Thể thao

Thể thao cộng đồng

Chàng trai vàng của làng Kon Măh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ cậu bé chân đất của làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Păh), Tham (SN 1993) trở thành gương mặt tiêu biểu của thể thao tỉnh nhà khi là một trong những vận động viên (VĐV) giành nhiều huy chương vàng nhất tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc.
Là công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh, những ngày này, anh Tham tất bật với công việc từ lúc những chú gà trong làng còn chưa cất tiếng gáy. Cạo mủ xong, chỉ kịp ăn vội chiếc bánh mì, anh lại bắt tay vào việc trút mủ rồi thu gom đến gần 12 giờ trưa mới nghỉ ngơi trong chốc lát để ăn cơm. Sau đó, chàng trai làng Kon Măh tiếp tục đến những cánh đồng lúa làm công việc bốc vác, gánh lúa khi ngày mùa đang hối hả. “Mình có 2 con nhỏ, vợ lại sắp sinh cháu thứ 3 nên phải chăm chỉ làm việc nuôi gia đình”-anh Tham chia sẻ.
Nhìn vóc dáng rắn rỏi, chắc đậm của anh Tham, không nhiều người tin anh từng tung hoành ở các đường chạy trên đôi cà kheo. Tham tâm sự, chính anh cũng không nghĩ mình có duyên đến vậy với môn thể thao vốn gắn liền cùng tuổi thơ của những cậu bé Bahnar. Từ nhỏ, Tham đã đam mê chạy cà kheo với những đứa trẻ trong làng. Tham có một người anh trai là Thũi đã đại diện huyện Chư Păh đi thi cà kheo ở tỉnh và sau đó tham gia các hội thi toàn quốc. Anh Thũi đã giành được rất nhiều thành tích, trong đó có 4 tấm huy chương vàng ở các hội thi thể thao dân tộc thiểu số toàn quốc.
Anh Thũi bày tỏ: “Cà kheo mang lại cho mình rất nhiều thứ. Mình được đi gặp gỡ, giao lưu với bạn bè khắp nơi trên cả nước, có thêm chút thu nhập hỗ trợ gia đình và quan trọng nhất là rèn luyện sức khỏe. Bởi vậy, khi thi giải toàn quốc và chỉ về thứ 3, mình đã quyết định nghỉ để bồi dưỡng em trai nối nghiệp vì mình tin nó sẽ làm tốt hơn”.
Anh Tham (thứ 3 từ phải qua) tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ X năm 2017. Ảnh: Thanh Duy
Anh Tham (thứ 3 từ phải sang) tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ X năm 2017. Ảnh: Thanh Duy
Không phụ lòng người anh, Tham bắt tay vào luyện tập một cách nghiêm túc. Khi mới tập luyện, Tham liên tục bị vấp ngã và chấn thương, những ngón chân rướm máu vì cọ xát với cà kheo. Nhưng quyết tâm trở thành VĐV cà kheo được đi nhiều nơi, gặp nhiều người và mang về vinh quang cho ngôi làng Kon Măh đã giúp anh thêm quyết tâm.
Được huấn luyện về chiến thuật phù hợp với từng cự ly, từng đối thủ, anh Tham còn học từ nhiều người để chế tạo một chiếc cà kheo cho riêng mình. Anh hồ hởi cho biết: “Chiếc cà kheo tốt thường được làm bằng cây le đủ độ tuổi để vừa rắn chắc lại có độ dẻo dai tạo sức bật cho người chạy và cũng phải phù hợp cân nặng của từng người. Cà kheo chính là đôi chân thứ 2 nên mình rất chăm chút nó. Dù mình không cao, chân không dài nhưng với đôi cà kheo, mình có thể chạy rất nhanh”.
Khi Tham thay người anh xuất hiện trên đường chạy, tất cả đã phải ngỡ ngàng bởi khả năng của chàng trai làng Kon Măh. Ở giải đấu cấp tỉnh, từ cự ly 100 m, 200 m đến 400 m, anh đều giành chiến thắng trước các VĐV đến từ “chiếc nôi” cà kheo là huyện Đak Pơ. Với hàng chục tấm huy chương vàng ở cấp huyện và tỉnh, anh Tham được chọn vào đội tuyển của tỉnh dự 4 kỳ hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc và giành được 7 tấm huy chương vàng. Ở lần tham dự gần nhất vào năm 2017 tại Đak Lak, anh đã giành cú đúp ở nội dung 200 m và 400 m. Đáng tiếc, năm 2018, anh gặp tai nạn xe máy nên việc thi đấu đành dang dở. Không thể trở lại đường chạy nhưng anh vẫn là “thần tượng” của đám trẻ làng Kon Măh.
Huấn luyện viên Ngô Gia Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh-nhận định: “Trước kia, Đak Pơ luôn độc chiếm ngôi vị dẫn đầu ở môn cà kheo trong các hội thi cấp tỉnh. Nhưng sau đó, huyện Chư Păh nổi lên để cạnh tranh với VĐV Thũi và đặc biệt sau đó là Tham. Cậu ấy cho thấy thành quả sau nỗ lực khổ luyện tuyệt vời, nhất là ở cự ly chạy đường dài. Tham trở thành tấm gương cho nhiều VĐV trẻ ở địa phương hướng đến và học hỏi”.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm