Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Chàng trai 9x làm giàu từ nuôi lợn rừng, lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ vài con lợn rừng mua của người dân về nuôi thử, sau 5 năm chàng trai ở xã vùng sâu tỉnh Đắk Lắk thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 
Trong một vài lần đến chơi nhà bạn ở huyện Buôn Đôn, thấy người dân ở đây bán lợn rừng còn sống, anh Phạm Văn Khanh (SN 1998, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) mua thử vài con về thả trong vườn để nuôi, thuần hóa dần.
Theo anh Khanh, lợn rừng ngày càng ít đi, do đó anh muốn bảo tồn và nuôi dưỡng. Lợn rừng dễ nuôi, không kén ăn, sức đề kháng cao, ít bệnh tật lại được thị trường ưa chuộng, giá thành cao. Năm 2018, anh quyết định khởi nghiệp từ việc nuôi lợn rừng.
“Tôi lấy số tiền tích góp của bản thân, mua được chục con lợn rừng giống của người dân về thuần dưỡng. Sau đó, thả thêm lợn bản địa để lai tạo đàn. Hai năm đầu do chưa có kinh nghiệm nên toàn bị lỗ. Lợn rừng có bản tính hoang dã, quen với môi trường sống tự nhiên, khi nuôi nhốt, nhiều con chưa thích nghi đã bỏ ăn”, anh Khanh cho biết.
Chàng trai trẻ chịu khó tìm đến những người có kinh nghiệm nuôi lợn rừng để học hỏi kiến thức chăn nuôi, ngoài ra tham khảo sách báo, internet. Bắt đầu từ năm thứ 3 đến nay, lợn sinh sản ổn định. Hiện lợi nhuận anh Khanh thu về khoảng 300 triệu đồng/năm.
Theo anh Khanh, lợn rừng nuôi khoảng 1,5 năm bắt đầu cho sinh sản, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 6-8 con. Tùy theo nhu cầu của người mua, anh sẽ bán thương phẩm, bán giống lợn rừng thuần chủng hay lợn rừng lai. Giống lợn rừng thuần chủng nuôi từ 2,5 đến 3 tháng có trọng lượng đạt từ 6 -10kg, với giá bán khoảng 5 triệu đồng/con; lợn rừng lai giá bán giao động từ 1-2 triệu đồng/con. Hiện đàn lợn của gia đình anh khoảng 200 con. Anh Khanh đã chuyển qua nuôi lợn rừng thuần chủng theo tiêu chuẩn Vietgap.
Theo anh Y Wal Mlô, Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar, mô hình nuôi lợn rừng của anh Khanh tuy không mới và duy nhất trên địa bàn huyện, nhưng anh ấy đã biết cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu và được người tiêu dùng đón nhận. Với cách làm đó, bước đầu đã giúp anh Khanh phát triển kinh tế, có được nguồn thu nhập ổn định.
Anh Khanh cho biết, phát triển theo hướng tiêu chuẩn Vietgap yêu cầu phải chăn nuôi sạch (sạch từ nguồn thức ăn, nơi ở không nhiễm hóa chất), tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Chăn nuôi lợn thuần chủng thì bảo tồn được nguồn gen. Hiện anh đang liên kết với một số hộ dân ở tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Thời gian tới, anh dự định mở rộng quy mô chăn nuôi, đầu tư xây dựng chuồng trại, thành lập hợp tác xã.
Mới đây, tại cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022, mô hình chăn nuôi lợn rừng của anh Khanh đoạt giải khuyến khích. Mô hình này được nhiều thanh niên địa phương đến tham quan, học hỏi.
Anh Y Wal Mlô, Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar cho biết, những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện đã có bước khởi sắc. Từ năm 2017 đến nay, huyện có hơn 40 mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên. Nhiều mô hình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, truyền cảm hứng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho các bạn trẻ. Một số mô hình bước đầu khẳng định được vai trò, vị thế của mình, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên địa bàn huyện.
Theo Nguyễn Thảo (TPO)
https://tienphong.vn/chang-trai-9x-lam-giau-tu-nuoi-lon-rung-lai-hang-tram-trieu-dong-moi-nam-post1489050.tpo

Có thể bạn quan tâm