Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Cán bộ trẻ không được kiêu ngạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong đội ngũ cán bộ của Đảng có cán bộ già, có cán bộ trẻ. Cán bộ già là vốn quý của Đảng, họ có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tế đấu tranh. Nhưng cũng có một số cán bộ già đến một thời kỳ nào đấy là dừng lại, không tiến lên được, hay bám lấy cái cũ, không nhạy cảm với cái mới”. Với tình cảm chân thành, Người đánh giá cao công lao của cán bộ già, song Người cũng lưu ý: “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh... Các đồng chí già đánh Tây. Đánh Tây là dọn đường. Nhưng không thể nạnh kẹ: Chúng tôi vác cuốc, vác cào làm đường, già rồi mà chưa được đi xe, các anh mới lớn lên mà được đi xe”. Quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ “Đảng rất quý, rất trọng các đồng chí già, nhưng Đảng cũng rất cần nhiều cán bộ trẻ để làm những việc mà đảng viên già không làm được”; rằng “Phải hết sức chú trọng bồi dưỡng cán bộ cũ và dìu dắt những cán bộ trẻ tiến lên”.
Tại buổi nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm, ngày 9-12-1961, Người cho rằng: “Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ, kể cả ở Liên Xô, Trung Quốc, thì chúng mình dốt lắm”. Xuất phát từ quy luật phát triển của các loại cán bộ, Người đánh giá cao vai trò, tiềm năng sáng tạo của thanh niên với tư cách họ là người chủ tương lai của nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa ghi nhận sự nhiệt huyết, sức sáng tạo của cán bộ trẻ, nhưng Người cũng luôn nhắc nhở họ phải khiêm tốn, cầu thị: “Cán bộ trẻ tuy chưa có một số  ưu điểm như cán bộ già, nhưng họ lại hăng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập, cho nên tiến bộ nhanh... Cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm”.
Trách nhiệm các đồng chí cán bộ đi trước, cán bộ già phải độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ, không nên coi thường cán bộ trẻ. Vì thực tiễn cuộc sống luôn biến đổi nhanh chóng, vượt ra tầm suy nghĩ của một người, có nhiều chuyện trước không có bây giờ phải làm. Những việc làm đó các đồng chí già không làm được. Bởi vậy, “Đảng nói: Cần cán bộ già, đồng thời rất cần nhiều cán bộ trẻ... Già có việc già, trẻ có việc trẻ. Tục ngữ có câu “măng mọc quá pheo”. Măng mọc sau, mà tốt hơn tre đấy”.
Xuất phát từ yêu cầu của cách mạng, từ vai trò của mỗi loại cán bộ, Người vẫn kỳ vọng đặt niềm tin rất lớn ở cán bộ trẻ, khôn hơn, có trí tuệ hơn cán bộ già mới tốt, mới phù hợp với quy luật phát triển. “Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt. Bệt là không tốt”.
Khi luận chứng kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ, Bác Hồ đã chỉ ra những hiện tượng không bình thường, những căn bệnh già, như mắc bệnh công thần, so sánh, tìm cách dìm lớp trẻ. Người nói “Trong Đảng hiện nay, ở các địa phương có hiện tượng lớp già ép lớp trẻ trong khi sự hiểu biết về kinh tế, văn hóa của họ không bằng... Bây giờ, ai làm được việc gì thì cử người ấy, cố nhiên trọng người nhiều tuổi Đảng. Phải có kế hoạch để lớp trẻ thay thế lớp già... Cán bộ trẻ có tài, đức thì phải mạnh dạn đề bạt”.
Tư tưởng khéo kết hợp cán bộ trẻ với cán bộ già của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, là những chỉ dẫn quý báu giúp Đảng ta xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất năng lực, cơ cấu đồng bộ. Làm tốt vấn đề này không chỉ phát huy vai trò của cán bộ mà còn chuyển tiếp vững vàng các thế hệ cán bộ cho cả hệ thống chính trị, nhằm đáp ứng yêu cầu mở cửa hội nhập, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước hiện nay. Tiếp tục quán triệt, cụ thể hoá quan điểm của Đảng ta “đổi mới quy trình giới thiệu nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số để đảm bảo yêu cầu về cơ cấu hợp lý trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành”.
Nguyễn Thế Tư

Có thể bạn quan tâm