nhật Từ (Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, trụ trì chùa Giác Ngộ) |
Theo Hồ Xuân Huy (NLĐO