Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Chàng trai 8x và quy trình sản xuất giấy độc đáo từ đài sen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quá trình biến đài sen thành những tờ giấy phẳng phiu thật lắm công phu và gặp không ít thất bại, là người đầu tiên làm giấy sen ở Việt Nam, anh Dũng phải mày mò từng chút một.
Các sản phẩm từ sen được trưng bày tại Công ty Cổ phần sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại dịch vụ Hali (Ninh Bình). (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)
Các sản phẩm từ sen được trưng bày tại Công ty Cổ phần sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại dịch vụ Hali (Ninh Bình). (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều dự án trồng sen giống mới kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.

Anh Kiều Cao Dũng ở Thạch Thất, Hà Nội từng có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Khách sạn ở vị trí quản lý.

Tuy nhiên, năm 2016, một dịp vô tình biết đến nghệ thuật làm hoa khô bất tử, anh đã quyết định từ bỏ công việc ổn định ở khách sạn để rẽ sang một hướng đi mới.

Trước đó, các sản phẩm đặc sản về sen và đặc biệt là những sản phẩm du lịch như nón, hoa, trà được làm từ lá sen, hoa sen, đài sen đã trở thành sản phẩm độc đáo tạo ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước.

Năm 2018, anh Dũng thấy người dân sau khi thu hoạch hạt sen đều bỏ phí phần đài. Một số nông dân đã tận dụng đài sen làm phân bón.

Từ đây, anh nảy ra ý tưởng làm một thứ gì đó mới mẻ để "viết tiếp phần đời cho sen." Khi tìm hiểu thành phần, anh quyết định thử nghiệm làm giấy từ đài sen.

Quá trình biến đài sen thành những tờ giấy phẳng phiu thật lắm công phu và gặp không ít thất bại. Là người đầu tiên làm giấy sen ở Việt Nam, anh Dũng phải mày mò từng chút một.

Anh Kiều Cao Dũng chia sẻ Ninh Bình là địa phương có các vùng chuyên canh sen khá lớn với đa dạng, phong phú các loài sen, cùng hoạt động du lịch rất phát triển.

Nhận thấy, những đài sen này chỉ được người nông dân lấy hạt sen rồi bỏ đi hoặc đốt làm phân tro bón lại đầm sen rất phí, anh suy nghĩ tại sao mình không tận dụng hết toàn bộ cây sen. Lá sen vẫn có giá trị sử dụng rất lớn nhưng đài sen thì không.

Làm hoa sen bằng giấy từ đài sen. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)
Làm hoa sen bằng giấy từ đài sen. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Vì vậy, anh nghĩ đến mang lại cho chúng một hình hài khác với giá trị sử dụng cao hơn đó là làm giấy. Hơn nữa, hoa sen có vai trò và vị trí đặc biệt cả về tâm linh cũng như văn hóa của người Việt, do vậy qua các sản phẩm từ sen, anh mong muốn lan tỏa những câu chuyện về văn hóa, con người, đất nước Việt Nam tới với du khách, bạn bè khắp thế giới.

Chia sẻ về quy trình làm giấy sen, anh Dũng cho biết, đài sen có hàm lượng xenlulozơ (cellulose) chỉ khoảng 40%. Vậy nên, thử thách đầu tiên là làm thế nào để những sợi xơ sen có thể kết dính với nhau.

Sau nhiều năm tìm hiểu, mày mò, nghe đến địa phương nào có nghề làm giấy, anh Dũng đã tìm đến để học tập nhưng vẫn không thành công.

Tình cờ tháng 3/2022, khi đến chơi nhà một người bạn làm hương truyền thống ở Hưng Yên, anh biết đến bột cây bời lời. Loại bột này được người dân sử dụng để tạo sự kết dính các nguyên liệu khi làm hương.

Anh Dũng như tìm được lối ra trong lộ trình mơ hồ, rối rắm với những sợi xơ sen bằng cách sử dụng bột cây bời lời có độ nhớt cao và đã thành công.

Đài sen sau khi lấy về sẽ được sơ chế, tách bỏ hết sạch hạt rồi đem phơi khô. Đài sen khô sẽ được luộc từ 8 đến 10 tiếng. Quá trình luộc nhừ này không diễn ra liên tục mà ngắt thành từng giai đoạn (luộc 4 tiếng rồi để nguội sau đó lại luộc tiếp 2-3 lần nữa, mỗi lần 2 tiếng).

Từ phần đài sen luộc kỹ, anh Dũng sẽ xé thành từng mảnh nhỏ rồi đem giã tay lấy xơ. Xơ sen được ngâm ủ trong chất liệu vi sinh để trắng và mềm. Quá trình này kéo dài 3 tháng. Anh Dũng gọi đây là thời gian xơ sen "ngủ đông."

Thành phần thu được, anh Dũng cho ngâm trong bể chứa rồi dùng các công cụ chuyên biệt để chao lấy xơ. Phần khung chao được đem phơi 3 ngày nắng liên tiếp. Giấy sen sau đó sẽ tự long ra. Tất cả công đoạn này đều được làm thủ công, không có máy móc can thiệp.

Sản xuất trà sen tại Công ty Cổ phần sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại dịch vụ Hali (Ninh Bình). (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Sản xuất trà sen tại Công ty Cổ phần sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại dịch vụ Hali (Ninh Bình). (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Nhiều kỹ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ và hiểu biết sâu sắc về nguyên liệu, chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể khiến cả mẻ xơ đó bỏ đi.

Đặc biệt để giấy sen có sự khác biệt so với các loại giấy ở các địa phương khác, anh Dũng đã thêm phụ gia vào quy trình để tạo ra giấy sen điệp.

Những thếp giấy được quét bột màu giống như một lớp bảo vệ cho giấy và tạo nên lớp óng ánh đẹp mắt.

Chàng trai 8X Hà Nội đã nhận được nhiều lời ngợi khen và tên tuổi của anh gắn liền với danh hiệu "Nghệ nhân sen".

Năm 2022, anh Kiều Cao Dũng phối hợp với Công ty Cổ phần Sản xuất, Xuất nhập khẩu và Thương mại Dịch vụ Hali, tỉnh Ninh Bình đã thành công trong việc làm giấy từ đài sen và đã xuất ra thị trường các sản phẩm như nón lá sen, hoa sen bất tử, tranh làm từ giấy sen, trà sen...

Chị Lê Thanh Huyền, Giám đốc Công ty Hali cho biết Công ty đã sở hữu một chuỗi sản xuất liên quan đến các sản phẩm từ sen, nối dài chuỗi giá trị từ loài hoa đặc biệt này như cung ứng sen giống, trồng sen lấy hoa, hạt, củ, làm trà ướp hoa sen, trà lá sen kết hợp với làm các dịch vụ du lịch.

Khi nghe thấy đài sen có thể làm được giấy, Công ty đã mời anh Dũng về Ninh Bình hợp tác cùng phát triển các sản phẩm từ sen, từ đó góp phần gia tăng thu nhập cho những nông dân trồng sen ở địa phương, tạo dựng thêm một sản phẩm trải nghiệm thú vị cho du khách.

Đến nay, Công ty đang sản xuất nhiều sản phẩm du lịch được làm từ sen như nón làm từ lá sen, tranh, hoa sen, quạt được làm từ giấy sen điệp, lá sen.

Đặc biệt những chiếc quạt và tranh được làm từ giấy sen được lên ý tưởng và vẽ lên những hình ảnh mang đậm bản sắc của người Việt trong tranh Đông Hồ, di tích lịch sử của Việt Nam nhằm quảng bá văn hóa Việt đến với du khách trong và ngoài nước.

Sản phẩm trà sen đã được chứng nhận sản phẩm OCOP và các sản phẩm làm từ sen thường xuyên được trưng bày tại các hội nghị, hội chợ giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Các sản phẩm này hiện đã được xuất bán tại thị trường Mỹ, Nhật Bản. Nhờ đó, Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và thời vụ cho 40 lao động tại địa phương với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng.

Doanh thu của các sản phẩm này từ đầu năm 2023 đến hết tháng 10 đạt khoảng 300-400 triệu đồng.

Ông Andrew, du khách đến từ nước Anh chia sẻ, ông khá ấn tượng với những sản phẩm được làm từ sen như nón làm từ lá sen hay những bức tranh có màu sắc độc đáo, lấp lánh, đẹp mắt với những hình ảnh mang đậm bản sắc của người dân Việt Nam. Đây là món quà độc đáo ông dành tặng cho người thân và bạn bè của mình khi về nước.

Thời gian tới, anh Dũng và Công ty Hali sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra thị trường thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo được làm từ sen.

Hướng đi mới này sẽ góp phần làm cho những giá trị từ sen không mất đi mà hiện hữu ngày một sâu rộng, không chỉ với người Việt mà còn với nhiều du khách quốc tế.

Có thể bạn quan tâm