Từ những thành công bước đầu, chàng trai mê loài cá “đế vương” đang ấp ủ kỳ vọng tìm chỗ đứng cho ngành cá cảnh Việt trong thị trường quốc tế.
Yêu thích cá rồng rồi trở thành đam mê, cho tới khi thử sức và thành công nuôi cá rồng sinh sản. Đó là câu chuyện về cái duyên với loài cá “đế vương” của Trần Thanh Nghị, chàng trai sinh năm 1989 với trang trại cá rồng ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Cái duyên với cá rồng
Chàng trai 31 tuổi, Trần Thanh Nghị cho biết, mình may mắn được làm quen với loài cá rồng đã hơn hai chục năm. Vào khoảng năm 1995, một người bạn tặng cho bố anh một con thuộc loại kim long hồng vĩ, lúc ấy cũng chẳng biết con cá quý đến mức nào, chỉ nghe bố mẹ bảo có giá bằng 2 chiếc xe tải. Nhưng với cậu bé hơn 6 tuổi, ấn tượng lúc đó chỉ là một loài cá lạ và đẹp, đẹp hơn những loài cá cảnh cậu thường được nhìn thấy.
Trần Thanh Nghị với trang trại nuôi cá rồng sinh sản tại Trảng Bom, Đồng Nai |
Đến năm 20 tuổi, Trần Thanh Nghị mới thực sự bị cuốn vào niềm đam mê cá rồng. Thời điểm đó, phong trào chơi cá rồng ở Việt Nam đang phát triển mạnh, Nghị bắt đầu tìm hiểu tới những giống cá rồng khác. Từ con kim long hồng vĩ đầu tiên của bố, những bể cá trong nhà cũng dần nhiều lên với những giống đẹp và đắt đỏ hơn như: hồng long, quá bối, cho tới những con có giá trị hàng chục triệu đồng như: kim long, huyết long.
Đến năm 2013 – 2014, trong nhà Trần Thanh Nghị đã có tới 50 bể cá lớn nhỏ với hơn 100 con, tất cả đều là cá rồng. Mê cá đến nỗi, anh chàng này còn đầu tư một hệ thống camera chỉ để… ngắm cá qua mạng khi phải xa nhà.
Học xong đại học ở Việt Nam ngành quản trị kinh doanh, Nghị tiếp tục xuất ngoại, du học tại Malaysia. Ở một những quốc gia hàng đầu về nuôi và xuất khẩu cá rồng, với niềm đam mê sẵn có, Trần Thanh Nghị thường đến những trang trại của người bản xứ, học hỏi được nhiều điều về cách nuôi, chăm sóc và đặc biệt là cho cá rồng sinh sản. Với khí hậu, nguồn nước tương đồng và biết rằng Việt Nam cũng có cá rồng trong tự nhiên, đặc biệt là lưu vực sông Đồng Nai, La Ngà và Vườn quốc gia Cát Tiên, nên Nghị tự đặt câu hỏi: Người Mã Lai làm được, vậy người Việt mình có làm được không?!
“Có lẽ là do đam mê. Đam mê rồi mình tìm tòi. Con cá nào cũng vậy, nó sinh trưởng rồi thì sẽ tới thời kỳ sinh sản. Mình đam mê, tìm hiểu về nó, và mình có một vài cơ sở vật chất để mình thả thử nghiệm, thì mới có được một vài kết quả như thời điểm bây giờ”, Trần Thanh Nghị chia sẻ.
Mơ về nền “công nghiệp” cá cảnh Việt
Du học xong và trở về Việt Nam, Trần Thanh Nghị bắt đầu thử nghiệm nuôi cá rồng trong môi trường tự nhiên, và “thử” cho cá sinh sản. Lúc này, gia đình có một trang trại rộng khoảng 7,5 hecta tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, trong đó có một số ao nước khoảng 2 hecta, trước đây vốn là hầm khai thác đá với độ nông sâu khác nhau. Nghị quyết định lựa chọn những con cá rồng “xấu nhất”, ít giá trị nhất thả thử nghiệm. Mất nhiều tháng ròng, chàng trai sinh năm 1989 loay hoay kiểm tra sức khỏe cá, đo độ nông sâu của ao, nhiệt độ môi trường, nồng độ PH, đo lượng mưa, tìm giải pháp về nguồn nước trong những tháng mùa khô…
Ban đầu chỉ vài con, rồi dần dần lên tới 30, 40 con cá rồng các loại được thả nuôi trong ao. Sau khoảng hơn 2 năm thử nghiệm, trong ao xuất hiện cá rồng con, vậy là Nghị biết, cá rồng hoàn toàn có thể sống tốt và quan trọng hơn có thể sinh sản trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam.
Trần Thanh Nghị đang ấp ủ kỳ vọng tìm chỗ đứng cho ngành cá cảnh Việt trong thị trường quốc tế |
Sau đó, những kế hoạch về việc nhân giống cá rồng bắt đầu được Trần Thanh Nghị đưa vào triển khai đại trà. Trong ao nước vốn là hầm khai thác đá trước đây, các chỉ số môi trường đều cho thấy phù hợp với đặc tính sinh học của loài cá này. Nghị cho biết, mình có phần may mắn bởi khu ao này có các hốc đá hình thành trong quá trình khai thác và nhiều cây cối xung quanh, rất phù hợp với cá sinh sản.
Hiện trong ao có những cá thể huyết long khoảng 12 đến 13 tuổi, giá trị hàng trăm triệu đồng và nhiều giống quý khác như hồng long, kim long, ngân long… Cứ khoảng 3 tháng trang trại của Nghị xuất bán một lứa cá giống các loại, cung cấp cho các đại lý trong khu vực và cả khách lẻ với giá trị không thua kém cá nhập khẩu. Số tiền bán cá giống mỗi lứa lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng đều được quay vòng tái đầu tư cho ao cá. Nghị dự kiến thời gian tới sẽ mở rộng phần lớn diện tích 7,5 hecta trang trại gia đình tiếp tục vừa đầu tư, vừa thử nghiệm cho cá rồng sinh sản trên quy mô lớn hơn, đồng thời cải thiện chất lượng giống cá.
“Đối với dòng cá cảnh này, khi phát triển theo đường lối công nghiệp sẽ có giá trị cao hơn nhiều so với cá thịt. Nếu có đường lối phát triển một cách rõ ràng, mình kỳ vọng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, những con cá giống của mình khi ra thị trường nó sẽ ngang ngửa với những quốc gia đầu ngành”, Trần Thanh Nghị cho hay.
Dù sản lượng cá chưa nhiều, nhưng việc nuôi thành công cá rồng sinh sản có thể coi như một bước tiến lớn đối với ngành nuôi cá rồng tại Việt Nam. Bởi từ trước tới nay, cá rồng được biết đến như là một loài cá nhập khẩu hoàn toàn. Rất ít người trong nước có thể nhân giống hay nuôi cá sinh sản được.
Có những thành công ban đầu nhưng Trần Thanh Nghị chưa dừng lại mà anh đang ấp ủ những ý tưởng lớn lao hơn, về một “nền công nghiệp” cá cảnh Việt Nam. Bởi theo anh, nước ta có thế mạnh về thủy sản nhưng chưa tập trung vào ngành sản xuất cá cảnh. Thế nên, từ những thành công bước đầu, chàng trai mê loài cá “đế vương” đang ấp ủ kỳ vọng làm sao “nâng tầm”, tìm chỗ đứng cho ngành cá cảnh Việt trong thị trường quốc tế.
Xuân Lượng/VOV-TPHC