Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Chế biến dầu ép lạnh từ hạt chanh dây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 3 năm nghiên cứu, anh Trần Mạnh Hưng-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Lộc Phát (làng Git, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã chế biến thành công dầu ép lạnh từ hạt chanh dây. Năm 2022, sản phẩm này đã đạt OCOP 3 sao cấp huyện và được sự đón nhận tích cực từ người tiêu dùng.
Hạt chanh dây được thu mua từ các cơ sở chế biến chanh dây trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mai Ka

Hạt chanh dây được thu mua từ các cơ sở chế biến chanh dây trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mai Ka

Năm 2020, trong một lần tham gia lớp tập huấn về phương pháp trồng và chế biến chanh dây, anh Trần Mạnh Hưng được nghe các chuyên gia Đài Loan chia sẻ về cách chế biến dầu từ hạt chanh dây. Đây là sản phẩm được chiết xuất từ hạt của quả chanh dây, rất giàu Omega, vitamin A, kali, các axit béo không no và chất chống oxy hóa. Ngoài tác dụng tốt cho da, loại dầu này còn giúp dưỡng tóc, giảm cơn đau nhức của cơ bắp và xương khớp.

Khá bất ngờ với thông tin này, anh Hưng đã mày mò tìm hiểu và học hỏi cách làm từ các chuyên gia. Anh chia sẻ: “Tôi vốn đam mê làm nông nghiệp. Năm 2014, tôi từ Hưng Yên vào Gia Lai lập nghiệp. Chọn chanh dây là cây trồng để phát triển kinh tế nên tôi tìm hiểu rất kỹ về loại cây này. Ngoài việc ươm giống, tôi còn học hỏi để chế biến sâu từ quả chanh dây. Khi tiếp nhận thông tin hạt chanh dây có thể chế biến ra loại dầu hữu ích, tôi thấy rất thú vị và hào hứng nên ngày đêm nghiên cứu”.

Hạt chanh dây thường được các cơ sở chế biến thải loại. Anh Hưng đến các nhà máy, cơ sở này để thu mua với giá 7-10 ngàn đồng/kg hạt khô. Sau khi đem về kho tích trữ, anh rửa hạt sạch và đưa vào máy ép. Anh chọn phương pháp ép lạnh để có thể giữ lại hương vị và giá trị dinh dưỡng của hạt một cách tốt nhất. Trong quá trình ép, nhiệt độ không được vượt quá 50 độ C. Ngoài ra, không sử dụng nhiệt bổ sung hoặc các dung môi hóa học vào quá trình ép để dầu giữ các dưỡng chất tự nhiên. Theo tính toán, cứ 11 kg hạt chanh dây khô sau khi ép sẽ thu được 1 lít dầu. “Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên dầu ép ra không đạt chất lượng. Không nản chí, tôi tiếp tục mày mò và cải tiến quy trình sản xuất. Đầu năm 2022, khi sản phẩm đã đạt yêu cầu, tôi gửi đi kiểm định chất lượng và nhận được phản hồi tốt. Sau khi được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện quan tâm hỗ trợ, tôi đã hoàn thành nhãn hiệu và mã QR cho sản phẩm dầu hạt chanh dây. Sản phẩm mang nhãn hiệu Tân Lộc Phát”-anh Hưng cho biết.

Anh Trần Mạnh Hưng-Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Lộc Phát bên sản phẩm dầu chanh dây ép lạnh. Ảnh: Mai Ka

Anh Trần Mạnh Hưng-Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Lộc Phát bên sản phẩm dầu chanh dây ép lạnh. Ảnh: Mai Ka

Sau khi hoàn thiện và đưa sản phẩm ra thị trường, anh Hưng bán với giá 550.000 đồng/lít. Mỗi năm, anh tiêu thụ trên 900 lít dầu chanh dây ép lạnh. Là khách hàng ưa chuộng sản phẩm dầu ép lạnh từ hạt chanh dây, bà Võ Thị Định (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi biết tới loại dầu này trong một lần tham gia hội chợ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Ngoài việc sử dụng làm thực phẩm nấu nướng như dầu ăn thông thường, dầu hạt chanh dây còn có thể dùng để làm đẹp và chăm sóc cơ thể rất hiệu quả và an toàn. Sản phẩm được đầu tư về bao bì, nhãn mác, logo bắt mắt và ấn tượng. Tôi thường mua về sử dụng trong gia đình và làm quà biếu bạn bè, người thân”.

Theo ông Võ Minh Quang-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang, để nâng cao giá trị quả chanh dây, anh Hưng cùng các thành viên trong HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Lộc Phát đã nghiên cứu chế biến dầu hạt chanh dây. Với hiệu ứng tích cực của sản phẩm, cuối năm 2022, Phòng đã tổ chức đánh giá, phân hạng dầu hạt chanh dây đạt OCOP 3 sao cấp huyện. Tổ tư vấn Chương trình OCOP của huyện hỗ trợ HTX về thủ tục hành chính, cách xây dựng logo, truy xuất nguồn gốc và bảo hộ sản phẩm trên thị trường; đồng thời, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện của địa phương, tỉnh và một số tỉnh, thành trong cả nước. Việc chế biến sâu là hướng đi giúp gia tăng giá trị cho chanh dây nói riêng và cây ăn quả nói chung trên địa bàn huyện.

Có thể bạn quan tâm