Sống trẻ - Sống đẹp

Sống đẹp

Hai chị em hướng dẫn móc len miễn phí, thu về 1.000 nón cho trẻ vùng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngay từ sáng sớm, Trương Bảo Linh Đan, học sinh lớp 11 của Trường THPT Thanh Đa và em gái là Trương Bảo Khánh Hà, học lớp 8, Trường THCS Cù Chính Lan, cùng ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) mang hai thùng len thật lớn đến quán cà phê để hướng dẫn móc len miễn phí cho mọi người.

Lớp móc len miễn phí bắt đầu diễn ra vào tháng 3.2024, mỗi tháng một lần tại các địa điểm khác nhau. Với mục đích là móc hàng ngàn nón len gửi tặng đến các em nhỏ vùng núi cao trong mùa đông giá lạnh. Hoạt động này thu hút hàng trăm người tham gia, trong đó có cả các em nhỏ và những ông bà hưu trí.

Linh Đan và Khánh Hà, hai cô gái sáng lập lớp móc len miễn phí tặng cho trẻ em vùng cao. Ảnh PHƯƠNG VY

Linh Đan và Khánh Hà, hai cô gái sáng lập lớp móc len miễn phí tặng cho trẻ em vùng cao. Ảnh PHƯƠNG VY

Khi đến lớp, người tham dự có nhu cầu mượn len sẽ "đóng cọc" từ 10.000 đồng/cuộn len, 10.000 đồng/cây kim cho ban tổ chức. Cuối buổi, khi "học viên" trả lại len, kim hoặc thành phẩm, ban tổ chức sẽ hoàn lại tiền cọc.

Tiếp đến, mọi người sẽ được hai chị em hướng dẫn cách cầm và căng dây len cũng như các kiểu móc len căn bản… Từ đó, sáng tạo ra nhiều kiểu nón hoặc các sản phẩm handmade khác nhau.

Nhiều người lần đầu tiên móc len tỏ ra lúng túng khi làm quen với kim móc và dây len. Thấy thế, Đan và Hà đi hết từ bàn này đến bàn khác hướng dẫn tỉ mỉ cho mọi người. Dần dần, mọi người đã nắm vững kỹ thuật và tự tin thực hiện.

Không chỉ ngồi móc nón len tại chỗ, nhiều người còn mua thêm len về để tự móc ở nhà. Họ hẹn buổi sau sẽ mang thành phẩm tới góp cho chương trình để đem đến niềm vui cho trẻ em vùng cao.

Linh Đan (bên phải) hướng dẫn một bạn trẻ làm nón len. Ảnh PHƯƠNG VY

Linh Đan (bên phải) hướng dẫn một bạn trẻ làm nón len. Ảnh PHƯƠNG VY

Hỏi ý tưởng thành lập lớp dạy móc len miễn phí cho mọi người, Linh Đan cho biết tháng 3.2020 thấy hai cháu nghỉ dịch buồn chán, bà ngoại đã hướng dẫn một người bạn và em Khánh Hà (hay còn gọi là Bống) móc len. Họ háo hức thành lập tổ đan len của bà cháu Bống Đan gồm 3 thành viên.

Vậy là mỗi tuần, tổ đan len... ra lò được khoảng 7-9 chiếc nón (bà được khoảng 3 nón len, còn hai chị em mỗi người móc được khoảng 2-3 nón). Tuy nhiên, vào thời điểm đi học, hai chị em chỉ móc được 1 nón/người.

Thấy mẹ thường xuyên đi từ thiện ở vùng cao, 3 bà cháu nghĩ tới việc đem những chiếc nón len này tặng cho các em bé để chống rét. Năm đầu tiên tổ đan len trao tặng 172 nón, năm thứ 2 được 235, năm thứ 3 là 278. Số lượng này không đủ tặng cho các trường học lớn.

Thấy thế, bà ngoại Linh Đan rủ rê thêm các bạn hưu trí và nội trợ gần nhà cùng tham gia móc len cho vui. Ban đầu, các bạn của bà chưa biết móc nên bà ngoại hướng dẫn lại từng bước. Kết quả rất bất ngờ, năm thứ 4, tổ đan len đã nhận về thành phẩm là 647 chiếc nón tặng các bé vùng cao.

Khi thấy số lượng nón len nhận về tăng lên gấp đôi so với khi chỉ có ba bà cháu tự móc. Thế là bà ngoại, Linh Đan và Khánh Hà đã quyết định mở rộng hoạt động. Họ tổ chức lớp dạy móc len miễn phí cho mọi người để mong lan tỏa thông điệp yêu thương, lấy tên dự án là: "Mũ len cho trẻ vùng cao".

Hoạt động thu hút đông đảo người tham gia ở đủ lứa tuổi. Ảnh PHƯƠNG VY

Hoạt động thu hút đông đảo người tham gia ở đủ lứa tuổi. Ảnh PHƯƠNG VY

Mỗi tháng một lần, tổ đan len tìm kiếm địa điểm tổ chức, in ấn, thiết kế băng rôn, mua len và viết bài kêu gọi mọi người tham gia… Trong số đó, tiền mua len chiếm nhiều hơn cả.

Linh Đan bộc bạch số tiền này do tổ đan len kiếm được từ nhiều hình thức. Đó là được thưởng khi thi đấu thể thao của hai chị em, tiền bà và mẹ cho, người thân, bạn bè của gia đình ủng hộ… Có rất nhiều người còn ủng hộ len để duy trì hoạt động. Thậm chí, nhiều "học viên" khi ban tổ chức trả lại tiền cọc vào cuối buổi họ cũng không chịu nhận lại mà còn bảo hai bạn "giữ lấy để duy trì hoạt động".

Ngay từ lần tổ chức đầu tiên, hai chị em đã có hơn 30 "học viên" đến lớp. Qua 5 lần tổ chức, số lượng "học viên" lên tới gần 200 người.

Có nhiều "học viên" đến buổi thứ 2, thứ 3 đã móc thành thạo. Họ vẫn tiếp tục tham dự, nhưng đã tự chuẩn bị len từ nhà. Chưa kể, họ còn rủ cả gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp… cùng tham gia để giúp hai chị em sớm hoàn thành mục tiêu 1.000 chiếc nón len tặng trẻ em vùng cao".

Ban tổ chức "bội thu" sau workshop móc len miễn phí. Ảnh PHƯƠNG VY

Ban tổ chức "bội thu" sau workshop móc len miễn phí. Ảnh PHƯƠNG VY

Đến tham dự hoạt động, chị Nguyễn Thị Ánh Hoa, Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Thăm dò & khai thác dầu khí chi nhánh TP.HCM, mang theo gần 210 cái nón len do 10 thành viên nhóm của chị thực hiện trong một tháng gửi tặng cho chương trình.

Chị Hoa tham gia lớp móc len từ buổi thứ 3 và rất say mê nên tiếp tục đến các buổi sau đó. Dù đã thành thạo, chị vẫn hướng dẫn thêm cho các chị em nữ công trong công đoàn công ty và bạn bè cùng tham gia.

"Những chiếc nón len tuy không đắt tiền, nhưng việc làm ra chúng tốn rất nhiều công sức. Câu chuyện ý nghĩa của hai cháu đã cho chúng tôi nhận ra tầm quan trọng về tinh thần tập thể, điều này sẽ giúp tăng số lượng nón len sản xuất được. Chúng tôi cũng tìm thêm họa sĩ để hỗ trợ việc phối màu cho chiếc nón thật sinh động để khi làm ra không chỉ chỉn chu mà còn nhìn bắt mắt", chị kể.

Những chiếc nón len của họ ở các năm trước đã được gửi đi khắp miền núi cao trên cả nước như các tỉnh: Sơn La, Hà Giang, Lâm Đồng… Dự kiến tháng 10.2024 sắp tới, Linh Đan sẽ mang số nón len do ba bà cháu và các mạnh thường quân làm ra để gửi tặng những em bé khó khăn tại xã Chiến Phố, H.Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Linh Đan hy vọng những chiếc nón len sẽ giúp các em nhỏ ấm áp hơn trong những ngày đông giá lạnh sắp tới. "Mình cũng mong rằng ngày càng có thêm nhiều tình nguyện viên cùng mạnh thường quân đồng hành với lớp móc len miễn phí nhưng đầy ý nghĩa này", Linh Đan chia sẻ.

Theo Phương Vy (TNO)

Có thể bạn quan tâm