Xã hội

Chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo nơi biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chương trình “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” là 1 trong 8 chỉ tiêu chủ yếu trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025). Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm động viên, khích lệ học sinh vùng DTTS và miền núi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập.

Ngày 14-10-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó có Chương trình “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” cho hơn 5.000 em học sinh DTTS khó khăn/năm. Phạm vi là địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, ưu tiên nguồn lực chương trình đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao kinh phí hỗ trợ cho em Siu Nhăm (làng Klăh, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông). Ảnh: ANH HUY
Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao kinh phí hỗ trợ cho em Siu Nhăm (làng Klăh, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông). Ảnh: Anh Huy



Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, nhiều đơn vị Quân đội trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường rà soát, đảm bảo đúng đối tượng được nhận hỗ trợ, nhận nuôi. Đó là các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 là người DTTS đang sinh sống ở khu vực biên giới, có hoàn cảnh khó khăn; con của người có uy tín, người tích cực tham gia bảo vệ biên giới trong đồng bào DTTS... Trong năm học, các em được hỗ trợ đồ dùng học tập với số tiền 700 ngàn đồng/em, nhu cầu thiết yếu (quần áo, giày dép, phương tiện đến trường) là 700 ngàn đồng/em. Riêng tiền ăn là 600 ngàn đồng/em/năm học đối với trường hợp nhận hỗ trợ; 60 ngàn đồng/ngày/em với trường hợp nhận nuôi. Ngoài ra, trong năm học, các đơn vị còn hỗ trợ biểu dương các em có thành tích học tập tốt và nhiều nội dung khác.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều đơn vị đã hoàn thành việc rà soát, lập danh sách và tiếp nhận kinh phí hỗ trợ từ cấp trên; đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trao số tiền nhận nuôi, nhận hỗ trợ 4 tháng trong năm 2022 đến tận tay đối tượng thụ hưởng. Cụ thể, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) phối hợp UBND huyện Đức Cơ trao kinh phí nhận nuôi, nhận hỗ trợ cho 71 học sinh DTTS có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại 3 xã: Ia Dom, Ia Nan và Ia Pnôn với tổng kinh phí trên 653 triệu đồng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao kinh phí hỗ trợ cho 4 em học sinh ở các xã: Ia Dom (huyện Đức Cơ), Ia O (huyện Ia Grai) và Ia Mơr, Ia Púch (huyện Chư Prông) với số tiền 4,4 triệu đồng/em. Các đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận hỗ trợ 155 em ở 7 xã biên giới với số tiền 1,1 triệu đồng/em/tháng... Nguồn kinh phí được trích từ ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Với 3 chị em Siu Thức (làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông), số tiền hỗ trợ như “chiếc phao” cứu sinh. Mẹ mất sớm, bố lấy vợ ở xã khác, Thức sống cùng 2 chị gái. Hai chị đã lập gia đình, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Chị Siu Nút (chị của Thức) bộc bạch: “Thức rất thích đi học và học cũng khá. Mình và chị gái cố gắng làm để nuôi em nhưng ít đất sản xuất, thu nhập không đáng kể. Có sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, chị em mình cũng vơi bớt nỗi lo. Số tiền hỗ trợ hàng tháng giúp mình có thêm điều kiện chăm lo cho em học hành”.

Để chương trình đạt hiệu quả, ngoài trao tận tay nguồn hỗ trợ, các đơn vị còn giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ; phối hợp cùng gia đình, nhà trường, địa phương nắm bắt tình hình học tập, đời sống mọi mặt của các em. Các đơn vị cũng làm sổ nhật ký ghi chép, theo dõi các hoạt động hỗ trợ và kết quả học tập của từng em nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch cũng như có cơ sở để tiếp tục đề nghị hỗ trợ cho các năm tiếp theo.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Nghị-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, sự hỗ trợ từ chương trình là động lực chắp cánh ước mơ cho nhiều học sinh nghèo nơi biên giới, qua đó góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh; đồng thời thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó quân dân, góp sức xây dựng biên giới ngày càng vững mạnh. Cùng với chương trình “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, các đơn vị thuộc lực lượng Biên phòng tỉnh tiếp tục duy trì có hiệu quả chương trình “Nâng bước em đến trường” với 52 cháu và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” với 11 cháu. Nguồn kinh phí thực hiện do cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Biên phòng tự nguyện đóng góp.

 

 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm