Sống trẻ - Sống đẹp

Sống đẹp

Chàng trai tật nguyền Nay Djruêng 10 mùa tiếp sức tựu trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng chàng trai “không tay, không chân” Nay Djruêng (buôn Ji A, xã Krông Năng, huyện Krông Pa) luôn có mặt tại quê nhà mỗi mùa tựu trường để tiếp thêm động lực cho học trò nghèo thông qua chương trình “Đi qua mùa rẫy” do anh sáng lập.

Mồ hôi ướt đẫm lưng áo sơ mi trắng Nay Djruêng khi anh cố gắng xoay xở để trao từng phần quà cho các em học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Krông Pa). Do di chứng chất độc da cam từ người bố là du kích trong kháng chiến chống Mỹ, từ khi sinh ra, Nay Djruêng đã không có bàn tay, bàn chân.

Suốt 10 năm qua, quỹ đồng hành cùng học trò nghèo vùng khó mang tên “Đi qua mùa rẫy” do anh sáng lập chưa từng lỗi hẹn với học trò nghèo trong mùa tựu trường. Năm học 2024-2025, anh Nay Djruêng tiếp tục trao 10 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) và 100 suất quà với tổng trị giá 25,5 triệu đồng cho học sinh 2 ngôi trường anh từng theo học là Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (xã Krông Năng) và Trường THPT Đinh Tiên Hoàng.

Anh Nay Djruêng trao quà cho học trò nghèo. Ảnh: H.N

Em Nay Khuên (lớp 11A3, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng) bị khuyết tật tứ chi nên phải ngồi xe lăn đến trường. Năm học này, Khuên cũng được khích lệ tinh thần từ Quỹ “Đi qua mùa rẫy”. Nhưng món quà ý nghĩa nhất với em là được trao niềm tin, sự lạc quan vào cuộc sống.

Cậu học trò khuyết tật đam mê vẽ Nay Khuên bộc bạch: “Dù không được may mắn như bạn bè nhưng từ khi biết anh Djruêng, thấy anh luôn lạc quan, giúp đỡ học trò nghèo, em cũng tin mình cố gắng sẽ biến ước mơ thành hiện thực, sống có ích với xã hội”.

Còn em Nay H’Anna (lớp 11A3, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng) xúc động chia sẻ: “Lớp em cũng có 2 bạn khuyết tật vận động. Em chứng kiến các bạn rất vất vả, nỗ lực gấp nhiều lần tụi em mới có thể đến trường hàng ngày. Vì vậy, được nhận học bổng của anh Nay Djruêng, em càng khâm phục nghị lực vượt khó của anh. Bản thân em được tiếp thêm động lực để cố gắng học tập tốt hơn nữa”.

Nay Djruêng sinh ra trong gia đình Jrai có 7 anh chị em. Tuổi thơ sống trong thiệt thòi, nghèo khó nhưng anh được gia đình, thầy cô và mọi người yêu thương, giúp đỡ. “Năm 2014, khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin ở Đà Nẵng, tôi trở về thăm quê. Chứng kiến sự khó khăn của học trò nghèo Jrai khi tới trường, tôi trăn trở làm cách nào để giúp đỡ các em, dù chỉ là cây thước, cây viết, cặp sách khi vào năm học mới. Những năm đầu kêu gọi, vận động không được bao nhiêu. Có lẽ vì mọi người chưa hiểu hết nỗi khó khổ của vùng đất này.

Thầy hiệu trưởng cũng ái ngại, thương tôi đi lại khó khăn, gia đình lại nghèo. Nhưng tôi thuyết phục người thiện nguyện bằng chính hành động qua mỗi mùa rẫy. Năm nay tròn 10 năm chương trình của tôi về với học trò nghèo với tổng giá trị học bổng, quà tặng khoảng 150 triệu đồng. Tuy giá trị không lớn nhưng bản thân tôi thấy mình sống có ích, thấy hạnh phúc khi đã làm gì đó cho quê hương. Cảm ơn thầy cô rất nhiều vì đã đồng hành cùng tôi suốt 10 năm qua”-anh Djruêng tâm sự.

Anh Nay Djruêng chia sẻ hành trình 10 năm "Đi qua mùa rẫy". Thực hiện: Hoàng Ngọc

Hiểu rõ phong tục tập quán của dân tộc mình, anh Djruêng hiểu dịp hè cũng là mùa các em theo cha mẹ lên rẫy. Nhỏ thì theo cùng vì không có người trông chừng, còn lớn hơn thì phụ giúp bố mẹ làm rẫy. Vì lẽ đó, mỗi mùa rẫy thường có những học sinh bị “bỏ lại”, dở dang học hành.

Vì vậy, anh muốn góp chút sức cho giáo dục, tiếp sức cho những trò nghèo đi qua mỗi mùa rẫy nhưng vẫn tiếp tục đến trường, đến lớp. Đi qua mùa rẫy còn là sự nhắc nhớ về tình yêu với mảnh đất mình sinh ra, cố gắng học tập để có thể quay về đóng góp cho quê hương.

Anh Nay Djruêng luôn được các thầy cô Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (xã Krông Năng, huyện Krông Pa) giang rộng vòng tay chào đón mỗi lần trở về. Ảnh: H.N

Anh Nguyễn Tấn Lực-Tổng phụ trách Đội, Phó Bí thư Đoàn trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo-cho biết: Anh về trường công tác đã 10 năm và chứng kiến trọn vẹn hành trình “Đi qua mùa rẫy” suốt khoảng thời gian đó.

“Năm học mới nào, anh Djruêng cũng trở về trường cùng quà, học bổng dành cho học sinh nghèo hiếu học. Dù đi lại khó khăn nhưng anh luôn vui vẻ, lạc quan, truyền năng lượng tích cực đến cho mọi người.

Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, tôi thường kể câu chuyện vượt qua số phận không may mắn, nghị lực sống và tinh thần hướng về cộng đồng của anh Djruêng cho các thế hệ học trò. Tấm gương người thật việc thật này truyền cảm hứng mạnh mẽ trong hành trình đến với con chữ của học trò nghèo vùng đất xa xôi nhất tỉnh”-anh Lực nói.

Không chỉ duy trì “Đi qua mùa rẫy” suốt 10 năm qua, anh Nay Djruêng còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Năm 2021, anh được nhận giải “Top truyền cảm hứng nhiều nhất” và danh hiệu “Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng” năm 2020 do cộng đồng tình nguyện Việt Nam trao tặng.

Có thể bạn quan tâm