Du lịch

Những món bánh dân gian ở Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhắc đến món ăn tại Pleiku sẽ là thiếu sót nếu không kể tên các món bánh dân gian đậm hương vị miền Trung. Các món bánh lên ngôi “đặc sản” với những ai nặng lòng hoài cổ và là bữa sáng, bữa xế giá rẻ cũng đủ ấm lòng, chắc dạ dành cho giới bình dân.
1. Cô đồng nghiệp có quê gốc Bắc, vóc người siêu mỏng nhân lúc trống tiết giảng, ngồi chuyện gẫu mãi cũng… nhạt, bèn rủ tôi đi ăn quà. Để thuyết phục, cô khẳng định chắc nịch: “Ngon-bổ-rẻ, chắc hẳn hợp khẩu vị của anh”. Xe máy chở nhau, trực chỉ 196 Lê Thánh Tôn, cách cơ quan chúng tôi làm việc chưa đầy 1 km. Cô đồng nghiệp nhanh nhẹn kéo tôi ngồi vào ghế, mau miệng lên tiếng gọi: “O Ba cho con 2 đĩa bánh thập cẩm”. “Dạ”-giọng Huế đáp lời nhẹ như gió thoảng. Phải đến 10 phút sau, người phụ nữ luống tuổi, mặc bộ đồ bà ba tím Huế mới đặt trước mặt chúng tôi 2 đĩa bánh đầy ú gồm bánh bèo, bánh xèo vỏ, bánh gói, bánh bột lọc nhân tôm, nhân đậu xanh còn nóng ấm, phủ lên bờ mặt lớp bột tôm khô mỏng mịn như sương cùng nhúm rau giá ngâm chua, mấy lá rau mùi tươi xanh điểm xuyết. Lọ nước mắm pha thật khéo mặn vừa, cay cay, chua chua. Ngon miệng, tôi ăn như chưa từng. “Anh ăn thêm đĩa nhỏ?”-cô bạn đồng nghiệp lên tiếng mời. “Món ngon cứ phải thòm thèm mới ngon”-tôi đáp lời. Chỉ với 15.000 đồng/đĩa mà no dạ tưởng sẽ bỏ bữa cơm chiều!
  Quán bánh bèo thập cẩm của O Ba luôn đắt khách.                                   Ảnh: Đ.P
Quán bánh bèo thập cẩm của O Ba luôn đắt khách. Ảnh: Đ.P
Người có quê gốc Bình Định, nếu được hỏi hàng ăn khoái khẩu, chắc hẳn món bánh cuốn được chọn hàng đầu. Thức nhân của cuốn bánh, về “nguyên bản” là xiên (lụi) thịt bò nướng tái hay trứng vịt luộc cắt dọc làm 4, làm 6 đi kèm với rau sống mà dưa chuột thì không thể thiếu. Thức chấm thường là nước mắm nhỉ được pha chế, làm loãng. “Di cư” lên Phố núi, nhân cuốn bánh được cải biên ít nhiều, xiên thịt bò thay bởi thịt heo; nước tương trộn lẫn nước mắm me làm thức chấm. Món bánh cuốn có mặt ở khắp Pleiku, có hẳn một đoạn phố bánh cuốn nằm trên đường Duy Tân (cạnh Trung tâm Thương mại Pleiku). Thực khách có thể thưởng thức quà bình dân này từ buổi sáng sớm đến tận đêm sâu.
2. Tôi có thói quen xe máy độc hành lang thang trên phố những sớm se lạnh, phảng phất sương mờ. Và tôi thường gặp chị, xe đạp cà tàng dắt bộ chở theo mẹt tre đan chứa đầy các loại bánh ngọt “nhà quê”: bánh bò, bánh da heo, bánh hồng, bánh rán, bánh chuối, bánh phu thê… thơm lừng, sắc màu đậm nhạt chen hòa. Ôi, miền ký ức tuổi thơ như chợt vỡ òa cùng giọng quê rất đỗi “nguyên bản” khi chị cất lời mời sao quá đỗi gần gũi! Vẫn những thứ bánh tôi thường gặp vào dịp giỗ chạp hàng năm ở ngôi từ đường, tự tay người chị con bác ruột đã ngoài 70 tuổi làm lấy, có lạ lẫm gì đâu mà sao lòng rung lên, thổn thức. Phải chăng, đó là bởi ký ức tuổi thơ chạy đón mẹ đi chợ về từ xa, thoáng dáng thân cò trên con đường làng là lòng khấp khởi hẳn sẽ có món quà nào đó, như trong số những món hàng quà trên mẹt bánh của chị? Phải chăng chữ “Công” trong nữ công gia chánh, nếp xưa chị tôi vẫn giữ dù tuổi đã cao, gợi nhớ mà thương đến nhói lòng? Lần đầu gặp chị, tôi mua mỗi thứ một ít, vui cùng ý nghĩ các con tôi sẽ tròn mắt thích thú, sẽ ăn ngon lành. Nào ngờ, không như tôi nghĩ. Chỉ mỗi mình tôi cảm nhận vị ngon dậy lên cùng hoài niệm, cùng những yêu thương, quý mến lớp người “chưa cũ” ấy đã làm ra thức bánh bình dân như thể để giữ gìn, để sẻ chia cùng lớp người từng đi qua chúng và còn có chúng!
3. Tôi vẫn thường gặp bên vệ đường nào đó ở thành phố này những cụ bà khăn len trùm tóc, nón lá bạc màu ngồi bán bánh ít lá gai, cất lời mời đon đả với giá 5.000 đồng/chiếc. Tôi vẫn thường gặp trên con phố nào đó ở thành phố này những con người nhà quê quang gánh trên vai cùng đôi bầu tre đựng đủ loại bánh cốm mang thương hiệu Bình Định. Tôi vẫn thường gặp những người quê gốc Quảng Ngãi đòn gánh trên vai, lủng lẳng 2 túi bóng trong chừng như chứa đủ mọi sản phẩm từ nhà máy đường, bánh kẹo quê nhà. Họ cùng giống nhau ở nét lam lũ, rảo bước chậm chừng như không việc gì phải vội, thả trôi lời rao ngắt quãng vào không gian vô định nhòa cùng tiếng ồn phố xá. Tôi đã gặp chừng như ở mọi ngôi chợ lớn bé trong thành phố này những chùm bánh ú, bánh chưng, bánh nếp, bánh tẻ sực thơm mùi lá…
Vì sao xuất hiện ở Pleiku này phần nhiều là các món bánh dân gian đậm vị quê nhà miền Trung? Có lẽ người miền Trung đặt chân lên thành phố này đầu tiên, lại chiếm phần đông. Có lẽ họ vốn là người nhà quê đến miền đất mới, tìm/giữ chút hương vị quê nhà từ các món bánh quê. Có lẽ với quan niệm: “Sống sao thác vậy” nên thức món dâng lên bàn thờ tổ tiên ngày giỗ, Tết không dám đổi thay. Thế chăng nên món bánh dân gian cũng truyền đời.
 NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm