Đô thị

Dấu ấn kiến trúc bản địa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ trung tâm TP. Pleiku theo quốc lộ 19 khoảng 7 km về hướng Đak Đoa, từ xa đã thấy nhà thờ Plei Chuét với kiểu dáng nhà rông Tây Nguyên vươn cao nổi bật. Công trình đã tô điểm thêm vào bức tranh đa dạng của văn hóa tâm linh tại Phố núi khi kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và hiện đại trong nghệ thuật kiến trúc.

Quang cảnh nhà thờ Plei Chuét. Ảnh: T.N
Quang cảnh nhà thờ Plei Chuét. Ảnh: T.N



Có công lớn trong việc kiến tạo nên nhà thờ Plei Chuét uy nghi bề thế theo kiểu dáng nhà rông Tây Nguyên là linh mục Nguyễn Đức Thịnh. Năm nay ông ngoài 60 tuổi, nguyên quản nhiệm Giáo xứ Plei Chuét (còn gọi là Trung tâm Loan báo tin mừng Plei Chuét hoặc Trung tâm Truyền giáo Plei Chuét). Sau khi được đào tạo về thần học ở Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh, ông xin lên Tây Nguyên làm mục vụ và được phân công về giáo xứ này. Để tạo điều kiện cho bà con giáo dân sinh hoạt đạo ổn định, ông đã dành phần lớn thời gian nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa của đồng bào, từ đó phác thảo ý tưởng thiết kế nhà thờ. Theo linh mục Thịnh, công trình này do một nhóm kiến trúc sư và kỹ sư ở TP. Hồ Chí Minh thiết kế, nhóm thợ xây dựng chính thì ở Gia Lai.

Đặt chân đến nhà thờ Plei Chuét, ấn tượng đầu tiên là hàng rào chắc chắn bằng những phiến đá granite khá đồ sộ với chiều cao hơn 2 m, lắp ghép nối tiếp nhau mang phong cách rất độc đáo. Tô điểm, xen kẽ giữa các phiến đá là dây leo và những tán cây xanh mát, tôn lên sức sống mạnh mẽ của vùng đất và con người Tây Nguyên. Bước vào cổng chính rộng hơn 15 m, mặt tiền nhà thờ quay về hướng Nam (giáp đường Nguyễn Chí Thanh). Trước sân là một cây nêu cao hơn 10 m với 4 trụ làm giá đỡ.

Gác chuông được thiết kế cách điệu ở hướng Tây của nhà thờ Plei Chuét. Ảnh: T.N
Gác chuông được thiết kế cách điệu ở hướng Tây của nhà thờ Plei Chuét. Ảnh: T.N



Giáo đường được xây dựng theo kiểu nhà rông rất to rộng. Đây là nơi tôn nghiêm thờ phượng Thiên Chúa và tổ chức các nghi lễ, sinh hoạt. Chiều cao công trình nhà rông từ mặt đất lên đến đỉnh mái là hơn 34 m, chiều ngang 40 m, rộng gần 30 m. Chia sẻ về lối kiến trúc này, linh mục Thịnh bộc bạch: “Nhà rông của người Jrai-Bahnar là nơi diễn ra các hoạt động tế lễ, hội họp và bàn bạc những công việc quan trọng của làng, cũng là hình ảnh tượng trưng cho niềm kiêu hãnh của mỗi làng. Vì thế, nhà rông phải được đặt ở giữa làng và phải cao hơn tất cả. Niềm kiêu hãnh và sự uy nghi của nhà rông được thể hiện rõ nét nhất nơi mái nhà”. Chính vì vậy, phần mái của công trình được chăm chút kỹ lưỡng với mái lợp tôn màu đỏ gạch vươn lên cao vút trên bầu trời đầy nắng gió. Đặc biệt, mái được thiết kế có độ cong 3 chiều, phần cong nhô ra tại đoạn giữa của chân mái. Từ xa nhìn lại, mái nhà rông như chiếc rìu đầy sức mạnh tạc lên nền trời, đồng thời cũng giống hình cánh buồm no gió băng băng tiến về phía trước.

Quy mô công trình còn thể hiện ở kết cấu chân nhà rông với 48 trụ lớn, mỗi trụ có đường kính hơn 40 cm. Mặt ngoài trụ được tạo hình vỏ thân cây đoạn gần gốc, có nhiều trụ xù xì như cổ thụ làm tăng dáng vẻ trường tồn, thần thái uy nghi đan xen với cảm giác lắng đọng của thời gian. Sàn nhà rông cách mặt đất 3 m, các bậc lên xuống thiết kế rộng rãi theo 3 hướng; trong đó hướng cổng chính rộng 10 m, hướng Đông và Tây rộng đều nhau 6 m. Ngoài ra, còn có 2 lối đi phụ ở mặt lưng hướng Bắc với bậc lên xuống được thiết kế như trên 1 thân cây gỗ… Mặc dù được làm từ xi măng cốt thép nhưng tất cả tay vịn 2 bên bậc lên xuống đều được nắn tạo và kết hợp màu sắc như những thân gỗ tự nhiên. Đoạn giữa tay vịn ở lối vào chính, bên phải là biểu tượng bầu nước và bên trái là chiếc gùi. Tay vịn lối vào hướng Đông có biểu tượng 2 chiếc ghè, lối vào hướng Tây là 2 bầu nước đặt nghiêng; 2 trụ ở đầu tay vịn đều được cách điệu mềm mại theo hướng nhìn 3 mặt và có phù điêu 3 chiếc chiêng nhỏ-những vật dụng, nhạc khí gần gũi với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số…

Các chi tiết kiến trúc mang đậm nét văn hóa truyền thống của nhà thờ Plei Chuét. Ảnh: T.N
Các chi tiết kiến trúc mang đậm nét văn hóa truyền thống của nhà thờ Plei Chuét. Ảnh: T.N



Ông Đỗ Việt Hưng-Giám đốc Sở Xây dựng: “Pleiku là thành phố cao nguyên có kiến trúc đô thị thiết lập trên địa hình cao thấp. Quan sát từ trên các công trình cao tầng sẽ thấy nhiều điểm nhấn kiến trúc nổi bật. Trong đó, các công trình tôn giáo nói chung và nhà thờ Plei Chuét nói riêng đều có nét chung là quy mô lớn, thiết kế hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đặc biệt, nhà thờ Plei Chuét là sự kết hợp giữa kiến trúc tôn giáo với nhà rông một cách tinh tế, tạo nên vẻ đẹp độc đáo. Có thể xem đây là công trình kiến trúc tôn giáo tiêu biểu của tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên”.



Bước vào bên trong giáo đường, phóng tầm mắt lên đỉnh mái có thể thấy hệ thống vì kèo thép kiên cố, liên kết chắc chắn với các chi tiết kết cấu chịu lực của công trình, làm điểm tựa vững chắc cho 2 mái nhà rông. Trung tâm giáo đường là bàn thờ làm từ gốc cây gỗ tự nhiên; vách phải và trái bàn thờ có gắn phù điêu cồng chiêng, nhà rông. Chân vách có nhiều ghè cỡ nhỏ đặt nối tiếp nhau. Sàn của giáo đường được lát gỗ ván công nghiệp trên nền bê tông. So với những nhà thờ Công giáo thông thường, giáo đường Plei Chuét khác biệt ở chỗ không có ghế ngồi và bàn quỳ. Giáo dân khi vào dự lễ đều ngồi lên sàn gỗ. Phía bên phải của bàn thờ có đặt một cây nêu nhỏ. Gần đó là bộ chiêng để sử dụng vào các dịp lễ trọng. Tất cả đều bật lên những nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Đặc biệt, trong diện tích tổng thể hơn 1 ha, khuôn viên nhà thờ Plei Chuét có rất nhiều cây cổ thụ như: bằng lăng, tùng, đa... Ngoài công trình nhà rông giáo đường, cổng hướng Tây còn có gác chuông cũng được thiết kế cách điệu theo dáng nhà rông, cao gần 20 m. Các hạng mục khác như tu viện của các linh mục, nơi tiếp khách, nhà sinh hoạt của giáo dân, nhà ở của linh mục… đều được bố trí hài hòa, đan xen dưới những rặng cây, tạo thêm cảm giác thoáng rộng với nhiều tiểu cảnh cuốn hút.

 

 THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm