Kinh tế

Nông nghiệp

Chăm sóc cà phê sau thu hoạch quyết định năng suất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngay sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đã tập trung tưới nước đợt 1, kết hợp cắt tỉa cành và bón phân cho cây cà phê. Tất cả đều ước vọng một năm mới thuận lợi đem đến một vụ mùa bội thu.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 94.900 ha cà phê, trong đó có 80.763 ha đang trong chu kỳ kinh doanh và hơn 14.100 ha kiến thiết cơ bản. Bước vào mùa khô, nông dân phải tưới nước, bón phân để cây đủ dưỡng chất ra hoa, nuôi quả. Ông Trương Quốc Canh (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2 ha cà phê kinh doanh. Sau Tết, tôi tranh thủ tưới nước cho vườn cây khi mầm hoa đã phân hóa. Việc tưới nước kịp thời sẽ quyết định đến năng suất niên vụ tới”.
 Ông Trương Quốc Canh (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) tưới cho cây cà phê bằng béc phun mưa để tiết kiệm nước. Ảnh: L.N
Ông Trương Quốc Canh (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) tưới cho cây cà phê bằng béc phun mưa để tiết kiệm nước. Ảnh: L.N
Tương tự, anh Nguyễn Hữu Nghị (thôn Hợp Nhất, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) cũng đang tất bật tưới nước đợt 1 cho vườn cà phê 2 ha của gia đình. Anh Nghị cho hay: Năm nay, nước tại các hồ xuống thấp hơn so với mọi năm nên anh tranh thủ tưới trước Tết được gần 1 ha, còn hơn 1 ha bắt đầu tưới từ mùng 4 Tết đến nay. Việc tưới nước đợt 1 cho cây cà phê hết sức quan trọng, nếu không tưới kịp thời thì những mầm hoa có thể bị khô, năng suất sẽ giảm. “Đối với cây cà phê, mỗi vụ phải tưới 3-4 đợt. Trước đây, tôi thường tưới trực tiếp vào gốc nhưng giờ nguồn nước ngày càng ít nên tôi chuyển qua tưới bằng béc phun mưa để tiết kiệm nước”-anh Nghị chia sẻ.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, đầu năm 2020, nhiệt độ trên phạm vi cả nước có khả năng cao hơn so với  trung bình nhiều năm 0,5-1 độ C. Riêng tại khu vực Tây Nguyên, lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 3 phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 15-30%, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 25-40%. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước, thậm chí hạn hán trong vụ Đông Xuân 2019-2020 có thể xảy ra.
Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, cơ quan chuyên môn của huyện đã kiểm tra, đánh giá nguồn nước hiện có ở sông suối và các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn; xây dựng kế hoạch phòng-chống hạn hán để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, tổ chức nạo vét kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng; tận dụng mọi nguồn nước và có kế hoạch vận hành, điều tiết, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra việc tranh chấp nước tưới giữa cây ngắn ngày và dài ngày trong nhân dân trên địa bàn. “Đến nay, người trồng cà phê trên địa bàn đã tưới nước đợt 1 được hơn 50% diện tích. Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn người dân chăm sóc cà phê. Qua kiểm tra cho thấy, lượng nước năm nay tại các ao, hồ, đập và suối thấp hơn so với cùng kỳ năm trước”-ông Hưng cho biết thêm.
Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân trồng cà phê thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững theo tiêu chuẩn chất lượng 4C, UTZ, VietGAP, tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: Đak Đoa có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh. Cơ quan chuyên môn cũng đang triển khai tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc cho cây cà phê sau thu hoạch. “Với đặc điểm của cây cà phê, sau mỗi vụ thu hoạch phải cắt tỉa cành, tưới nước và bón phân đúng thời điểm để cây đạt năng suất cao. Do đó, người dân cần tăng lượng phân bón giúp cây đủ sức nuôi cành và quả. Để đảm bảo nguồn nước tưới trong điều kiện biến đổi khí hậu, người dân cần áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tưới nước hợp lý nhằm tránh thiếu nước cuối vụ”-ông Nguyễn Kim Anh chia sẻ.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm