Xã hội

Từ thiện

Khi người nhà bỏ mặc bệnh nhân...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, tại Bệnh viện Tâm thần kinh Gia Lai, nhiều trường hợp người nhà sau khi làm thủ tục nhập viện cho bệnh nhân đã lặng lẽ “biến mất”. Có trường hợp làm giấy cam kết với bệnh viện nhưng khi có việc cần liên hệ thì số điện thoại lại… ngoài vùng phủ sóng. Điều này đã gây không ít khó khăn cho bệnh viện trong việc chăm sóc, quản lý bệnh nhân.
Theo bác sĩ Võ Đình Hiệp-Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh, vấn đề này đã tồn tại lâu nay. Ngày trước, khi chưa có cơm từ thiện thì ít hơn, nhưng thời gian gần đây khi có cơm từ thiện phát hàng ngày tại bệnh viện thì số bệnh nhân bị người nhà bỏ mặc ngày càng tăng. 
Khoa Điều trị nam (Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh) hiện có 20 bệnh nhân điều trị nội trú nhưng có đến 12 bệnh nhân không có người nhà chăm sóc. Trong số này chỉ có 2 bệnh nhân người nhà viết cam kết gửi lại bệnh viện, còn lại thì... lẳng lặng ra về. Số bệnh nhân này đa số bị bệnh tâm thần phân liệt, nghiện rượu, nghiện ma túy. “Các bệnh nhân này đều có bảo hiểm y tế, ăn uống thì có cơm từ thiện phát hàng ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân không tự chăm sóc bản thân mà rất cần người nhà ở bên hỗ trợ. Khi không có họ, các bác sĩ, điều dưỡng phải làm luôn việc này nên rất vất vả. Chưa kể chuyện bệnh nhân kích động, quấy rối rồi đánh nhau thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Có trường hợp người nhà cam kết, cho số điện thoại liên lạc nhưng lúc có chuyện cần liên lạc thì điện thoại ngoài vùng phủ sóng”-bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh-Trưởng khoa Điều trị nam-cho hay.
  Bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh thăm hỏi, động viên bệnh nhân an tâm điều trị. Ảnh: N.N
Bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh thăm hỏi, động viên bệnh nhân an tâm điều trị. Ảnh: N.N
Bị tâm thần phân liệt và điều trị tại bệnh viện đã gần 8 tháng nay nhưng anh Trịnh Văn Hải (thôn 1, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) thường xuyên trong tình cảnh không có người nhà chăm sóc. Trước đó, anh Hải có thời gian chữa trị tại một bệnh viện ở Bình Dương và đã từng tưới xăng tự đốt gây phỏng nặng. Sau thời gian điều trị tại Bình Dương, gia đình chuyển bệnh nhân về Gia Lai. Hiện nay, bệnh tình của anh Hải đã ổn định, có thể tự chăm sóc bản thân. Hỏi về việc người nhà có thường xuyên lên thăm hay không, anh buồn bã chia sẻ: “Tôi nằm ở đây gần 8 tháng nhưng người nhà chỉ lên thăm đúng 1 lần. Bây giờ thấy khỏe hơn rồi nhưng không biết bao giờ mới được đón về”.
Điều trị tại bệnh viện hơn 1 năm nay, anh Đinh Troi (xã Ayun, huyện Chư Sê) rất nhớ gia đình. Bệnh tâm thần phân liệt của anh đã có chuyển biến tốt so với trước kia. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, người nhà bỏ mặc bệnh nhân cho bệnh viện chăm sóc. Nhắc đến người thân, anh Đinh Troi thở dài: “Nằm ở đây buồn lắm, mình nhớ nhà mà chẳng thấy ai lên thăm”.
Công việc tại Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh vốn đã nặng nhọc, nay lại thêm nhiều bệnh nhân không có người nhà chăm sóc khiến các y-bác sĩ càng thêm vất vả. Anh Trần Văn Nghi-Điều dưỡng trưởng Khoa Điều trị nam-chia sẻ: “Chúng tôi cũng chỉ điều trị, chăm sóc sức khỏe, chứ về mặt tinh thần thì không thể làm thay người nhà bệnh nhân được”.
Theo bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh, việc người nhà bỏ mặc bệnh nhân khiến họ bị tổn thương nặng thêm về tâm lý. Nhiều trường hợp bệnh nhân ổn định, có thể xuất viện nhưng người thân không chịu đến đón, Bệnh viện lại phải hỗ trợ xe đưa về. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân về mà không được gia đình quan tâm, chăm sóc, cho uống thuốc theo chỉ định thì bệnh sẽ tái phát, Bệnh viện lại tiếp tục gánh lấy trách nhiệm. “Chúng tôi mong người nhà phối hợp với bệnh viện để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác chữa trị. Nhưng rất tiếc là nhiều gia đình lại thiếu quan tâm, bỏ mặc bệnh nhân. Tình trạng này nếu không sớm khắc phục sẽ dẫn đến nhiều diễn biến phức tạp về sau”-bác sĩ Thanh khuyến cáo.
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm