Quản lý hầu bao

Khởi nghiệp

Chàng trai làm đồ thủ công đẹp ấn tượng nhờ áp dụng nghệ thuật này

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong lần đến thăm bảo tàng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trương Thanh Tùng (29 tuổi), sinh sống tại H.Hóc Môn (TP.HCM), đã bị cuốn hút bởi một số vật dụng áp dụng nghệ thuật pháp lam. Thế là Tùng đã tìm hiểu và nghiên cứu để làm đồ thủ công, trang sức… áp dụng nghệ thuật này đã được gần 4 năm nay.

Tùng cho biết pháp lam là nghệ thuật dùng men nhiều màu sắc tráng lên bề mặt kim loại, rồi đem đi nung ở nhiệt độ cao. Pháp lam khác hoàn toàn với việc tráng men trên gốm sứ. “Gốm sứ là tráng men trên bề mặt đất nung, còn pháp lam là trên kim loại như: đồng, bạc, vàng. Nhiệt độ nung của gốm sứ cao hơn từ 1.000 - 1.200oC, còn pháp lam là khoảng 750 - 900oC”, Tùng nói.

Trương Thanh Tùng. Ảnh NVCC
Trương Thanh Tùng. Ảnh NVCC

Theo Tùng tìm hiểu thì pháp lam có 3 kỹ thuật cơ bản là: cloisonne (kháp ti pháp lam), champleve (tạm thai pháp lam) và paint enamel (họa pháp lam). Trong đó họa pháp lam là kỹ thuật đơn giản nhất.

Những sản phẩm thủ công áp dụng nghệ thuật pháp lam do Tùng thực hiện. Ảnh KIM NGỌC NGHIÊN
Những sản phẩm thủ công áp dụng nghệ thuật pháp lam do Tùng thực hiện. Ảnh KIM NGỌC NGHIÊN

Tùng cho biết kháp ti pháp lam là dùng các sợi kim loại mỏng, uốn theo hình họa tiết tạo thành vách ngăn, sau đó đổ men vào. Tạm thai pháp lam là khắc các họa tiết lên bề mặt kim loại, sau đó đổ men lên những ô đã được tạo hình. Họa pháp lam là phủ lớp men mỏng tạo nền, sau đó dùng men lỏng vẽ họa tiết lên. Sau những bước này sẽ đem nung vật phẩm trong nhiệt độ khoảng 800oC.

Một chiếc hộp áp dụng nghệ thuật pháp lam. Ảnh NVCC

Một chiếc hộp áp dụng nghệ thuật pháp lam. Ảnh NVCC

4 năm trước, trong một lần đến thăm bảo tàng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tùng bị thu hút bởi những đồ vật áp dụng nghệ thuật pháp lam. Trở về TP.HCM, Tùng bắt đầu tìm hiểu về bộ môn này và gặp rất nhiều khó khăn vì chỉ có tài liệu nghiên cứu về lý thuyết, tuy nhiên cũng không được hướng dẫn cụ thể.

Mất 1 năm nghiên cứu và thử nghiệm, Tùng mới tạo ra được một miếng kim loại tráng men ưng ý. Ảnh NVCC
Mất 1 năm nghiên cứu và thử nghiệm, Tùng mới tạo ra được một miếng kim loại tráng men ưng ý. Ảnh NVCC

Tùng đã tìm hiểu thông tin và nhập nguyên liệu từ nước ngoài về để tự mày mò trong vòng 1 năm mới có thể làm ra một miếng kim loại tráng men đạt yêu cầu. Ròng rã một năm trời, không biết bao miếng kim loại đã bị làm hư hỏng. Lúc thì men bị nứt, có khi nung nhiệt độ quá cao khiến kim loại bị biến dạng.

Mặt đồng hồ được Tùng áp dụng nghệ thuật pháp lam. ẢNH KIM NGỌC NGHIÊN

Mặt đồng hồ được Tùng áp dụng nghệ thuật pháp lam. ẢNH KIM NGỌC NGHIÊN

Tùng cho biết nghệ thuật pháp lam sử dụng nhiều men, mỗi loại có nhiệt độ và thời gian nung khác nhau. “Có lần mình nung sai thời gian chuẩn khoảng 30 giây thôi là ngay lập tức bức tranh hình đầu lân bị hỏng. Vì vậy, nhiệt độ và thời gian nung quyết định gần như 70 % việc tác phẩm có hoàn thiện hay không”, Tùng chia sẻ.

Tùng cũng lên các hội nhóm ở nước ngoài để tìm hiểu về pháp lam và đã được một nghệ nhân lớn tuổi người Hungary hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm.

Tùng uốn cong những sợi kim loại theo hình họa tiết để tạo khuôn đổ men vào, sau đó đem nung với nhiệt độ phù hợp. Ảnh KIM NGỌC NGHIÊN
Tùng uốn cong những sợi kim loại theo hình họa tiết để tạo khuôn đổ men vào, sau đó đem nung với nhiệt độ phù hợp. Ảnh KIM NGỌC NGHIÊN

Hơn một năm tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật pháp lam, Tùng cũng đã làm ra được những món đồ trang trí, trang sức, tranh, nội thất… đẹp mắt. Sau đó, chàng trai này đi đến một quyết định táo bạo là nghỉ công việc văn phòng ổn định, để tập trung phát triển các sản phẩm thủ công áp dụng nghệ thuật pháp lam.

Một bức tranh áp dụng nghệ thuật pháp lam. Ảnh NVCC
Một bức tranh áp dụng nghệ thuật pháp lam. Ảnh NVCC

Tùng chia sẻ, có những giai đoạn anh gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Số tiền tiết kiệm từ công việc trước đó gần như cạn kiệt. May mắn là sau đó chàng trai này đã nhận được một vài đơn đặt hàng, yêu cầu áp dụng nghệ thuật pháp lam vào nội thất, cụ thể là bàn, ghế. Nhờ vậy, Tùng có thêm được chi phí để duy trì đam mê đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra, Tùng còn mở những buổi trải nghiệm làm đồ thủ công áp dụng nghệ thuật pháp lam và nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của người trẻ.

Mặt dây chuyền được áp dụng nghệ thuật pháp lam. Ảnh NVCC

Mặt dây chuyền được áp dụng nghệ thuật pháp lam. Ảnh NVCC

“Mình không được đào tạo gì về hội họa hay nghệ thuật. Vì vậy, còn rất nhiều khuyết điểm trong việc tăng tính thẩm mỹ cho các sản phẩm ứng dụng nghệ thuật pháp lam. Thời gian tới mình mong muốn hợp tác với nhiều bạn trẻ có chung niềm đam mê, để phát triển các sản phẩm ứng dụng nghệ thuật pháp lam đầy tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao”, Tùng chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm