Sống trẻ - Sống đẹp

Sống đẹp

Chàng thượng úy 9X 'gieo mầm xanh' cho cuộc sống tốt đẹp hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chàng thượng úy 9X Phạm Văn Minh (29 tuổi) được bạn bè đặt cho biệt danh là "giáo sư", bởi điều gì đến tay anh cũng được giải quyết nhanh gọn và thấu đáo. Thậm chí, anh như một "kho từ điển sống" của đồng đội khi cần tham khảo bất cứ điều gì.

Không chỉ có chuyên môn xuất sắc mà thượng úy Phạm Văn Minh còn hoạt động công tác xã hội hiệu quả trên cương vị Bí thư Đoàn cơ sở Công an TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Từng là thủ khoa toàn quốc đầu vào của Trường ĐH Cảnh sát nhân dân

Năm 2013, Minh vinh dự được lựa chọn cử đi học Chương trình bồi dưỡng nâng cao tại Viện Toán học quốc gia tại Hà Nội. Cũng chính trong kỳ thi đại học năm ấy, Minh trở thành thủ khoa toàn quốc đầu vào của Trường ĐH Cảnh sát nhân dân với số điểm 29; á khoa đầu vào Trường ĐH Y dược TP.HCM chuyên ngành bác sĩ đa khoa với số điểm 28. Khi được hỏi vì sao lại từ bỏ y dược để chọn trở thành một chiến sĩ công an, Minh chỉ bảo đấy là đam mê từ bé, khi nhìn ông nội, ba và chú ruột đều cống hiến hết mình cho Tổ quốc trong sắc áo cảnh phục anh hùng.

Năm 2017, tốt nghiệp Trường ĐH Cảnh sát nhân dân với tấm bằng cử nhân chuyên ngành điều tra, Minh được điều động nhận công tác tại Đội điều tra tổng hợp, Công an TP.Long Khánh. Sau gần 7 năm làm nghề, tiếp xúc với hàng trăm vụ việc, đối tượng hình sự, mỗi vụ án khép lại luôn mang tới cho Minh nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tuy vậy, cũng từ những câu chuyện phía sau các chuyên án, chàng chiến sĩ công an trẻ mới thấm thía trọn vẹn những hữu ích của các hoạt động công tác xã hội.

"Một xã hội bình an phải được chia sẻ những điều tốt đẹp với nhau, lan tỏa thông điệp sống tích cực và hơn hết nếu ai cũng mang trong mình một mầm thiện được gieo trồng thì mới mong có nhiều câu chuyện tử tế trong cuộc sống", thượng úy Minh tâm niệm. .

Thượng úy Phan Văn Minh chia sẻ mình tâm huyết với những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tình yêu lịch sử, văn hóa đến các đoàn viên, thanh niên trong đơn vị trước tiên và bắt đầu lan tỏa điều này đến các tầng lớp khác. Đơn vị của Minh đã nhận phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Câu, tại P.Xuân Trung, TP.Long Khánh với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Cũng từ đó hoạt động phụng dưỡng và chăm sóc được nhân rộng ra nhiều đơn vị trên địa bàn.

Thượng úy Phạm Văn Minh trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Thượng úy Phạm Văn Minh trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Vào những ngày tháng 7.2024, Minh cùng đồng đội lên kế hoạch dọn dẹp vệ sinh nghĩa trang và tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại TP.Long Khánh. Hoạt động ý nghĩa này đã được Minh thực hiện từ lâu và theo định kỳ hằng tháng, cũng như trước các ngày lễ lớn trong năm. Với Minh, sự bình yên ngày hôm nay chính là nhờ vào công sức của thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh xương máu đánh đổi.

"Thắp nến là thắp lên trong lòng người trẻ ngọn lửa nhiệt huyết với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Không một nơi nào cho ta thấu tận nỗi đau mất mát lẫn ý nghĩa của sự tái sinh như một nơi lưu dấu những con người anh hùng bất khuất về nằm gọn trong lòng đất mẹ. Những lần đến nghĩa trang cùng nhiều bạn trẻ cho hoạt động này là mình nhìn thấy rõ sự thay đổi cảm xúc của các bạn. Chính hoạt động ý nghĩa này như một phương thức kích thích năng lượng sống tử tế trong những người trẻ", Minh nói.

Xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an nhân văn trong lòng người dân

Nối dài các hoạt động công tác xã hội, từ những lần đồng cảm với nhiều hoàn cảnh khó khăn nơi mình công tác, thượng úy Minh đã trực tiếp vận động, trao tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, như: Trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại Trường phổ thông dân tộc nội trú Điểu Xiểng, H.Xuân Lộc; tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Bảo Quang, TP.Long Khánh...

Ngoài ra, chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được Minh tham mưu Đảng ủy Công an TP.Long Khánh tổ chức định kỳ hằng tuần cho nhiều người tại trường học, siêu thị, chợ, khu dân cư, khu công nghiệp… Mỗi đối tượng, Minh sẽ nghiên cứu các chủ đề, hình thức tuyên truyền khác nhau để đảm bảo phù hợp, đạt được hiệu quả tốt nhất.

Tháng 2.2024, Ban Thanh niên Công an tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch "Em nuôi của Đoàn", nhận thấy đây là một hoạt động mang tính nhân văn cao, Đoàn cơ sở Công an TP.Long Khánh đã nhanh chóng triển khai, lựa chọn các trường hợp là trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ.

Thượng úy Phạm Văn Minh tổ chức các chuyên đề kỹ năng dành cho học sinh tiểu học

Thượng úy Phạm Văn Minh tổ chức các chuyên đề kỹ năng dành cho học sinh tiểu học

Sau thời gian xem xét, lựa chọn, Đoàn đã nhận nuôi Nguyễn Minh Huy (10 tuổi), gia đình thuộc hộ nghèo, mẹ là người dân tộc, cha mất do tai nạn giao thông với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Nhưng khi thượng úy Minh đến thăm và thay mặt Đoàn trao tặng chi phí hỗ trợ cho gia đình em Huy, thì bản thân Minh đã nhận thêm Nguyễn Thị Yến Hoa (12 tuổi, là chị ruột của Huy) làm em nuôi và hỗ trợ chi phí học tập đến năm 18 tuổi.

Hành động đó của Minh xuất phát từ niềm thương cảm cho hoàn cảnh quá khó khăn của gia đình các em. Bản thân Minh đã trải qua những ngày cũng khó khăn khi còn trẻ, hiểu được hành trình của các em không thể tự lực được, phải có những "cánh tay" cùng góp sức nâng đỡ. Không cần suy nghĩ, Minh tự trích một phần thu nhập của mình để đồng hành cùng Hoa, như tiếp thêm cho em một niềm tin trong cuộc sống này.

Khi được hỏi về định nghĩa hai từ "cống hiến", Minh không có quá nhiều từ ngữ để diễn tả. Vì với Minh, trong hành trình 3 năm đảm nhận chức vụ Bí thư Đoàn cơ sở Công an TP.Long Khánh, bản thân không ngừng suy nghĩ, tìm tòi và cố gắng đạt được nhiều mục tiêu có thể để góp một phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an bản lĩnh, nhân văn trong lòng người dân. Đó là, làm sao để giúp đỡ được nhiều người dân nhất? Làm thế nào để sắc áo quân phục lan tỏa được nhiều ấn tượng, tình cảm của nhân dân? Đó đều là niềm trăn trở của Minh trong suốt thời gian hoạt động phong trào Đoàn. Với Minh, tuổi trẻ chính là quãng thời gian sống trọn với đam mê, nhiệt huyết và không ngừng nỗ lực. Có như vậy mới không sống hoài, sống phí với cuộc đời mình.

Việc nhiều người trẻ hiện nay sống e dè, tiêu cực trong suy nghĩ cá nhân đến một phần từ môi trường sống, sự kém thích nghi với áp lực, nhịp độ công việc. Nhiều bạn khi bị cuốn vào guồng quay cuộc sống nếu không có nhiều trải nghiệm khi va vấp, thất bại dễ cảm thấy chán nản, bỏ cuộc thậm chí trở nên khép mình. Vì vậy, Minh luôn tin rằng hoạt động xã hội như một "liều thuốc" chữa lành, giúp các bạn mở lòng, gắn chặt mình với cộng đồng, cùng nhau nối dài cánh tay, chung sức xây dựng một xã hội tươi đẹp.

Theo Ân Điền (TNO)

Có thể bạn quan tâm