TN - Đất & Người

Chàng trai Jrai-Ksor Lớt vượt khó làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sinh ra và lớn lên ở vùng khó khăn, gia đình có “truyền thống” làm thuê, không được học hành nhiều... nếu theo “lệ” thì Ksor Lớt (làng Ngai Ngó, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, Gia Lai) cũng sẽ làm thuê làm mướn, cũng sẽ tiếp tục “điệp khúc” nghèo. Nhưng chàng trai Jrai này lại khiến nhiều người mến phục bởi khát vọng thoát nghèo, khát vọng lập nghiệp và cả khát vọng “được giúp đỡ càng nhiều người càng tốt”.

Theo lời kể của anh chàng có khuôn mặt hiền và nụ cười rất lành Ksor Lớt, năm 18 tuổi, nhìn quanh, thấy ai ai cũng trồng cà phê rất nhiều, nhưng nhà Lớt, bố mẹ vẫn rất an phận với việc... làm thuê, anh bắt đầu nghĩ đến việc phải thay đổi hoàn cảnh. “Bố mình là người thận trọng, không dám vay mượn gì của ai chứ đừng nói tới việc vay tiền ngân hàng, nên xưa nay vẫn chỉ đi làm thuê cho người ta, rồi trồng vài sào lúa ăn qua ngày. Nhà bạn bè mình cũng trồng cà phê nhiều. Mình nghĩ, phải làm thôi. Bàn với bố về việc sẽ trồng cà phê, bố chỉ bảo đất đấy, trồng đi. Còn bố không tham gia. Vậy là năm 2007, mình bắt đầu dọn dẹp 5 sào đất, lúc này chỉ là đất rừng và trồng cà phê”-Lớt cho biết.

 

Anh Lớt bên vườn cà phê trĩu quả. Ảnh: H.D
Anh Lớt bên vườn cà phê trĩu quả. Ảnh: H.D

Cùng với thanh niên trong làng làm đổi công, trên 5 sào đất của Lớt cũng đã mọc lên những cây cà phê đầu tiên. Phấn khởi lắm, nhưng kiến thức về cách chăm sóc cây cà phê của Lớt hoàn toàn là con số 0, chỉ biết gom phân bò về bón vào gốc, vậy là hết. Vì vậy, sau 2 năm, cà phê bước vào thu hoạch mùa bói nhưng năng suất không cao, chưa kể giá cà phê thời điểm này cũng không ổn định. Cơ hội để Lớt vươn lên bắt đầu từ năm 2009, khi anh được bầu làm Bí thư chi đoàn làng Ngai Ngó. Thông qua những phong trào, hỗ trợ của Đoàn Thanh niên, Lớt từng bước tiếp cận những kiến thức, những tiến bộ khoa học kỹ thuật liên quan tới việc trồng và chăm sóc cây cà phê. Lớt mạnh dạn trồng thêm 1,5 ha cà phê nữa. Về phần vốn, Lớt mạnh dạn vay ngân hàng bằng cách thuyết phục bố cho thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công chăm sóc thì phần thuê, phần làm đổi công với bà con trong làng.

“Mình luôn tin hướng mình chọn là đúng. Nhiều người đã thành công thì mình cố gắng cũng sẽ thành công. May mắn nhất là năm 2011, mình vô Hội Nông dân của xã, được cùng với bà con tham gia các chương trình tập huấn phổ biến kiến thức mới về chăm sóc cà phê. Những kiến thức này, mình đã áp dụng vào 2 ha cà phê và hiện vườn cà phê của mình phát triển rất tốt”-chàng trai Jrai 27 tuổi không giấu được sự vui mừng khi giới thiệu về vườn cà phê trĩu quả đang vụ chín đỏ. Không nói nhiều về những khó khăn phải vượt qua, những lo lắng trước những bước đi đầu tiên, đánh liều với một hướng đi khác và không có sự hỗ trợ của bố, Lớt chỉ nói nhiều về những may mắn mà mình đã gặp được.

 

KINH NGHIỆM KHỞI NGHIỆP CỦA KSOR LỚT:
- Có ý chí và quyết tâm.
- Biết áp dụng những kiến thức, tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.
- Biết cách sử dụng, tận dụng lao động xung quanh (đổi công).

Tới thời điểm này, Lớt đã là chủ của 2 ha cà phê, 7 sào lúa và hồ cá rộng 3 sào nuôi cá chép, trắm... Sắp tới, anh sẽ đầu tư thêm 4 sào hồ tiêu nữa. “Riêng về lúa thì trồng chủ yếu để nhà ăn. Làng 90 hộ thì có tới một nửa là hộ khó khăn rồi, nên lúa gạo làm ra cũng để cho bà con mượn hoặc cho luôn. Cá cũng vậy, bán có bao nhiêu đâu. Mình đỡ hơn người ta thì giúp người ta thôi”-Lớt nhẹ tênh chia sẻ. Dễ hiểu khi mọi thứ Lớt cho đi thật nhẹ nhàng như vậy, bởi lớn lên trong nghèo đói, Lớt không muốn ai bị đói như mình.


Anh Đào Duy Bình-Bí thư Đoàn xã Ia Hrung cũng có nhiều nhận xét rất ưu ái dành cho Lớt: “Một thân một mình làm nên được cơ ngơi như hiện tại đối với người bình thường đã khó, với một thanh niên người Jrai ở vùng dân tộc thiểu số khó khăn lại càng khó gấp bội. Nhưng Lớt có chí, rất có chí. Mỗi năm thu nhập của cậu ấy vào khoảng 100-200 triệu đồng đấy”. Giờ thì Lớt còn tạo việc làm cho thanh niên trong làng bằng cách thuê họ làm công. Chiếc xe tải nhỏ Lớt mua về dùng để chở phân bón, nông sản cho gia đình, nhưng trong làng ai gọi chở giùm Lớt cũng chở, bà con chỉ đổ dầu, còn anh không đòi hỏi phải trả công gì. Anh Bình nhận xét thêm, ngoài làm kinh tế, Lớt còn là cán bộ Đoàn năng nổ, có uy tín.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm