TN - Đất & Người

Chế biến sâu "mở đường" cho nông sản Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tây Nguyên đang vào mùa thu hoạch sầu riêng, giá bán tươi tại vườn khoảng 25.000-30.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân chỉ có lãi khi sầu riêng được mùa. Song, kịch bản thị trường không phải lúc nào cũng lạc quan như thế. Và chế biến sâu chính là chìa khoá mở ra lối đi mới cho nông sản của vùng.
Trao quyền chủ động cho người nông dân
Ông Đặng Văn Huy (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) có hơn 10ha trồng sầu riêng xen lẫn với các loại cây ăn quả khác như bơ, măng cụt, mãng cầu Xiêm… Vào mùa cao điểm thu hoạch, trung bình mỗi ngày, gia đình ông thu được hơn 1 tấn quả.
Tuy nhiên, cũng như bao người nông dân Việt Nam khác, ông Huy không tránh khỏi vòng xoáy luẩn quẩn “được mùa mất giá, mất mùa mới được giá”. 
“Cái khó của nông dân mình là không chủ động được đầu ra nên bị phụ thuộc vào thương lái. Nông sản đến ngày thì phải thu hoạch, chưa được giá mà nó chín ê hề ra đấy thì mình vẫn phải bán. Nên chuyện bị ép giá là không thể tránh khỏi” - ông Huy chia sẻ.
Chế biến sâu là chìa khoá mở ra lối đi rộng lớn cho nông sản. Người nắm được chìa khoá là người chủ động quyết định được giá trị sức lao động của mình thông qua giá trị của sản phẩm.
Là một nông dân cấp tiến điển hình, 2 năm nay, ông Huy mạnh dạn đầu tư gần 1,5 tỉ đồng cho hệ thống cấp đông sầu riêng và máy sấy, sao trà mãng cầu theo công nghệ của Hàn Quốc. 
Sản phẩm sầu riêng của ông Huy sau chế biến sâu bằng cách cấp đông có thể bảo quản được cả năm, thay vì chỉ được vài ngày như sầu riêng chín tươi nên ông có thể chủ động được thời gian xuất bán khi được giá. Giá trị sản phẩm cũng tăng lên gấp đôi, gấp 3 thậm chí là gấp hàng chục lần (đối với sản phẩm trà mãng cầu) so với bán thô. 
Còn theo ông Trần Đức Anh - chủ một cơ sở chế biến hồng treo gió tại Đà Lạt, Lâm Đồng, nếu 1kg hồng bán tươi chỉ trên dưới 30.000 đồng thì khi qua chế biến thành sản phẩm hồng treo gió, giá trị có thể tăng lên hàng chục lần. 

 Sản phẩm chế biến sâu giúp người nông dân tăng thu nhập rất nhiều lần.
Sản phẩm chế biến sâu giúp người nông dân tăng thu nhập rất nhiều lần.
Được biết, hiện toàn vùng Tây Nguyên có khoảng 300 hộ nông dân tiêu biểu, biết tận dụng tối đa lợi thế cũng như không ngừng tìm tòi, áp dụng tốt các công nghệ phù hợp để tối đa hóa lợi nhuận cũng như tiết kiệm chi phí đầu vào, mang lại thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên.
Dư địa lớn nhưng nông dân khó tiếp cận
Tây Nguyên là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước, nhiều nông sản Tây Nguyên dẫn đầu cả nước về sản lượng như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ, chanh leo...
Tổng sản lượng nông sản toàn khu vực Tây Nguyên cung cấp ra thị trường ước tính đạt hàng triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, chỉ khoảng 15-20% nông sản Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung là được chế biến để xuất khẩu, trong khi ở Đài Loan (Trung Quốc) con số này là 80%.
Ông Đặng Văn Huy - chủ nông trại Dangfarm cho biết, hơn 1,5 tỉ đồng ông đầu tư vào máy móc để chế biến nông sản sau 2 năm rồi vẫn chưa hồi vốn. Vì mới bước vào lĩnh vực chế biến sâu nên ông vẫn đang loay hoay tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. 
“Hiện sầu riêng cấp đông và trà mãng cầu của chúng tôi mới chỉ cung cấp trong thị trường nội địa. Nông dân chúng tôi vốn chỉ biết trồng trọt, mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị cũng đã là một sự cố gắng lớn. Cái khó nhất bây giờ vẫn là tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm” - ông Huy chia sẻ.
Còn ông Huỳnh Trung Quân – Giám đốc Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân (Đức Trọng, Lâm Đồng), chuyên chế biến sâu các sản phẩm từ quả phúc bồn tử như mật, rượu vang, siro… thì cho biết, sản phẩm chế biến sâu không hẳn là bán sẽ được giá hơn bán thô. 

 Sản phẩm chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị kinh tế mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản cho Tây Nguyên.
Sản phẩm chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị kinh tế mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản cho Tây Nguyên.
Tuy nhiên, vì mình đa dạng sản phẩm giúp đa dạng nguồn thu, khai thác tối đa sản lượng làm ra và được chủ động lựa chọn đối tác, thị trường tiêu thụ. Vậy nên, sản phẩm chế biến sâu có thể không làm tăng tổng thu nhập nhưng chắc chắn giúp nông dân làm thương hiệu tốt, tránh lãng phí…
Còn bà Chu Thị Ngọc Loan – nông dân trồng sầu riêng ở Đạ Huoai, Lâm Đồng bày tỏ, nếu có đủ vốn và được hỗ trợ kỹ thuật, chắc chắn nông dân sẽ không ngại đầu tư vào chế biến sâu. 
Theo ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, một trong những rào cản hiện nay, nhất là trong đợt dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy vai trò quan trọng của chuỗi bảo quản, lưu trữ, vận chuyển hàng hoá là bài toán cần đặt ra giải quyết. 
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện tại, chi phí cho việc vận chuyển chắc chắn không thể giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến giá nông sản và người nông dân. Vậy nên, chế biến sâu, dù còn khó tiếp cận thì vẫn là chìa khóa mở ra con đường thênh thang hơn cho nông sản và người nông dân.
Theo Phương Nhiên (LĐO)

Có thể bạn quan tâm