Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

"Chắp cánh" ý tưởng khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ V-2021 không chỉ để các tác giả, nhóm tác giả giao lưu, học hỏi kinh nghiệm mà còn khơi nguồn và phát triển những ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Khởi động từ tháng 3-2021, cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ V đã thu hút sự tham gia của 46 tác giả, nhóm tác giả với các dự án, ý tưởng thuộc lĩnh vực: nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch… Trải qua vòng bán kết, 10 ý tưởng sáng tạo, khả thi nhất đã vào vòng chung kết.

Biến ý tưởng thành hiện thực

Vượt qua nhiều dự án, ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng, Dự án “Trồng sầu riêng Mongthong và Musaking xen canh theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ” của anh Lê Thế Đô-Bí thư Huyện Đoàn Chư Prông đã xuất sắc đạt giải nhất của cuộc thi. Trước khi tham gia cuộc thi, anh Đô đã tìm hiểu điều kiện sinh trưởng của cây sầu riêng Mongthong và Musaking cũng như tiềm năng phát triển của chúng trong tương lai gần. Bởi sầu riêng là cây trồng không mới nhưng tìm được đầu ra, xuất khẩu ổn định còn nhiều cái khó. Từ năm 2016 đến 2019, anh Đô đã trồng 600 cây sầu riêng Mongthong và Musaking. Anh lên mạng internet nghiên cứu kỹ thuật trồng sầu riêng và áp dụng vào dự án của mình. Hiện tại, vườn sầu riêng của anh đã cho thu hoạch, mỗi cây thu được 50-70 kg quả. Với giá bán 30.000 đồng/kg, anh thu về khoảng 450 triệu đồng. Ngoài giá trị kinh tế, dự án hướng đến việc tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.

 Ban giám khảo đánh giá, góp ý cho các dự án, ý tưởng tham gia cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ V. Ảnh: Phan Lài
Ban giám khảo đánh giá, góp ý cho các dự án, ý tưởng tham gia cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ V. Ảnh: Phan Lài


Anh Đô cho biết: “Trồng cây sầu riêng đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư lớn. Những lời nhận xét, góp ý tâm huyết của Ban giám khảo giúp tôi biết cách để hoàn thiện sản phẩm và liên kết với các doanh nghiệp để có thể xuất khẩu sản phẩm”.

Nhận thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh từ các loại cây thảo mộc tự nhiên ngày càng cao, năm 2020, anh Đỗ Văn Huy (tổ 1, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) đã thu mua hoa đu đủ đực để tạo ra sản phẩm dược liệu. Tham gia cuộc thi với Dự án “Trồng cây đu đủ đực lấy hoa làm dược liệu”, anh Huy tự tin thuyết trình để bảo vệ ý tưởng. Theo chia sẻ của anh Huy, hoa đu đủ đực có rất nhiều công dụng như: ngâm mật ong trị ho, hỗ trợ điều trị ung thư và các bệnh về tiêu hóa, điều hòa huyết áp… Qua khảo sát thực tế, cây đu đủ đực chỉ được người dân trồng nhỏ lẻ, không đủ cung cấp để sản xuất với số lượng lớn. Lợi thế của loại cây trồng này là chịu hạn tốt, chăm sóc khoảng 6 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch trong 5 năm.

Với tính khả thi cao, Ban giám khảo đã quyết định trao giải nhì cho dự án này. Anh Huy chia sẻ: “Tôi đã dành khá nhiều thời gian tìm hiểu thị trường của loại dược liệu này và thấy nhu cầu khá cao. Đầu năm 2022, tôi sẽ trồng thêm 1 ha đu đủ đực”.

Ngoài 2 dự án đạt giải cao, một số dự án, ý tưởng tại cuộc thi cũng góp phần thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: chế biến mắc ca sấy nứt hộ kinh doanh; sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp du lịch-giáo dục và bảo tồn thiên nhiên; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trồng thâm canh giống mì KM94 tại huyện Đak Pơ; mô hình trồng nấm linh chi đỏ tại Gia Lai… không chỉ để phát triển kinh tế, giúp người dân nâng cao giá trị nông sản mà còn hướng đến giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Tại vòng chung kết, các tác giả, nhóm tác giả lần lượt trình bày cách thức triển khai và tính khả thi của dự án, ý tưởng, phương hướng phát triển trong thời gian tới và số vốn mong muốn kêu gọi đầu tư để thực hiện hoặc mở rộng dự án. Cùng với việc đánh giá, phản biện, Ban giám khảo đã định hướng thêm cho các ý tưởng, dự án trong quá trình triển khai. Thông qua phần trình bày dự án, ý tưởng đã cho thấy sự đầu tư công phu, tâm huyết và nghiêm túc của các tác giả tham gia cuộc thi. Chị Đỗ Thị Thu Hằng-chủ Dự án “Chế biến macca sấy nứt hộ kinh doanh” chia sẻ: “Tôi rất vui khi dự án của mình được vào vòng chung kết, có cơ hội được nghe Ban giám khảo góp ý, định hướng để phát triển trong thời gian tới. Qua cuộc thi, tôi được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp rất tốt của các tác giả khác”.

 Chị Đỗ Thị Thu Hằng (chuyên viên Huyện Đoàn Kbang) đang đóng gói sản phẩm macca sấy nứt hạt. Ảnh: Phan Lài
Chị Đỗ Thị Thu Hằng (chuyên viên Huyện Đoàn Kbang) đang đóng gói sản phẩm macca sấy nứt hạt. Ảnh: Phan Lài


Đánh giá về cuộc thi, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng ban giám khảo-cho biết: Năm nay, các dự án, ý tưởng tập trung nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi. Đa số tác giả đã phân tích được kế hoạch tài chính kinh doanh, đây là yếu tố quyết định sự thành công của dự án, ý tưởng. Tín hiệu vui của cuộc thi năm nay là số lượng dự án, ý tưởng dự thi tăng gần gấp đôi so với năm trước. Tất cả các Huyện Đoàn, Thị Đoàn, Thành Đoàn đều tham gia chứng tỏ cuộc thi có tính lan tỏa tốt trong những người trẻ.  

Trao đổi với P.V, anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi-chia sẻ: “Hầu hết các sản phẩm vào vòng chung kết đều đã được triển khai trên thực tế và mang lại hiệu quả nhất định. Ban tổ chức ghi nhận, đánh giá cao tinh thần đam mê khởi nghiệp của các tác giả, nhóm tác giả. Đến với cuộc thi, các tác giả có cơ hội trao đổi với các chuyên gia, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong khởi nghiệp để được tư vấn, định hướng để dự án thêm hoàn thiện, khả thi hơn. Ngoài các giải thưởng của Ban tổ chức, 4 dự án, ý tưởng có tính sáng tạo, tính khả thi cao đã được các doanh nghiệp kết nối, đầu tư để phát triển hơn trong thời gian tới”.

 

PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm