Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Chàng 'Tarzan Tây nguyên' thành thạo hơn 10 loại nhạc cụ nặng lòng với văn hóa dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rcombus (21 tuổi) học nhạc cụ dân tộc từ năm lên 10. Anh gắn bó với đoàn văn nghệ tỉnh Gia Lai, dạy hát cho trẻ em trong làng, nặng lòng với việc gìn giữ văn hóa.

Rcombus lúc thì mang khố thổ cẩm đu dây trong rừng, lội suối bắt cá. Khi khác lại thấy anh cầm trống H'gor biểu diễn quanh đống lửa bập bùng ở quảng trường ngay trung tâm thành phố. Sở hữu mái tóc dài, da ngăm đen rắn rỏi, chàng trai người dân tộc Gia Rai được bạn bè, người dân địa phương đặt biệt danh "Tarzan Tây nguyên".

Với mái tóc dài, làn da rám nắng, chàng trai người Gia Rai có biệt danh "Tarzan Tây nguyên". Ảnh: NVCC

Với mái tóc dài, làn da rám nắng, chàng trai người Gia Rai có biệt danh "Tarzan Tây nguyên". Ảnh: NVCC

Yêu văn hóa dân tộc

Chàng trai Rcombus (21 tuổi ở TP.Pleiku, Gia Lai) có tên thường gọi là Bus. Anh là con út trong gia đình có 4 anh em. Gia đình không có ai theo nghệ thuật.

Bus có được cái duyên gắn bó với đoàn văn nghệ tỉnh 10 năm trước. Khi đó, trong lần tham gia diễn văn nghệ ở nhà thờ, Bus được một người thầy để ý vì biểu diễn rất có thần thái. Thầy ngỏ lời sẽ dạy cho Bus chơi những loại nhạc cụ dân tộc, cậu bé lúc đó chưa biết mình sẽ học gì, nhưng hào hứng nhận lời ngay.

Kể từ đó, Bus theo thầy học nhạc. Bus cũng được thầy cho tham gia vào đội văn nghệ, đi biểu diễn, tham dự những buổi giao lưu văn hóa nghệ thuật dân tộc trong và ngoài tỉnh.

10 năm rèn luyện với thầy và học hỏi thêm từ đàn anh, Bus chơi thành thạo hơn 10 loại nhạc cụ. Trong đó có những nhạc cụ dân tộc đặc trưng như đàn T'rưng, trống H'gor, cồng chiêng Tây nguyên…

Bus thường mặc trang phục truyền thống, vào rừng để biểu diễn một số nhạc cụ dân tộc, quay clip chia sẻ lên mạng xã hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bus thường mặc trang phục truyền thống, vào rừng để biểu diễn một số nhạc cụ dân tộc, quay clip chia sẻ lên mạng xã hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chàng trai trẻ cũng chơi được guitar, trống cajon nhưng vẫn thích những nhạc cụ dân tộc nhất. "Nhờ đi theo thầy, tình yêu nghệ thuật và những bản sắc văn hóa dân tộc ngấm vào máu mình lúc nào không hay", Bus chia sẻ.

Đăng tải nhiều clip chơi đàn T'rưng, hay thổi chiếc tù làm bằng sừng trâu bên ngọn thác… anh nhận được nhiều lời động viên từ dân mạng.

Tối thứ 7 hằng tuần, Rcombus cùng nhóm thanh thiếu niên trong làng tập trung ở quảng trường Đại Đoàn Kết (TP.Pleiku, Gia Lai) biểu diễn cồng chiêng. Đây là chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức, nhằm quảng bá, lưu giữ nét văn hóa vùng đất Tây nguyên.

Chàng trai với mái tóc dài quá lưng, diện dân tộc truyền thống là áo và khố thổ cẩm đánh trống H'gor đi vòng quanh đống lửa bập bùng thu hút ánh nhìn của người dân và du khách.

Bus chơi trống H'gor ở quảng trường Đại Đoàn Kết, TP.Pleiku. Ảnh: Thảo Quyên

Bus chơi trống H'gor ở quảng trường Đại Đoàn Kết, TP.Pleiku. Ảnh: Thảo Quyên

Giữa tháng 7 vừa qua, đoàn biểu diễn của Bus cũng đại diện tỉnh Gia Lai biểu diễn tiết mục cồng chiêng tại Tuy Hòa, Phú Yên trong chương trình Quảng bá kết nối du lịch các thành phố Tây nguyên - Tuy Hòa năm 2023.

Chàng "Tarzan Tây nguyên" cùng những thành viên trẻ trong đoàn say sưa ca hát những bài dân ca truyền thống của dân tộc Gia Rai.

Không chỉ chơi giỏi nhạc cụ dân tộc, Bus còn sở hữu một giọng hát nội lực, mang hơi thở của người con núi rừng. Nhờ mạng xã hội, hình ảnh về một chàng trai người Tây nguyên hoang dã được lan tỏa. Bus cảm thấy vui vì những nét bản sắc văn hóa dân tộc mình được nhiều người biết đến và tiếp cận một cách dễ dàng hơn.

Trách nhiệm của người trẻ

Trong khi nhiều người lo sợ cuộc sống hiện đại sẽ làm phai nhạt dần những nét văn hóa độc đáo xa xưa thì Bus không nghĩ vậy. Trong khả năng của mình, chàng trai 10X hằng ngày vẫn đang tích cực tham gia nhiều hoạt động gìn giữ văn hóa nghệ thuật ở địa phương. Những ngày này, Bus cũng đang bận rộn tập luyện để mang cồng chiêng Tây nguyên, âm thanh của nhiều loại nhạc cụ dân tộc sang Hàn Quốc tham gia một festival âm nhạc thế giới sắp diễn ra.

Được học nhạc cụ dân tộc từ nhỏ, tham gia nhiều hoạt động gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, Bus cảm thấy đó là một điều may mắn nhất trong đời mình. Những năm gần đây, ngoài đi biểu diễn, Bus xem việc dạy lại những đứa trẻ trong làng các tiết mục văn nghệ, chơi nhạc cụ là trách nhiệm của bản thân.

Nhìn những đứa trẻ nhỏ xíu khoác lên bộ trang phục truyền thống, hát những bài dân ca của người Gia Rai, Bus cảm thấy tự hào, phấn khởi vì được truyền lại hết tất cả những gì đã được học cho các em nhỏ. Đặc biệt, với Bus, đó như là một cách trả ơn với người thầy đã dạy dỗ mình từ bé.

Thầy của anh, ông Siuthum cũng đồng tình với suy nghĩ của cậu học trò. Ông chia sẻ, việc gieo mầm tình yêu âm nhạc, nhạc cụ dân tộc cho các em từ nhỏ mà giờ đây, nhóm của thầy đã có hơn 20 thành viên là những bạn trẻ như Bus. Hằng năm, các em thường đại diện tỉnh Gia Lai tham gia nhiều cuộc thi, buổi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.

"Hôm 5.8, Đoàn Nghệ thuật quần chúng Gia Lai có Bus là thành viên chính đã mang về 2 HVC và 2 HCB tại hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền năm 2023 ở Nghệ An", ông Siuthum chia sẻ.

Tình yêu văn hóa, yêu những nét riêng của dân tộc phải được "gieo hạt" từ sớm. Những đứa trẻ được tham gia những buổi sinh hoạt cộng đồng, những người cha mẹ kể lại cho con mình nghe về ông cha để lưu giữ nét đẹp truyền thống.

"Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc không quá khó khăn và xa vời khi tình yêu đã ngấm vào tâm hồn của những đứa trẻ và theo các em lớn lên", Bus chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm