Xã hội

Từ thiện

Cha mẹ nghèo nuôi 2 con bị tan máu bẩm sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ròng rã hơn chục năm trời, mỗi tháng, vợ chồng anh Nguyễn Hoài Phong và chị Nguyễn Thị Yến (thôn 3, thị trấn Đak Đoa) đều phải đưa 2 con gái đi truyền máu bởi căn bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh). Đây là căn bệnh mà việc điều trị phải kéo dài suốt cả cuộc đời.
Năm 2005, gia đình anh Phong vui mừng đón con gái đầu lòng Nguyễn Hoàng Nhật Uyên trong niềm hạnh phúc vô bờ. Thế nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, 15 ngày sau, bé Uyên liên tục quấy khóc, da ban đầu đỏ hồng sau chuyển sang trắng bệch. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, anh chị đưa con đi khám ở Trung tâm Y tế huyện nhưng không phát hiện ra bệnh. 1 tháng sau, thấy tình hình không khá hơn, anh chị đưa con lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám thì mới biết con bị thiếu máu trầm trọng do mắc bệnh Thalassemia. Gạt đi nước mắt, đều đặn mỗi tháng anh chị kiên trì đưa bé Uyên đến bệnh viện truyền máu.
 Niềm mong mỏi của anh Phong và chị Yến là 2 đứa con gái luôn được khỏe mạnh. Ảnh: P.V
Niềm mong mỏi của anh Phong và chị Yến là 2 đứa con gái luôn được khỏe mạnh. Ảnh: P.V
Chị Yến tâm sự: “Sau các lần đi truyền máu, chúng tôi gặp nhiều gia đình cùng cảnh ngộ. Họ đều sinh thêm con với hy vọng biết đâu đứa này khỏe mạnh có thể giúp đứa kia ghép tế bào gốc tạo máu để khỏi bệnh”. Hy vọng mong manh ấy là lý do bé Nguyễn Hoàng Thảo Quyên ra đời. Nhưng thật không may, Quyên lại cũng mắc bệnh như chị và phải truyền máu thường xuyên. Giờ đây, lá lách của cả 2 chị em đều đã bị cắt bỏ do bị phình to sau biến chứng của bệnh. Dù đã 14 tuổi nhưng Uyên chỉ nặng 24 kg, còn Quyên vỏn vẹn 17 kg dù năm nay bước vào lớp 2. Men gan của bé Quyên còn đang tăng cao gấp nhiều lần so với bình thường. Khuôn mặt của 2 chị em lúc nào trông cũng xanh xao, nhợt nhạt vì thiếu máu. Không chỉ thấp còi, cả 2 còn phải đối mặt với nhiều biến chứng khác của bệnh như: biến dạng xương mặt, giòn xương, chậm phát triển, suy thận, suy gan, xơ gan, chậm dậy thì, suy giảm tuổi thọ…
Khó khăn càng chồng chất khi gia đình anh Phong bị 1 người quen lừa hết tiền bạc. Vốn liếng dành dụm sau nhiều năm làm công nhân cạo mủ cao su, làm rẫy cùng ngôi nhà xây biến mất trong tích tắc. Trắng tay, anh chị đành đưa Uyên và Quyên đi thuê trọ. Tiền công cạo mủ giờ đây không đủ để chi trả chi phí sinh hoạt gia đình và điều trị cho con. Hiện tại, hai anh chị đều nghỉ việc để vừa đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống, vừa có thời gian chăm sóc con. “Cứ ai thuê gì thì làm nấy. Nếu cả 2 vợ chồng đều đi làm thì 2 đứa nhỏ gửi tạm cho ông bà nội ngoại. Giờ phải chấp nhận chuyện các con sống chung với bệnh chứ đâu còn cách nào khác”-anh Phong ngậm ngùi.
Cùng với truyền máu, bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh phải được thải sắt định kỳ nhằm kéo dài sự sống, cứ truyền máu 10 lần thì thải sắt 1 lần. Thế nhưng, cả Uyên và Quyên đều chưa một lần được đi thải sắt. Chị Yến tâm sự: “Quy trình thải sắt nghe đâu cũng mất 1 tuần và phải vào các bệnh viện lớn tại TP. Hồ Chí Minh. Dù chi phí thải sắt được bảo hiểm thanh toán nhưng phí đi lại và thuốc thang điều trị cũng tốn hơn 10 triệu đồng nên vợ chồng tôi lần lữa mãi. Chúng tôi dự định năm nay nếu dành dụm đủ sẽ đưa các con đi thải sắt”.
Ông Lương Nam Xuất Thế-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa-bày tỏ: “2 cháu nhỏ của gia đình anh Phong, chị Yến bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh rất đáng thương. Gia đình anh chị thuộc diện hộ nghèo nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Hy vọng các Mạnh Thường Quân quan tâm giúp đỡ để gia đình họ vơi bớt nỗi vất vả”.
Điều cần nhất lúc này của gia đình anh Phong là chi phí để thải sắt định kỳ cho con nhằm giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe. Rất mong sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Mọi sự hỗ trợ xin liên hệ anh Nguyễn Hoài Phong, số ĐT: 0337686506 hoặc Báo Gia Lai-số 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku, Gia Lai (gặp chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu; số ĐT: 0943065095).
 PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm