Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Chàng trai không chân trở thành tay bơi cừ khôi và khởi nghiệp với xà bông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
18 năm trước, Chung mất đi đôi chân ở tuổi 18 sau một lần đi bơi. Vượt qua nỗi đau, anh vực dậy tinh thần, tập luyện để trở thành vận động viên bơi lội cừ khôi. 18 năm sau, anh tiếp tục rẽ hướng khởi nghiệp với xà bông thảo dược.
Nguyễn Văn Chung chăm chút cho nghề nghiệp mới khi trên tường nhà vẫn còn đầy ắp những kỷ niệm một thời với đường đua xanh - Ảnh: HÀ THANH
Nguyễn Văn Chung chăm chút cho nghề nghiệp mới khi trên tường nhà vẫn còn đầy ắp những kỷ niệm một thời với đường đua xanh - Ảnh: HÀ THANH
"Người ta nói ngã ở đâu sẽ đứng lên ở đó" - anh Nguyễn Văn Chung, 36 tuổi, vận động viên bơi lội thuộc CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội, kể chuyện đời mình bằng câu nói ngắn gọn ấy.
Tìm đến "đường đua xanh"
18 năm trước, trong một lần xuống trạm bơm của xã bơi, chẳng may Chung bị máy bơm nước công suất lớn hút vào, vặn đứt lìa đôi chân. Sức vóc của anh thanh niên trai tráng đột ngột bị bẻ gãy - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Điều trị hai tuần ở Bệnh viện Việt - Đức, đôi chân của Chung phải cắt cụt gần đến bẹn. Sáu tháng tiếp theo điều trị ở quê chẳng khác gì "địa ngục", xung quanh là ánh mắt ái ngại, thương cảm. Chung bộc bạch: "Đang đúng độ tuổi đẹp nhất của đời người, mình không biết sẽ phải tiếp tục cuộc sống và công việc như thế nào". 
May mắn thời điểm đó, anh được Bệnh viện Bạch Mai gọi lên cho tập đi chân giả và được gợi ý tham gia CLB Thể thao người khuyết tật - nơi có nhiều người đồng cảnh ngộ sẽ giúp anh sớm hòa nhập được cộng đồng.
Trong một lần được đi chơi ở công viên nước hồ Tây, Chung tự hỏi: "Không biết mình còn bơi được nữa không?". Mất hơn 10 phút do dự, anh nhảy ùm xuống hồ bơi nhưng chìm nghỉm. Lấy lại tinh thần, anh quờ tay bơi ếch thay cho đôi chân, cứ thế khua khoắng tay là vào đến bờ. 
"Mình vẫn còn biết bơi" - Chung sung sướng reo lên. Từ chiếc xe lăn, anh tập ném lao, đẩy tạ, rồi quyết tâm gắn bó với "đường đua xanh".
Năm 2003, Chung được chọn vào đội tuyển bơi quốc gia và thi đấu giải Para Games ở Thái Lan và xuất sắc giành hai tấm huy chương bạc. Tính đến nay Chung đã gắn bó với nhiều giải trong nước và khu vực, tham gia 4 giải Para Games với đủ huy chương. 
"Nhưng nhớ nhất là hai huy chương bạc ở Para Games 2003. Các anh chị ở nhà kể lại, ngày tivi chiếu hình tôi bơi lội, mẹ sợ thốt lên: "Trời ơi không có chân nhỡ chết đuối thì sao?". Với số tiền thưởng 30 triệu đồng khi ấy, tôi đã sửa nhà cho mẹ ở quê, mẹ mừng lắm" - anh khoe.
Phải có nghề gì đó!
"Nếu không còn sức để thi đấu nữa thì mình sẽ làm gì? Phải có nghề gì đó!" - đó là lý do mà nay anh chuyển sang khởi nghiệp với xà bông thảo dược. Năm 2016, tình cờ làm quen với một bạn sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chuyên ngành công nghệ sinh học tại dãy trọ, thỉnh thoảng cậu sinh viên có tặng cho anh bánh xà bông, lọ tinh dầu để cải thiện da dẻ sau những lần đi bơi. Cậu bạn chia sẻ "bí kíp" xà bông làm từ thảo dược, mở ra quyết tâm khởi nghiệp cho Chung với hai tiêu chí: xà bông an toàn cho da và thân thiện với môi trường.
Vậy là sáng tập luyện ở CLB, chiều đến Chung miệt mài làm thử xà bông. Với số vốn ít ỏi tiết kiệm được từ những ngày thi đấu, Chung dốc sức cùng xà bông với thành phần chiết xuất từ dầu cọ, dầu dừa, bồ hòn, mật ong, bột nghệ, sả, thảo dược... mà không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào.
Năm 2018, Chung tìm đến các phiên chợ xanh, phiên chợ tử tế để quảng bá sản phẩm. Đến hội chợ nào anh cũng mang theo đồ nghề nồi niêu xoong chảo nấu xà bông tại chỗ. Khách hàng tò mò mua về dùng thử, về sau trở thành "mối quen" và truyền tai nhau. Anh "bật mí", sau mỗi phiên chợ xanh tử tế khoảng 1 tuần, doanh thu từ bán xà bông, tinh dầu lên đến 70-100 triệu đồng/phiên.
Hiện nay anh Nguyễn Văn Chung cho ra lò nhiều sản phẩm xà bông, tinh dầu thiên nhiên với màu sắc, hoa văn sáng tạo như hình trái tim, bông hoa... đáp ứng thị hiếu khách hàng. Ngoài ra anh còn sản xuất thêm dòng muối tắm chiết xuất từ thiên nhiên phù hợp cho da trẻ em.
Quan trọng là ý chí
Vừa xuống Hà Nội mở lại cửa hàng sau đợt dịch COVID-19, hai tay cầm hai chiếc ghế con cho dễ đi lại, Chung tỉ mẩn lau chùi, sắp xếp lại những tấm xà bông thảo dược. Ở giữa, bức hình anh thanh niên không chân vùng vẫy dưới "đường đua xanh" như bừng sáng cả căn phòng.
Suốt 18 năm vượt lên nghịch cảnh, Chung cười hiền thừa nhận khó khăn chứ, làm bất cứ việc gì cũng có khó khăn riêng của nó. "Nhưng quan trọng nhất là ý chí của mình có kiên trì hay không. Nếu lúc nào cũng muốn buông xuôi sẽ không đi đến đâu, khi đó mình tự xây bức tường cản bước tiến của mình thôi" - anh tâm niệm.
Theo HÀ THANH (TTO)

Có thể bạn quan tâm